Kinh tế Trung Quốc chưa phải, thậm chí là không phải sắp đi đến bờ vực của sự sụp đổ như nhiều người suy đoán, thông qua những thông tin không khả quan.
Truyền thông quốc tế trong những ngày gần đây liên tục đưa tin về sự kiện thép giá rẻ của Trung Quốc lũng đoạn thị trường EU, đưa ngành công nghiệp thép của EU rơi vào tình trạng khốn đốn. Điều đó cũng khiến cho hàng ngàn lao động trong lĩnh vực này bị mất việc do cắt giảm lao động của các nhà máy sản xuất thép.
Những nhà sản xuất thép của EU đã yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Châu Âu (EC) phải điều tra ngay việc, có hay không doanh nghiệp thép Trung Quốc bán phá giá, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi muốn thấy Ủy ban Châu Âu đẩy nhanh quá trình điều tra. Chúng tôi muốn họ đưa ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn cơn lũ thép Trung Quốc”, ông Gareth Stace, Giám đốc Thương mại Hiệp hội Thép vương quốc Anh nói với BBC ngày 15/2.
Còn người lao động làm việc trong ngành công nghiệp thép châu Âu đã biểu tình, yêu cầu EC phải nhanh chóng vào cuộc để cứu cuộc sống của họ.
“Hàng ngàn công nhân ngành thép đã biểu tình tại Brussels kêu gọi hỗ trợ của EU đối với ngành công nghiệp đang ốm yếu. Hàng trăm công nhân từ Vương quốc Anh thể hiện những bức xúc yêu cầu Ủy ban Châu Âu mau giải quyết tình trạng thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường EU”, BBC đưa tin.
Và lãnh đạo EC cũng đã nhanh chóng vào cuộc. “Chúng tôi không thể cho phép sự cạnh tranh không lành mạnh từ nhập khẩu giá rẻ một cách giả tạo để đe dọa ngành công nghiệp thép của EU.
Chúng tôi xác định sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có thể để đảm bảo rằng, các đối tác thương mại của chúng tôi phải tuân thủ luật chơi”, BBC dẫn lời Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstroem khẳng định.
Tuy nhiên, theo cá nhân người viết thì việc EC điều tra và thực hiện biện pháp trừng phạt doanh nghiệp thép Trung Quốc là cực kỳ khó khăn.
Bởi lẽ người Trung Quốc quá tinh vi nên không dễ dàng tìm ra sự bất hợp lý, bất hợp pháp của doanh nghiệp thép Trung Quốc trong việc xuất khẩu mặt hàng này vào EU, cho dù mục đích của họ có thể tạo ra cuộc chơi không lành mạnh.
Không vi phạm luật chơi
Có thể thấy, việc thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào EU không phải lãnh đạo EC không biết, không nhận ra. Chỉ có điều họ chưa tìm ra kế sách đối phó.
Thực tế mặt hàng thép của Trung Quốc là thép giá rẻ, sản xuất hướng tới người tiêu dùng mua giá rẻ, chứ không hẳn là Trung Quốc bán giá rẻ để phá giá trên thị trường thép EU.
Việc tìm ra chứng cứ chứng minh doanh nghiệp thép của Trung Quốc bán phá giá trên thị trường EU là không đơn giản chút nào. Bởi lẽ, khi tham gia vào thị trường thế giới, người Trung Quốc đã “biết phận mình” nên đảo ngược quy trình kinh tế và xác định hướng đi cho mình làm sao tránh “đụng hàng” và giảm tối đa sự cạnh tranh của đối thủ.
Với phương châm như vậy, chính sách kinh tế đối ngoại của chính phủ Trung Quốc là hướng tới những quốc gia hay vũng lãnh thổ có thu nhập thấp hay trung bình.
Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc hướng tới những thị trường, những kênh thị trường có nhu cầu lớn về số lượng, nhưng thấp về giá cả. Và từ đó họ thiết kế quy trình sản xuất, đầu tư kỹ thuật phù hợp với nhu cầu đó.
Biểu tình chống thép giá rẻ Trung Quốc tại Châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Cá nhân người viết nhận định rằng, Trung Quốc đã quá xuất sắc trong xác định phân khúc thị trường thế giới – xác định được chính xác khách hàng mục tiêu của mình trong tương lai. Đó là những người có ý thích và chỉ có khả năng mua hàng giá rẻ.
Trung Quốc đã thành công mỹ mãn và chiếm lĩnh thị trường hàng giá rẻ toàn cầu.
Với việc xác định thị trường hàng giá rẻ là thị thị trường mục tiêu, người Trung Quốc đã định vị chuẩn xác thương hiệu sản phẩm của mình trên thị trường. Nói nôm na là hàng giá rẻ Trung Quốc đáp ứng được những thị hiếu nào, thỏa mãn được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường thép EU, nhưng chủ yếu là kênh thị trường hàng giá rẻ – hàng bình dân. Dường như các doanh nghiệp thép của Trung Quốc không hướng tới lĩnh vực cơ khí chính xác hay những ngành công nghiệp sử dụng thép chất lượng cao.
Trung Quốc nhường thị trường thép chất lượng cao cho đối thủ để tránh cạnh tranh.
Với sự chính xác trong hoạch định phân khúc thị trường, chuẩn xác trong định vị thương hiệu sản phẩm, người Trung Quốc xây dựng giá thành sản xuất và lựa chọn phương pháp tiêu thụ sản phẩm nhằm hình thành nên giá thành tối thiểu – nền tảng cho giá bán rẻ.
Có thể nói cả phần cứng lẫn phần mềm cấu thành giá trị sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc đều ở mức tối thiểu.
Từ quy trình kỹ thuật, nguyên vật liệu sản xuất đến quảng bá sản phẩm…, doanh nghiệp Trung Quốc đều đưa chi phí về mức tối thiểu. Như vậy giá thành thấp thì giá bán rẻ là đương nhiên.
|
Để khẳng định Trung Quốc phá giá thị trường thép châu Âu, việc mà EC phải chứng minh là thép Trung Quốc bán dưới giá thành tối thiểu. Nhưng điều đó quả thực không hề dễ dàng.
Cho đến giờ này, EC vẫn chưa đưa ra giải pháp khả thi, ngoài những tuyên bố thể hiện sự quyết tâm của mình.
“Chúng tôi đang xem xét về chi phí năng lượng, mua sắm công và khí thải công nghiệp để giúp ngành thép, nhưng đây là một vấn đề toàn cầu đòi nên hỏi một giải pháp toàn cầu”, Bộ trưởng Kinh tế Anh Anna Soubry cho biết, theo BBC.
Không thể vi phạm luật chơi
Việc bảo vệ ngành thép cho EU là một trong những yêu cầu đặt ra cho lãnh đạo EC, nhưng họ không được phép vi phạm luật chơi – nghĩa là họ không thể dùng những biện pháp phi thị trường để giải quyết vấn đề, khi kinh tế EU vận hành theo cơ chế thị trường tự do.
Do vậy, dù thép giá rẻ của Trung Quốc có bán thấp như thế nào cũng không thể ngăn chặn nếu không chứng minh được nó vi phạm luật.
Những người đại diện cho ngành thép của EU trong khi gặp lãnh đạo EC đều cho rằng, thép Trung Quốc nhập vào EU tạo ra một sự cạnh tranh không lành mạnh.
Song họ không chỉ ra yếu tố nào khác ngoài giá rẻ, mà giá rẻ vì giá thành thấp nên không thể quy kết là cạnh tranh không lành mạnh và vi pham luật chơi.
Thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập EU, nhưng có phải là sản phẩm của sự vi phạm luật chơi hay không – lãnh đạo EC phải tìm câu trả để cứu ngành thép của EU. Ảnh: BBC. |
Có thể thấy rằng, những nhà hoạch định chính sách kinh tế của EC đã chủ quan với việc đảo ngược quy trình kinh tế của Trung Quốc và hệ quả bây giờ là họ bị bất ngờ với kết quả của sự đảo ngược ấy.
Hệ quả là ngành công nghiệp thép của EU bị đe dọa, người lao động trong lĩnh vực này mất việc làm, còn lãnh đạo EC thì phải giải một bài toán hết sức nan giải.
Trung Quốc đã và đang nắm cả hai yếu tố quyết định đến thị trường thép giá rẻ toàn cầu là khối lượng và giá cả.
Hiện nay, lượng thép của Trung Quốc đang dư thừa, một phần là do công suất lớn, một phần là do suy thoái và tái cơ cấu kinh tế của Trung Quốc nên lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước giảm.
“Vào mùa hè năm 2015, giá trị đồng bảng Anh đạt mức cao nhất trong bảy năm – một trong những yếu tố làm cho mặt hàng thép của Anh đắt hơn. Trong khi đó giá thép thế giới đã giảm mạnh.
Cùng với đó là suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất thép Trung Quốc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, do nhu cầu tại thị trường nội địa đã bị đình trệ”, BBC bình luận.
Tuy nhiên, việc sản xuất thép với sản lượng lớn, ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, chiếm lĩnh thậm chí lũng đoạn thị trường toàn cầu, có lẽ Trung Quốc còn hướng tới một mục tiêu khác, đó là dùng hàng hóa thay cho tiền tệ khi AIIB vận hành. Và đây là một trong những cách tính “lợi đơn lợi kép” của Bắc Kinh.
Điều đó cho thấy, Bắc Kinh đã tính toán để đưa hàng loạt những nước khác bao gồm phần lớn thành viên EU tham gia AIIB chủ yếu là cung cấp vốn cho doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng mà không cần phải trả lãi suất vay.
Còn với khách hàng của AIIB thì phải chấp nhận sự chi phối, thậm chí không chế của Bắc Kinh khi họ có cả tiền và hàng cho đối tác.
Đây là một trong những đòn đau mà EU không thể lường trước đối với Bắc Kinh khi tham gia AIIB. Việc tìm biện pháp nhằm cứu ngành thép của EU không thể phạm luật cạnh tranh của thị trường tự do.
Nhưng mặt khác, một phần cũng là do những lợi ích chồng chéo mà EU không thể tham bát bỏ mâm, vì chọn bảo vệ một lợi ích nhỏ để rồi ảnh hưởng đến những lợi ích lớn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Như vậy, biện pháp cứu ngành thép EU khả dĩ nhất là nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thép EU đối với thép Trung Quốc, chứ không chỉ là tìm cách chống lại nó bằng những công cụ phi kinh tế.
Lãnh đạo EC không thể chỉ cứu nhà sản xuất, mà còn phải tính tới lợi ích của người tiêu dùng trong các biện pháp của mình.
Nói tóm lại, ngành thép của EU sẽ phải chấp nhận thiệt hại khi thép Trung Quốc được xuất khẩu vào thị trường này nếu họ không đủ sức ngăn chặn, chứ không chỉ biết trông chờ vào cái phao pháp luật của lãnh đạo EC – bởi họ không thể vi phạm luật chơi.
Lợi ích của người tiêu dùng phải được đảm bảo
Phải thấy rằng, hàng thép giá rẻ của Trung Quốc xuất khẩu vào EU là có lợi cho người tiêu dùng châu Âu, khi nhu cầu của họ chỉ dừng lại ở chất lượng thép của Trung Quốc. Do đó không thể bảo vệ ngành sản xuất thép mà làm thiệt hại đối với người tiêu dùng EU. Vấn đề đã trở nên rất nan giải cho lãnh đạo EC.
Nhu cầu hàng thép giá rẻ là nhu cầu thực tế nên dù bảo vệ nhà sản xuất thì cũng không được quên lợi ích của người tiều dùng. Ảnh: Internet. |
Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, nhu cầu hàng giá rẻ sẽ gia tăng mãi lực, cùng lúc đó là vấn nạn dân nhập cư tại Châu Âu hoành hành khiến cho nhu cầu hàng giá rẻ sẽ gia tăng đột biến.
Dư luận thường nói nhiều đến việc người nhập cư sẽ chiếm mất việc làm của “công dân EU” mà chưa nói đến việc hình thành một kênh thị trường hàng giá rẻ bởi lực lượng “nghèo đói theo chuẩn châu Âu” này.
Người Trung Quốc đã nhìn ra điều ấy và đã “đi tắt đón đầu” được xu thế này nên bây giờ họ là nhà cung cấp lớn nhất cho kênh thị trường này. Sẽ không chỉ là mặt hàng thép, sắp tới có thể là hàng loạt những mặt hàng giá rẻ khác của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường EU, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giá rẻ.
Dư luận phân tích nhiều đến hệ quả của việc tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc như kinh tế tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế co lại,…, nhưng lại không lưu ý đến những hệ quả khác của quá trình tái cơ cấu ấy, như sản lượng hàng hóa dư thừa do kinh tế suy giảm và do công suất thiết kế phục vụ cơ cấu kinh tế trước đây của Trung Quốc.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng hóa dạng tư liệu sản xuất của Trung Quốc như thép, xi măng chẳng hạn, làm cho thị trường toàn cầu dư thừa và ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp của nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, chính tình hình đó đã khiến cho người tiêu dùng được hưởng lợi.
Khi đã nghiên cứu kỹ để tham gia cuộc chơi không phạm luật, khi biết chắc đối thủ không thể phạm luật chơi, khi biết hàng hóa của mình mang lại lợi ích cho người tiêu dùng sở tại, Trung Quốc đã dốc toàn lực vào thị trường hàng giá rẻ.
Xuất khẩu thép giá rẻ vào EU là một trong những cuộc chơi đầy toan tính của họ .Nó khiến Trung Quốc chiến thắng đối thủ trong một thế trận không thể đảo ngược.
Tình hình thép giá rẻ Trung Quốc lũng đoạn tại EU cũng là sự cảnh báo nghiêm khắc cho ngành thép của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cuối năm 2015, Công ty cổ phần Thép Hoà Phát (HPG) cùng với Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên 45% với phôi thép và 33% với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải còn cho biết, Việt Nam có thể sử dụng những công cụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để ngăn chặn được dòng thép nhập khẩu này, khi việc nhập khẩu gia tăng đột biến, và nhập khẩu gia tăng đột biến đã trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong nước, theo VOV.
Tuy nhiên theo cá nhân người viết, dù có áp dụng biện pháp tự vệ nào cũng không phải là kế sách lâu dài và bền vững. Bởi lẽ một mặt nó ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, mặt khác nó khiến cho hệ thống doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh và cũng không thể bảo hộ mãi được.
Điều quan trọng tạo cơ chế để giúp doanh nghiệp tự khẳng định mình với sản phẩm ưu việt để có chỗ đứng trên thị trường.
Qua việc thép Trung Quốc hoành hành thị trướng EU, có thể thấy rằng kinh tế Trung Quốc chưa phải, thậm chí là không phải sắp đi đến bờ vực của sự sụp đổ như nhiều người suy đoán, thông qua những thông tin không khả quan về nền kinh tế nước này.
Chính phủ Trung Quốc, hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc đã chuẩn bị những công cụ và phương tiện để thực hiện những toan tính dầy tham vọng của họ.