Có vẻ thành phố Hồ Chí Minh đã “chuyển động” mạnh mẽ hơn sau một vài việc mà Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có những quyết đáp kịp thời.
Có vẻ cả Hà Nội cũng đã nhúc nhích “chuyển động” trước hình ảnh Bí thư Thành Ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung xuống đồng đi cấy với bà con, đồng thời đốc thúc bộ máy công quyền phải dốc vào giải quyết việc đang “nhiều như nước sông Hồng”.
Dư luận hết sức đồng tình và hoan nghênh những các hành động mạnh mẽ, quyết đoán của những “tân Bí thư; tân Chủ tịch…”
Tác phong của Đinh La Thăng là như vậy: Không nói nhiều; giải quyết ngay và đi thẳng vào những điểm then chốt nhất, cụ thể nhất.
Và ông đưa ra khẩu hiểu hành động là: Hành động vì nhân dân.
Câu khẩu hiệu này về ý tứ thì cũng chẳng phải có gì là quá mới bởi lẽ bao lâu nay, chúng ta vẫn nói là Đảng ta là vì dân, mọi lợi ích của Đảng là từ dân. Nhưng ở đời, từ lý luận đến thực tiễn thì khoảng cách xa lắm… Cũng như là chỉ thị, nghị quyết, phương châm hành động… có cả đấy, nhưng vấn đề là có ai chịu làm hay không? Hay là nêu ra cho oai, cho vui… Còn có làm hay không thì… hậu xét.
Ngày nào, trên chương trình thời sự của VTV cũng có những dòng chữ chạy nào là “yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát”; nào là “khẩn trương hoàn thiện”; rồi “tích cực giải quyết”… Nghị quyết, chỉ thị thì trên cứ việc ra, cứ việc thông báo. Còn chỉ thị ấy, về đến tỉnh, huyện, xã được làm như thế nào thì có mà giời biết.
Chính vì thế, cách làm rất thiết thực, đi thẳng vào vấn đề của ông Đinh la Thăng được dư luận xem ra rất hoan hỉ và cũng rất ủng hộ ông.
Vậy điều gì xảy ra ở đây?
Tại sao tân Bí thư Thành ủy mới có hỏi chuyện mua sữa cho bà con chăn nuôi ở Củ Chi; tại sao mới chất vấn “nhẹ” Bí thư huyện Củ Chi về số điện thoại; tại sao mới chỉ yêu cầu sửa nhà, làm đường mới vào nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng; rồi yêu cầu trong ba tháng phải làm giảm được tình hình tội phạm… mà đã được dư luận ủng hộ “ rần rần” như vậy?
Vậy nếu sau này, nếu có những quyết sách lớn, làm thay đổi được cuộc sống người dân nghèo TP HCM thì không hiểu người dân sẽ còn như thế nào?
Vấn đề là thế này.
Người dân bây giờ đã quá chán, quá mệt mỏi và quá thất vọng với những loại cán bộ quen thói chỉ tay năm ngón. Mở mồm ra là chủ nghĩa nọ, chủ nghĩa kia, là rặt những từ sáo rỗng, giáo điều, là hứa hươu, hứa vượn… mà không làm được cái gì nên hồn, cụ thể cả.
Chính vì thế mà ai làm được cái gì cụ thể cho dân – mà là làm ngay – thì được dân yêu, dân tin.
Hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một bài báo cách đây cả gần 20 năm thì đó là loại cán bộ “Ăn rồng cuốn. Nói rồng leo. Làm như mèo mửa” . Loại cán bộ đó vẫn đang đầy rẫy trong bộ máy Đảng, Chính quyền hiện nay. Chúng ta đang có quá nhiều những cán bộ chỉ biết nói mà không biết làm, đó là chưa kể đến các biểu hiện tiêu cực khác như vô cảm với dân, tham nhũng, quan liêu.
Người dân bây giờ cần những cán bộ thấu hiểu nỗi khổ của dân, có những quyết sách ngay lập tức để giải quyết… Chứ không phải là “lắng nghe” rồi để đấy.
Thử tính xem, đếm xem… chúng ta đã có bao nhiêu Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy dám xuống với dân; dám “ lê la” với dân và từ đó đã làm thay đổi được cả một nếp sống, nếp suy nghĩ và văn hóa ứng xử của người dân như ông Nguyễn Bá Thanh.
Người dân đang cần những cán bộ lãnh đạo có chất “ thủ lĩnh”, chứ không cần “thủ trưởng”. Điều rất mừng là gần đây, chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều gương mặt “thủ lĩnh trẻ” trong bộ máy của Đảng và chính quyền. Đó là Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang… Đây là một thế hệ lãnh đạo đã mang được phong cách mới là mạnh mẽ, quyết đoán và lấy lợi ích người dân làm hiểu quả của công việc.
Bí thư Đinh La Thăng thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em
Từ xưa tới nay, khi mới nhận nhiệm vụ, thì người đứng đầu thường có thái độ “thăm dò, tìm hiểu, lắng nghe…”; rồi sau đó mới có chỉ đạo. Nhưng tân Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng thì “xung trận” luôn bằng việc đi xuống cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và chính xác. Cách làm này đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, có chính kiến của các tân Bí thư.
Ấy vậy mà vẫn có những tiếng nói chê bai cách làm việc của những người như ông Đinh La Thăng… À, họ bảo rằng, làm chính khách thì phải biết nhìn ở có tầm vĩ mô; rồi không nên sa đà vào những việc cụ thể; rồi Đảng không nên làm thay cho chính quyền.
Thậm chí có ông tướng công an (tất nhiên chỉ là loại tướng ngồi bàn giấy nghiên cứu) cho rằng yêu cầu của ông Thăng phải làm giảm tội phạm trong 3 tháng ở TP HCM là không thực tế; là không căn cơ… Mà muốn giảm tội phạm thì phải… giáo dục; phải tạo công ăn việc làm…? Rồi họ cho rằng việc để phóng viên báo chí viết về các hoạt động của lãnh đạo là một cách “đánh bóng tên tuổi”; và những phát ngôn có tính mạnh mẽ, quyết liệt là nhằm “tạo dựng hình ảnh”…
Nghe mà thấy buồn vì tại sao xã hội lại vẫn còn những con người suy nghĩ thiển cận và hẹp hòi đến vậy.
Vậy thế cứ làm đến lãnh đạo cấp cao là chỉ cần ngồi phán xét thôi ư? Là cao giọng răn đe, dạy bảo cấp dưới và cái gì cũng “các đồng chí phải…phải…phải”. Còn cấp dưới làm thế nào, đúng hay sai, người dân đang sống thế nào thì… chờ báo cáo chăng?
Chả lẽ họ không biết rằng kiếm “lãnh đạo” thì dễ, nhưng có được “ lãnh tụ” thì đó phải là cơ may của một dân tộc. Họ không biết rằng bộ máy công quyền của ta đang quá nhiều “thủ trưởng” nhưng hiếm “thủ lĩnh”; đang quá nhiều nhà “chính trị”, nhưng rất hiếm “chính khách”.
Họ không biết rằng tội phạm đang hoành hành như thế, thì phải có ngay những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ để ngăn chặn, rồi sau đó sẽ tiến hành các biện pháp căn cơ tiếp theo. Giống như đứa trẻ con bị sốt cao, chưa đưa đến bệnh viện được thì hãy cứ ấp cái khăn lạnh lên trán đã.
Họ không biết rằng Đảng ta là Đảng cầm quyền, thì Bí thư chính là “tư lệnh”, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về toàn diện các mặt phát triển chính trị, kinh tế, xã hội… của địa phương đó. Chả lẽ địa phương tụt hậu, lại bảo rằng “ấy, tôi là Bí thư, nghị quyết tôi ra rất đúng; nhưng “thằng” chính quyền nó không biết làm, nó yếu kém nên kinh tế mới không phát triển được.”.
Nghị quyết của Đảng mà không có hành động cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống thì cũng chỉ là mớ giấy lộn mà thôi.
Người Bí thư càng sâu sát bao nhiêu thì càng nắm chắc tình hình bấy nhiêu và vẫn phải có hoạt động cụ thể. Bí thư phải lãnh đạo toàn diện nhưng cũng phải nắm được những việc đang gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân mà từ đó có những quyết sách hợp lý… Nói một cách hình tượng thì người Bí thư không chỉ vừa phải nhìn thấy cả cánh rừng mà còn phải thấy từng gốc cây.
Những ý kiến sợ Bí thư “lấn sân” Chủ tịch chỉ là sự ngụy biện và che dấu cho cái thói cục bộ. tất nhiên chúng ta cũng hiểu rằng không phải địa phương nào, Chủ tịch và Bí thư cũng “hợp cạ” với nhau. Sự không hợp đó, có thể do tính cách, do yêu ghét; có thể do quan điểm điều hành; do trình độ; và cũng có khi do lợi ích nhóm… Địa phương nào mà như vậy thì “ nát” là cái chắc. Nhưng nếu cả Bí thư và Chủ tịch đều lấy tiêu chí phục vụ nhân dân làm đầu, lấy hiệu quả của chính quyền làm thước đo cho các quyết sách… thì chắc chắn, họ sẽ “ngồi được với nhau” một cách tin cậy.
Còn với người dân?
Ước mong của người dân thì chỉ rất đơn giản: Muốn được yên ổn trong làm ăn, muốn được sống yên bình; muốn kinh tế ngày một khá hơn, và nỗi lo của họ ngày một ít đi. Họ đâu có cần biết GDP tăng hay giảm; họ đâu cần quá quan tâm chủ nghĩa nào ưu việt hơn chủ chủ nghĩa nào.
Cụ Nguyễn Trãi đã từng viết: “ Phúc chu thủy tín dân do thủy” – Tạm dịch là “Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước”. Cho nên làm lãnh đạo hãy nhớ câu này. Còn người nào gần dân, vì dân thì chắc chắn được dân yêu, dân tin. Mà khi được lòng dân là được tất cả.