Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ kéo tên lửa ra Hoàng Sa, mối đe dọa ngày càng...

TQ kéo tên lửa ra Hoàng Sa, mối đe dọa ngày càng hiện hữu

Việt Nam cũng là quốc gia bị ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng nhất về mặt phòng thủ nếu như Trung Quốc kéo tên lửa, vũ khí hiện đại ra Hoàng Sa và Trường Sa.

8 bệ phóng tên lửa HQ-9 xuất hiện ở Phú Lâm, Hoàng Sa hôm 14/2. Ảnh chụp Phú Lâm hôm 3/2 (nửa bên phải) không thấy dấu hiệu của các tên lửa này. Ảnh: Fox News/ISI.

LTS: Xung quanh thông tin Trung Quốc đã kéo 2 khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 bao gồm 8 bệ phóng ra đặt bất hợp pháp tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam trên Fox News ngày 17/2, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này. Xin  trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Fox News ngày 17/2 đưa tin, quân đội Trung Quốc đã kéo 2 khẩu đội tên lửa đất đối không HQ-9 ra bố trí bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Nếu thông tin này được xác minh là đúng, thì đây là bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, chà đạp luật pháp quốc tế, và đặc biệt là trực tiếp uy hiếp, đe dọa an ninh, hòa bình, ổn định của các nước khu vực, bao gồm Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh do tác giả cung cấp.

2 khẩu đội tên lửa Trung Quốc nhắm vào nhiều mục đích, mục tiêu

Kéo tên lửa ra bố trí bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa không phải là hành động đơn lẻ, mà nằm trong chuỗi âm mưu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm hòng quyết hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò vô lý, phi pháp và bành trướng mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông.

Nó diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc liên tục vi phạm các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) bằng việc liên tục cho máy bay bay qua vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh mà ICAO đã giao cho Việt Nam quản lý mà không thông báo cho Việt Nam.

Đồng thời Trung Quốc đã 2 lần cho máy bay dân dụng chở vợ con sĩ quan, binh lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Trường Sa hạ cất cánh bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Đây là bước leo thang mới nguy hiểm nằm trong tính toán sẵn của Trung Quốc về cả chiến lược, chiến thuật, thời điểm và nhằm vào nhiều mục đích.

Rất có thể Trung Quốc sẽ lấy cớ tàu khu trục Hải quân Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa cuối tháng trước để ngụy biện cho việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và chuẩn bị cho những bước leo thang mới.

Mục tiêu thứ nhất theo cá nhân tôi, đó là việc Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến trình chuẩn bị tuyên bố đơn phương áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) bất hợp pháp ở Biển Đông như nhiều học giả quốc tế đã nhận xét.

Thứ hai, với dàn tên lửa này và khả năng áp đặt ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ tìm cách vô hiệu hóa FIR Hồ Chí Minh mà ICAO đã giao cho Việt Nam.

Thứ ba, dàn tên lửa Trung Quốc kéo ra Hoàng Sa lựa chọn đúng thời điểm Hoa Kỳ và ASEAN tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm thống nhất lập trường chống quân sự hóa Biển Đông, bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông là một đòn dằn mặt của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc vừa muốn ngăn chặn các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành trên Biển Đông như thời gian qua. Mặt khác nước này cũng muốn dằn mặt các bên liên quan không tuần tra chung, không “theo Mỹ” chống hành vi bành trướng của Trung Quốc.

Mục tiêu thứ tư tôi cho rằng, Trung Quốc muốn tung một đòn đe dọa, uy hiếp các nước đang trông chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA về căn cứ pháp lý của đường lưỡi bò, gây sức ép với các bên liên quan không khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm, vì  khả năng PCA phán quyết ra sao Bắc Kinh có lẽ cũng đã hiểu rõ.

Bắc Kinh sẽ chưa dừng lại

Cá nhân người viết lo ngại rằng, không chỉ kéo tên lửa ra Hoàng Sa, mà trong tương lai không xa, có thể là trước khi PCA ra phán quyết tháng Năm năm nay, Trung Quốc có thể kéo tên lửa, máy bay, vũ khí quân sự chiến lược của họ ra bố trí bất hợp pháp trên đảo nhân tạo họ bồi lấp ở Trường Sa.

Cùng với sự phát triển mạnh của hải – không quân Trung Quốc, lực lượng Cảnh sát biển được xem như một loại hải quân trá hình của Trung Quốc cũng sẽ hoạt động mạnh ở Biển Đông. Bắc Kinh rất có thể nhòm ngó và tìm cách chiếm đoạt các bãi cạn thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam không phải một bộ phận của quần đảo Trường Sa, nơi các nhà dàn DK1, DK2 và các giếng dầu của chúng ta đang hoạt động hợp pháp.

Nguy cơ các thủ đoạn và sự cố do Trung Quốc cố tình giăng bẫy hay tạo ra như Scarborouhg năm 2012 có thể lặp lại ở Trường Sa hay thềm lục địa phía Nam Việt Nam để chiếm các bãi cạn ở đây.

Nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ lớn hơn rất nhiều so với sự cố Scarborouhg, bởi tính chất chiến lược của các bãi cạn này, cũng như chiến lược hiện thực hóa đường lưỡi bò Trung Quốc.

Trung Quốc có thể chưa lập tức dùng vũ lực, nhưng đã, đang và sẽ đe dọa, uy hiếp đối phương bằng vũ lực. Các loại vũ khí hiện đại của Trung Quốc hiện nay có bán kính tác chiến bao trùm khu vực, trực tiếp đe dọa đến an ninh các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ này đã ngày càng hiện hữu thực sự.

Trong khi đó Trung Quốc vẫn tìm cách chia rẽ ASEAN và phá mọi nỗ lực của khối trong việc thống nhất lập trường chống quân sự hóa, leo thang xung đột ở Biển Đông thông qua một số “tay trong”. Họ sẽ vẫn tiếp tục ca bài ca “đại cục”, dùng sức ép kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự để phong tỏa các bên liên quan.

Phải chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án

Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép toàn bộ và một phần. Đồng thời Việt Nam cũng là quốc gia bị ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng nhất về mặt phòng thủ nếu như Trung Quốc kéo tên lửa, vũ khí hiện đại ra Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng bên cạnh đó, các quốc gia khác ven Biển Đông cũng sẽ bị đe dọa. Kể cả những nước không có yêu sách ở Biển Đông, Trường Sa như trường hợp Singapore, một khi xung đột hay chiến tranh nổ ra ở Biển Đông thì quốc đảo này cũng sẽ bị tác động ảnh hưởng ghê gớm về kinh tế thương mại, về quốc phòng an ninh.

Hoa Kỳ, với vai trò là một cường quốc châu Á – Thái Bình Dương, có nhiều lợi ích chiến lược cũng như cơ hội, vị thế lãnh đạo an ninh trong khu vực vừa được Tổng thống Obama khẳng định lại, lại đang bị Trung Quốc thách thức nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Nếu để Trung Quốc thực hiện được âm mưu độc chiếm Biển Đông thì cũng đồng nghĩa với việc Mỹ bị “đá” bay khỏi khu vực này.

Chính vì thế người viết rất tâm đắc trước ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Tổng thống Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN ở Sunnylands. Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ vpcp.chinhphu.vn ngày 17/2:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam rất quan ngại trước tình hình Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.

Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC. 

Đã đến lúc các bên liên quan cũng như Hoa Kỳ cần tính toán đến các hành động cụ thể để ngăn chặn bành trướng, ngăn chặn xung đột, ngăn chặn việc chà đạp luật pháp quốc tế ở Biển Đông thay vì chỉ dừng lại ở “quan ngại”.

Cá nhân tôi cũng tin rằng lực lượng chức năng của các bên liên quan bao gồm Việt Nam đã có phương án sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới