Triển khai tên lửa và radar tại Hoàng Sa là một hành động nhằm chuẩn bị hoàn thành bước quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời khẳng định giai đoạn thứ sáu trong một chiến lược dài hạn của Trung Quốc có tên gọi là “thay đổi nguyên trạng” Biển Đông của chính quyền Bắc Kinh.
Nhiều quốc gia bày tỏ quan ngại về các động thái gần đây của Trung Quốc được cho là làm ‘thay đổi nguyên trạng’ trên Biển Đông.
Bình luận với BBC về động thái Trung Quốc được cho là đã triển khai tên lửa và hệ thống radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ năm 1974, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD) nói: “Đây là một hành động ngang ngược và bất chấp dư luận thế giới.
Hành động này là một bước chuẩn bị cho việc sau khi Trung Quốc hoàn thành cải tạo các đảo, thì Trung Quốc triển khai các tên lửa xuống Trường Sa và như thế là hoàn thành bước quân sự hóa Biển Đông“.
Đồng thời theo nhà phân tích, người cũng là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, hành động triển khai tên lửa thống nhất với một chiến lược dài hạn đã có từ lâu của Trung Quốc ở vùng biển có nhiều tranh chấp về chủ quyền.
“Kể từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc bước vào giai đoạn thứ sáu, giai đoạn thay đổi nguyên trạng Biển Đông và nhằm xác lập những nỗ lực trên thực tiễn để kiểm soát vùng biển này.
Xét về toàn bộ quá trình Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông qua năm giai đoạn, thì đây là giai đoạn thứ sáu.
Tôi nghĩ việc lấn chiếm Biển Đông, từng bước lấn chiếm Biển Đông và áp đặt sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông có tính quy luật, trở thành một xu thế Trung Quốc đã thực hiện từ năm 1954 đến nay, kể từ khi Pháp rút khỏi Đông Dương” – ông Nguyễn Ngọc Trường nói với BBC.