Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐằng sau việc Apple chống lệnh tòa án Mỹ

Đằng sau việc Apple chống lệnh tòa án Mỹ

Không phải vô cớ mà Apple từ chối hỗ trợ điều tra một vụ khủng bố đã cướp đi 14 sinh mạng, và cũng không phải vô cớ mà các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft và Facebook đều đã có động thái ủng hộ Táo

Trong tuyên bố chính thức vào ngày thứ ba vừa qua, CEO Tim Cook của Apple đã lên tiếng cho biết công ty của ông sẽ đệ đơn kháng cáo lại yêu cầu của tòa án Mỹ buộc Apple phải hỗ trợ FBI mở khóa một chiếc iPhone 5c.

Thoạt nhìn, mọi việc tưởng như rất đơn giản và Tim Cook cũng đang là người hành xử vô lý: chiếc iPhone 5c này thuộc về 2 kẻ khủng bố tại San Bernardino, California, những kẻ đã tước đoạt đi mạng sống của 14 người và làm bị thương 22 người khác. Việc mở khóa iPhone 5c, theo FBI, có thể giúp tìm ra những manh mối quan trọng cũng như những kẻ đồng sự của 2 kẻ khủng bố, vốn có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự phong IS.

Thế nhưng, mọi việc không đơn giản như vậy. Sự kiện Apple phản đối quyết định của tòa án Mỹ chỉ là một diễn tiến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý đã kéo dài hàng năm trời giữa một bên là các đơn vị hành pháp của Mỹ, và một bên là các công ty công nghệ như Apple, Google, Microsoft và Facebook.

Vậy, tại sao Thung lũng Silicon lại quyết tâm phản đối việc tạo ra một công cụ quan trọng cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như các loại tội phạm đáng ghê tởm khác, bao gồm khiêu dâm trẻ em và buôn lậu ma túy? 14 sinh mạng mất đi trong vụ khủng bố tại San Bernardino có ý nghĩa như thế nào với Apple và Tim Cook?

Apple không bắt tay với khủng bố

Có lẽ, quan điểm của Apple về khủng bố được thể hiện rõ ràng nhất trong bức thư “mở” được Tim Cook công bố trên trang chủ của công ty:

“Chúng tôi khóc thương vì những sinh mạng bị mất đi và cũng mong công lý đến với những người bị ảnh hưởng. FBI đã yêu cầu chúng tôi giúp đỡ sau vụ tấn công, và chúng tôi đã hoạt động tích cực để hỗ trợ nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết tội ác khủng khiếp này. Chúng tôi không có một chút thông cảm nào dành cho lũ khủng bố.

Khi FBI yêu cầu dữ liệu nằm trong quyền sở hữu của chúng tôi, chúng tôi đã cung cấp chúng. Apple tuân theo các lệnh lục soát hợp lệ, giống như trong vụ San Bernardino. Chúng tôi cũng đã cho phép các kỹ sư cố vấn cho FBI, và chúng tôi cũng đưa ra những ý tưởng tốt nhất về những lựa chọn điều tra cho họ.

Chúng tôi rất tôn trọng các chuyên gia tại FBI, và chúng tôi tin rằng ý định của họ là tốt đẹp. Đến lúc này, chúng tôi đã làm tất cả có thể trong phạm vi quyền lực của chúng tôi và trong phạm vi của luật pháp để giúp họ. Nhưng chính phủ Mỹ yêu cầu chúng tôi cung cấp một thứ mà chúng tôi không có, một thứ mà chúng tôi coi là quá nguy hiểm khi tạo ra. Họ yêu cầu chúng tôi xây dựng backdoor (cửa hậu) cho iPhone”.

Nhưng, Apple cũng không tin chính phủ Mỹ

Tuyên bố của FBI cho biết cơ quan này muốn Apple tạo ra một firmware mà họ có thể cài đặt lên chiếc iPhone 5c của 2 kẻ khủng bố, hủy bỏ tính năng tự động xóa dữ liệu cũng như tính năng tăng thời gian chờ truy cập sau mỗi lần nhập passcode sai trên một chiếc iPhone duy nhất. Nhưng, trong bức thư của mình, Tim Cook bày tỏ rõ sự hoài nghi với lập luận của FBI:

“FBI có thể dùng những từ khác nhau để mô tả công cụ này, nhưng đừng lầm lẫn, việc tạo ra một phiên bản iOS có thể vượt qua các tính năng bảo mật theo cách này sẽ tạo ra một backdoor. Và khi chính phủ có thể khẳng định rằng công cụ trên sẽ chỉ được giới hạn duy nhất trong vụ việc này, chúng ta không có cách nào để đảm bảo khả năng kiểm soát như vậy cả.

Trong thế giới số ngày nay, “chìa khóa” tới một hệ thống mã hóa là một thông tin có thể mở khóa dữ liệu, và chìa khóa này chỉ có mức độ an toàn với các biện pháp để bảo vệ nó. Khi thông tin chìa khóa đã bị hé lộ, hoặc một biện pháp để vượt qua passcode đã được hé lộ, bất kỳ ai biết được biện pháp này đều có thể đánh bại mã hóa.

Chính phủ khẳng định công cụ này sẽ chỉ được sử dụng một lần duy nhất, trên một chiếc điện thoại duy nhất. Điều này là không đúng sự thật. Khi được tạo ra, kỹ thuật này có thể bị sử dụng đi sử dụng lại, trên bất kỳ số lượng thiết bị nào. Trong thế giới vật lý, điều này giống như một chiếc chìa khóa vạn năng, có thể mở hàng trăm triệu chiếc khóa”.

Scandal Edward Snowden đã khiến cho chính phủ Mỹ mất quá nhiều lòng tin.

Scandal Edward Snowden đã khiến cho chính phủ Mỹ mất quá nhiều lòng tin.

Hàng trăm triệu chiếc khóa này, theo Apple, chính là hàng chục triệu công dân của nước Mỹ. Khi scandal Snowden nổ ra, rất nhiều người dân Mỹ đã tức giận khi trở thành nạn nhân của các chiến dịch nghe lén, bao gồm cả những chiến dịch bất hợp pháp (chưa có lệnh của Tòa án Mỹ).

Một vụ việc khác có thể coi là minh chứng cho luận điểm của Apple là thiết bị nghe lén mạng điện thoại di động Stingray. Sau khi ngừng được sử dụng trong quân độ, Stingray đã được chuyển giao tới FBI và tiếp đó là các đơn vị cảnh sát tại Mỹ để sử dụng trong nhiều vụ việc quốc nội. Điều này sẽ không hẳn là một vấn đề, thế nhưng cảnh sát Mỹ thì lại thường không minh bạch về quá trình sử dụng StingRay bằng cách “ỉm” đi các yêu cầu của Tòa án hoặc nói dối với các thẩm phán về mục đích, quá trình sử dụng.

Trong nhiều vụ việc, chính hành vi này đã tạo ra lỗ hổng để luật sư bên bị đơn tận dụng, khiến cho những tên tội phạm lẽ ra đã phải ngồi tù bỗng dưng lại được tự do. Trong bức thư của mình, Tim Cook đã khéo léo bày tỏ quan điểm rằng FBI có thể lạm dụng chìa khóa mã hóa được Apple tạo ra, dẫn tới những kịch bản tương tự như Stingray.

Lập luận truyền thống của giới công nghệ

Việc ngay cả Google cũng lên tiếng ủng hộ Tim Cook chống lại FBI cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Việc ngay cả Google cũng lên tiếng ủng hộ Tim Cook chống lại FBI cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Tim Cook khẳng định: “Chúng tôi chưa từng thấy tiền lệ một công ty Mỹ bị buộc phải khiến khách hàng của họ đối mặt với nguy cơ tấn công tăng cao… Làm như vậy sẽ chỉ gây tổn hại tới những công dân tuân thủ luật pháp hiện đang phụ thuộc vào những công ty như Apple để bảo vệ dữ liệu của họ.

Thực tế, lập luận của Tim Cook vẫn chính là lập luận mà các công ty công nghệ, các tổ chức đấu tranh đòi quyền riêng tư trên Internet cũng như báo giới và phần đông các tín đồ hi-tech đưa ra. Giả sử rằng FBI có thể đảm bảo an toàn cho chiếc chìa khóa vạn năng được tạo ra, thì có lẽ chìa khóa này sẽ là một công cụ được sử dụng cho các mục đích “tốt đẹp” (với nước Mỹ).

Nhưng không ai có thể đảm bảo cho kịch bản đó cả. Cứ cho rằng FBI sẽ giữ đúng lời hứa chỉ sử dụng công cụ hack iPhone một lần duy nhất thì cơ quan này chưa chắc đã giữ được cho công cụ này không rơi vào tay kẻ xấu. FBI, CIA, NSA và rất nhiều đơn vị khác của chính phủ Mỹ đã từng là nạn nhân của các vụ hack muối mặt. Gần đây nhất, vào đầu tháng 2, FBI đã bị rò rỉ thông tin của hàng nghìn nhân viên lên mạng. Giám đốc CIA cũng như giám đốc tình báo Hoa Kỳ mới đây cũng đã trở thành nạn nhân của một nhóm hacker tuổi teen có tên CWA.

Hãy nhớ rằng chìa khóa mà FBI muốn Apple tạo ra chỉ là một mẩu thông tin, và khi đã được tạo ra thì không có gì đảm bảo rằng các thế lực khủng bố không thể tấn công và thu thập được mẩu thông tin đó cả. Có thể hiểu kịch bản mã hóa trên smartphone là như sau: thông tin của người dùng đang được đựng trong 4 bức tường kín với chìa khóa duy nhất đến cánh cửa duy nhất luôn luôn nằm trong túi người dùng. Điều FBI muốn Apple tạo ra là một chìa khóa khác, không được đảm bảo an toàn, và thậm chí có thể mở được tất cả những cánh cửa trên những căn phòng iOS.

Và, cũng giống như lời của Tim Cook, “Tội phạm và kẻ xấu vẫn sẽ mã hóa, sử dụng các công cụ mà chúng tiếp cận được”. Vào năm ngoái, sau khi bị “đá” khỏi dịch vụ nhắn tin mã hóa Telegram, các thành viên của IS được cho là đã tự tạo ra công cụ nhắn tin mã hóa của riêng mình. Sự kiện này có thể coi là minh chứng rõ rệt nhất cho quan điểm của CEO Apple: việc tạo cửa hậu lên các phương tiện liên lạc/lưu trữ mã hóa thông thường sẽ không thực sự gây hại tới những kẻ có ý đồ xấu.

Thung lũng Silicon cho rằng tội phạm và khủng bố sẽ luôn có mã hóa của riêng mình.

Thung lũng Silicon cho rằng tội phạm và khủng bố sẽ luôn có mã hóa của riêng mình.

Apple đang phải “gánh” cho toàn bộ ngành công nghệ

Không phải vô cớ mà CEO Google, Sundar Pichai trực tiếp lên tiếng ủng hộ Tim Cook, CEO Facebook âm thầm nhấn like còn giám đốc pháp lý của Microsoft, Brad Smith thì đăng tải lên Twitter quan điểm của tổ chức Cải cách Quá trình theo dõi của Chính phủ (bao gồm tất cả các ông lớn như Apple, Microsoft, Google, Facebook và Twitter): “Các công ty công nghệ không nên bị yêu cầu xây dựng cửa hậu vào các công nghệ có thể đảm bảo an toàn cho thông tin của người dùng”.

Hệ thống tòa án tại Mỹ xét xử theo hình thức tiền lệ pháp (án lệ), trong đó các quyết định của một phiên tòa sẽ là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho các vụ kiện tương tự trong tương lai. Nếu như Apple thua kiện trong vụ việc này, chính phủ Mỹ sẽ giành được một chiến thắng quan trọng với toàn bộ các công ty công nghệ – chỉ cần đưa ra cơ sở là vụ việc của Apple thì FBI, NSA hay CIA có thể dễ dàng ép buộc các ông lớn tại Thung lũng Silicon phải tạo ra backdoor cho tất cả các phần mềm, dịch vụ của họ.

Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, ngành bảo mật toàn cầu sẽ phải đối mặt với một “thảm họa” khủng khiếp: lỗ hổng bảo mật có thể xuất hiện trên bất kỳ một dịch vụ số nào của bất kỳ một công ty nào. Không ai đảm bảo được rằng những tổ chức khủng bố như ISIS sẽ không lần ra những lỗ hổng này. Không ai đảm bảo được rằng nước Mỹ sẽ không dùng cửa hậu để thực hiện những chiến dịch nghe lén tầm cỡ Snowden.

Hậu quả kinh tế cũng sẽ là rất trầm trọng. Người dân phương Tây không muốn bị nghe lén. Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi người tiêu dùng tại Mỹ và Châu Âu biết được rằng các sản phẩm công nghệ của họ cũng sẽ là chìa khóa cho phép ai đó nghe lén họ một cách dễ dàng, không cần tới tòa án.

Trong quá khứ, các vụ việc liên quan tới mã hóa (hoặc trước đó là yêu cầu cài đặt chip nghe lén) đã thường kết thúc với thất bại với phần thắng nghiêng về phe công nghệ. Tuy vậy, lần này FBI đã tìm được một vũ khí quá hiệu quả để (một phần) đánh bại Apple: sinh mạng của 14 người trong vụ khủng bố tại San Bernardino. Bất luận phán quyết của các tòa án cấp cao hơn là gì, sự thực vẫn là Apple vẫn đang phải “gánh” sức ép bảo mật cho toàn bộ ngành công nghệ.

Và, đây sẽ là một cuộc chiến mà Apple có lẽ không muốn đi đầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới