Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau không thể nào quên!

Chiến tranh biên giới phía Bắc: Nỗi đau không thể nào quên!

Ngày 7/1/1979 quân đội Việt Nam đã lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia vốn được Trung Quốc hậu thuẫn. Tại Việt Nam, vấn đề Hoa kiều cũng trở nên gay gắt, căng thẳng. Để trả đũa, ban lãnh đạo Trung Quốc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học”. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ kéo quân tràn qua biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây nên một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt.

Bài 1: Trung Quốc ráo riết chuẩn bị tấn công Việt Nam

Từ sau sự kiện 7/1/1979, ban lãnh đạo Trung Quốc ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Việt Nam. Một lực lượng quân đội hùng hậu được điều đến áp sát biên giới.

Nếu trong quý IV phía Trung Quốc gây khoảng 150 vụ khiêu khích biên giới thì chỉ trong 45 ngày đầu tiên của năm 1979 đã có hơn 300 vụ. Trong khi hai bên trao đổi công hàm ngoại giao về vấn đề này thì Trung Quốc âm thầm điều 9 sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam.

Không chỉ bộ binh mà lực lượng không quân Trung Quốc cũng được tăng cường tại các căn cứ ở các tỉnh phía nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam… Hải quân cũng tập trung quanh đảo Hải Nam để sẵn sàng tác chiến. Tóm lại, Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt để thực hiện việc “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Trong số binh sĩ Trung Quốc tham gia đánh Việt Nam có khá nhiều Hoa kiều. Cần biết, trong 2 năm 1977-1978, Trung Quốc ra sức kêu gọi Hoa kiều rời bỏ Việt Nam để trở về “đất mẹ”. Họ chọn những thanh niên mạnh khỏe từ số Hoa kiều về nước, cho huấn luyện quân sự rồi sung vào những đơn vị chuẩn bị đánh Việt Nam. Trong chiến thuật “biển người”, binh sĩ Hoa kiều được bố trí thành những đơn vị đi đầu, dùng thân mình phá các bãi mìn của Việt Nam và chắn đạn cho những người đi sau.

Ngoài ra, có nhiều đàn ông Hoa kiều không đủ tiêu chuẩn chiến đấu thì bị sung vào các đội dân binh chuyên làm phu khuân vác, vận chuyển vũ khí, trang thiết bị hậu cần… vì ở địa hình rừng núi rất khó sử dụng các phương tiện cơ giới. Số khác thì phải đi phá núi mở đường cho binh sĩ hành quân, xây dựng các kho tàng, bến bãi hậu cần. Đại đa số Hoa kiều hối hận vì đã nghe theo lời chiêu dụ của giới lãnh đạo Trung Quốc mà rời bỏ Việt Nam.

Tóm tại, phía Trung Quốc tập trung lực lượng mọi mặt trên một tuyến biên giới dài 200 km để chuẩn bị tấn công Việt Nam.

Lúc bấy giờ, Việt Nam đang có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, hai bên vừa ký với nhau Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện. Theo tinh thần Hiệp ước này, nếu Việt Nam bị xâm lược, Liên Xô có quyền can thiệp vũ trang để bảo vệ Việt Nam. Vì vậy, khi chuẩn bị tấn công Việt Nam, Bắc Kinh không thể không dè chừng Liên Xô và các nước khác trong khối XHCN. Để đề phòng sự can thiệp có thể có của Liên Xô, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đã tăng cường lực lượng phòng thủ trên toàn tuyến biên giới với Liên Xô và Mông Cổ. Toàn bộ quân đội Trung Quốc được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, thậm chí những quân nhân đang nghỉ phép hoặc đang đi công tác đều bị gọi về đơn vị để trực chiến. Tình hình căng thẳng trong toàn quân.

Giới lãnh đạo và các tướng lĩnh Trung Quốc thời đó tỏ ra cũng biết lo xa. Họ đã tổ chức sơ tán cư dân ở những khu vực gần biên giới để đề phòng quân Việt Nam có thể phản công mạnh mẽ và vượt qua biên giới, tiến sâu vào đất Trung Quốc. Tình hình cũng tương tự tại những khu vực trọng yếu trên tuyến biên giới với Liên Xô. Ngoài lực lượng chính quy, tại các khu vực gần biên giới cũng tổ chức lực lượng địa phương quân và dân quân tự vệ có vũ trang đầy đủ. Tóm lại, Trung Quốc đã chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn và cũng lường trước tình huống “lưỡng đầu thọ địch” có thể xảy ra.

Trên phương diện chính trị, Trung Quốc không che giấu ý đồ “trừng trị” Việt Nam, nhưng các công việc chuẩn bị cho chiến tranh thì họ thực hiện một cách âm thầm, bí mật. Phía Việt Nam chẳng lạ gì ý đồ thâm hiểm ấy nên từ tháng 1/1979 đã tổ chức sơ tán nhiều điểm dân cư ở những khu vực gần biên giới phía bắc.

chien tranh bien gioi phia bac noi dau khong the nao quen

Một lính bắn tỉa TQ mặc đồ dân sự lén lút vượt qua biên giới trước giờ nổ súng

Giới quan sát quốc tế cho rằng những động thái căng thẳng của Bắc Kinh chỉ là để hăm dọa hoặc gây áp lực lên Việt Nam mà thôi chứ Trung Quốc chưa chắc đã dám tiến hành chiến tranh. Tuy nhiên, đòn tung hỏa mù của Trung Quốc cũng phần nào che mắt được Việt Nam và Liên Xô (về hướng tấn công và quy mô lực lượng tham chiến) để rồi bất ngờ tung đòn chớp nhoáng.

Xét tổng thể, ở thời điểm ngay trước khi xảy ra cuộc chiến, tương quan lực lượng quân sự nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, chẳng hạn, về quân số là 3/1, về số lượng sư đoàn: 1,8/1, về số lượng xe tăng-thiết giáp: 7,6/1, về pháo hạng nặng: 4,5/1, về máy bay chiến đấu: 13/1, về tàu chiến: 5,3/1.

Xét cục bộ, tại ba hướng tấn công (Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai), ưu thế quân sự cũng nghiêng nhiều về Trung Quốc, với tương quan lực lượng như sau: về quân số là 4,8/1, về xe tăng thiết giáp là 7/1, về pháo hạng nặng là 12/1.

Nói chung phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng cho cuộc chiến và với ưu thế tuyệt đối về quân số cũng như vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, tưởng chừng Trung Quốc có thể đè bẹp rồi ăn tươi nuốt sống Việt Nam trong chớp mắt. Nhưng sự thật thì thế nào? Xin bạn đọc vui lòng đón đọc bài báo về những diễn biến của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong kỳ tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới