Nhiều thủ tục để làm gì? Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng như vậy khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật dược (sửa đổi).
Đề cập tới quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao lại không cấp 1 lần mà 5 năm lại cấp lại? Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.
Nhiều thủ tục để làm gì? Để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở? Chỉ cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, còn không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm lại cấp lại”.
Qua ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, bà Trương Thị Mai đề xuất trình ra Quốc hội hai phương án: “Theo giải trình của ban soạn thảo, phương án 5 năm cấp lại 1 lần là xu hướng của thế giới.
Nhưng mà ta cũng nhận thấy rằng cải cách thủ tục hành chính chưa tốt, còn nhiêu khê, phức tạp, do đó xin tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội đề xuất thêm phương án cấp phép một lần.
Tôi nghĩ như vậy để rộng đường dân chủ và đồng thời cũng tôn trọng ý kiến của Chính phủ đề xuất 5 năm”.
Trước những ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc nhập khẩu dược liệu để tránh tình trạng nhập khẩu dược liệu kém chất lượng, trong khi người dân lại bán dược liệu tự nhiên chất lượng cao ra nước ngoài, bà Trương Thị Mai cho hay, thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm) nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu để làm thuốc y học cổ truyền.
Việc này làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng y học cổ truyền, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam. Để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của y học cổ truyền Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù để quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Bác Hồ nói: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra” |
Bà Mai nhấn mạnh: “Tất cả thuốc vào ta đều phải kiểm soát, cần có quy trình chặt chẽ nên đang giao cho Chính phủ thêm một thời gian nữa để làm quy trình cho thật chặt chẽ, bởi vì dược liệu nhập khẩu mà không kiểm soát được thì không quản lý được chất lượng”.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật dược (sửa đổi). Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) đóng góp ý kiến về thời hạn cấp giấy chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật đưa ra là 5 năm, với quan điểm nếu có vi phạm, khuyết điểm thì phải thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động, Còn hoạt động tốt thì cứ thế mà hoạt động. Việc thu đổi, cấp mới sau 5 năm sẽ sinh ra những thủ tục hành chính rườm rà.
“Tôi cho rằng không nên cấp giấy chứng chỉ 5 năm mà chỉ nên cấp một lần và cấp giấy không thời hạn. Nhưng có vấn đề thì thu hồi và cảnh báo, thậm chí phạt nặng. Khi mà họ đang sống, chưa khai tử thì làm sao lại cứ 5 năm khai sinh một lần.
Ta tiệm cận với tiên tiến của thế giới chứ không nên gây ra cơ chế xin cho và làm thủ tục hành chính chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ lại có hại cho doanh nghiệp, người hành nghề”, ông Tiến nêu quan điểm.
Về quản lý nhà nước về giá thuốc, Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh, cần có biện pháp quản lý thật mạnh vì có thực trạng ngay tại Hà Nội, hai cửa hàng dược cạnh nhau, nhưng có thể bán giá chênh lệch 3- 4 lần vì không ai quản lý, không ai siết lại.
Ông Tiến chỉ rõ: “Giá bán với giá trị thuốc phải tương thích với nhau. Giá trị chỉ có 1 mà giá thuốc 10 lần thì không được. Đặc biệt, với thuốc nhập khẩu đang có thực tế là các nhà thuốc tăng vô tội vạ. Đó chính là cái làm cho người dân rất bức xúc. Anh đánh cả vào, ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân. Chỉ cần tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thuốc thì mong manh sinh tử của họ rất nhiều”.