Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2-1979 đã được Trung Quốc chuẩn bị cực kỳ chu đáo cả về kinh tế, quân sự và đặc biệt là ngoại giao.
Trung Quốc luôn biện minh cho hành động của mình là một cuộc “Chiến tranh phản kích tự vệ” (?!). Tuy nhiên, cuộc chiến “phản kích” (thường ở trong trạng thái bị động) này thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện, huy động lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu Trung Quốc.
Trung Quốc đã tiến hành chuẩn bị rất chu đáo, từ tập trung các nguồn lực kinh tế cho đến hoạch định quân sự (đã xem trong kỳ trước). Song song với đó, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao để tìm kiếm sự ủng hộ hoặc chí ít là không phản đối của các nước khác.
Thăm dò ý kiến các nước Asean
Châu Đức Lễ (Zhou Deli), Tham mưu trưởng Quân khu Quảng Châu, kể lại rằng vào tháng 9 năm 1978 đã có một cuộc họp được tổ chức trong Bộ tổng Tham mưu quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, để bàn về vấn đề xung đột biên giới trên bộ với Việt Nam.
Sau khi một báo cáo đặc biệt của tình báo được trình bày, thì đa số người tham gia cuộc họp đều đồng ý rằng cần phải tiến hành một hành động quân sự lớn, gây được ảnh hưởng đáng kể với Hà Nội và tình hình ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên khi đó, tiếng nói ủng hộ Việt Nam rất đông đảo, không dễ để Trung Quốc thuận lợi phát động chiến tranh. Do đó, chính quyền Bắc Kinh đã ổ ạt triển khai những hoạt động ngoại giao và tuyên truyền rầm rộ để tìm kiếm ủng hộ và chuẩn bị dư luận.
Ngày 5-11-1978, Đặng Tiểu Bình đi thăm các nước ASEAN để tập hợp lực lượng cho bước đi sắp tới về Việt Nam. Việc Việt Nam – Liên Xô ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện vào ngày 3-11-1978 đã được Đặng Tiểu Bình lấy làm lí do để “đo lường” phản ứng của khối này.
Đặng Tiểu Bình tuyên truyền rằng, việc ký Hiệp ước Việt – Xô là mối de dọa đối với các nước ASEAN, Đặng Tiểu Bình kêu gọi thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam (tất nhiên là do Trung Quốc lãnh đạo) với khối các nước ASEAN để “tái cân bằng quyền lợi” của các nước Đông Nam Á.
Trong chuyến đi này, Đặng Tiểu Bình không giấu giếm ý định dùng biện pháp quân sự để đối phó với Việt Nam và nói rõ quyết tâm của Trung Quốc không để khu vực Đông Nam Á rơi vào tay Hà Nội.
Thái độ của từng nước ASEAN có điểm khác nhau và cơ bản là không đồng ý tham gia liên minh chống Liên Xô và Việt Nam.
Tuy nhiên, khi Việt Nam nghiêng về phía Liên Xô, các nước ASEAN cũng nhận thấy cần phải “nhích hơn chút nữa” về phía Trung Quốc.
Thái Lan chấp thuận đề xuất của Đặng Tiểu Bình, đồng ý cho phép máy bay Trung Quốc quá cảnh qua vùng trời Thái Lan để tới Campuchia. Việc này đã khiến Trung Quốc mở ra con đường tiếp vận an toàn cho Campuchia và hậu thuẫn cho tàn quân Polpot sau này.
Tìm kiếm sự ủng hộ của “đồng minh mới” (Hoa Kỳ)
Sau thời kỳ “Ngoại giao bóng bàn” năm 1972, với hàng loạt chuyến thăm viếng lẫn nhau của giới lãnh đạo Trung-Mỹ, quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Liên Xô đã xấu đi trông thấy, trên thực tế, lúc này Bắc Kinh đã coi Hà Nội và Moscow là “những kẻ thù”.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bắc Kinh quay sang bắt tay Mỹ chống lại Liên Xô. Khi đó, Washington tập trung chống phá Moscow, với sự gây rối giúp sức của Bắc Kinh, đồng thời Trung Quốc cũng lãnh trách nhiệm ngăn cản sự lớn mạnh của Việt Nam và ảnh hưởng của Liên Xô tới đông nam Á.
Chuyến đi Mỹ của Đặng Tiểu Bình từ 28 đến 30 tháng 1 năm 1979, (sau khi vừa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ ngày 1 tháng 1 năm 1979), sau đó là tới thăm Nhật Bản cũng là nằm trong mục đích chuẩn bị cho cuộc tấn công Việt Nam vào tháng 2-1979.
Đặng Tiểu Bình đã thông báo về ý định chuẩn bị tấn công Việt Nam cho đồng minh mới Hoa Kỳ, mong nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh của Washington trong khối NATO và ngăn chặn các nghị quyết chống nước này do Liên Xô khởi thảo trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.