Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBẢN TIN BIỂN ĐÔNG TUẦN THỨ 6

BẢN TIN BIỂN ĐÔNG TUẦN THỨ 6

Trong tuần qua, tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt các nhà lãnh đạo ASEAN – Mỹ tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ và việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 trên quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép bằng vũ lực của Việt Nam từ năm 1974.

1) Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands: cơ hội nhìn lại quan hệ tay ba Mỹ – Trung Quốc – ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày thứ Hai (15/2) đã tiến hành chủ trì cuộc họp Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với các nhà lãnh đạo của ASEAN tại Trung tâm Sunnylands, California. Lần đầu tiên được tổ chức ở Mỹ và ngay sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, cuộc họp được kỳ vọng sẽ gắn với chiến lược tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương của ông Obama. Reuters ngày 15/02/2016 dẫn lời quan chức Nhà trắng cho biết mục đích của cuộc họp 2 ngày tại Hội nghị Thượng đỉnh tại California bao gồm việc tăng cường các mối quan hệ thương mại, có thể ghi nhận bởi sự tham gia của rất nhiều quan chức điều hành các công ty của Mỹ; hợp tác chống khủng bố và đề ra các nguyên tắc về an ninh hàng hải trong khu vực, nhưng then chốt nhất vẫn là Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và tranh chấp Biển Đông. Cuộc họp Mỹ-ASEAN lần này còn có ý nghĩa rất quan trọng với chính quyền Obama trong chiến lược tái cân bằng.

Tổng thống Barack Obamasẽ hối thúc Lãnh đạo các nước Đông Nam Á đẩy mạnh thương mại và hậu thuẫn cho một lập trường chung về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp thượng đỉnh bắt đầu vào hôm thứ Hai mà Nhà Trắng hy vọng sẽ củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ đưa ra một thông điệp cứng rắn là các tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết một cách hòa bình “trước sau như một, bằng các quy tắc quốc tế chứ không phải bằng việc nước lớn bắt nạt nước bé”. Các quan chức Mỹ thì khẳng định Trung Quốc đã gây sức ép với những nước như Campuchia và Lào để không ký vào tuyên bố này. Sự khích lệ từ phía Tổng thống Obama và một thông điệp rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự với tổ chức này, có khả năng sẽ chống lại được sức ép đó. Nhận xét về động thái mới này của Mỹ, ôngErnest Bower, một chuyên gia về Châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói “nếu lãnh đạo các nước ASEAN cảm thấy nước Mỹ đang đặt trọng tâm vào ASEAN… thì điều đó sẽ động viên cả nước yếu nhất và cả nước còn hoài nghi nhất của ASEANcùng với các nước anh em của mình (ASEAN)để đưa ra tuyên bố chung”, “không có một nước nào ở Đông Nam Á lại muốn bị Trung Quốc bắt nạt những nước láng giềng nhỏ bé hơn”. Trong phát biểu cùng ngày của một quan chức cấp cao Hải quân Mỹ, “bất cứ hành động nào của Trung Quốc cho máy bay chiến đấu cất cánh từ đường băng trên các đảo nhận tạo của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sẽ gây ra mất ổn định, và Trung Quốc sẽ không thể ngăn cản các chuyến bay của Mỹ qua khu vực này”. Phó đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy hạm đội 7 của hải quân Mỹ cũng hối thúc Bắc Kinh phải công khai đối với các ý định của mình trên Biển Đông, và nói rằng điều đó sẽ làm giảm “một số các lo ngại mà chúng tôi đang theo dõi”, “chúng tôi không chắc chắn nơi nào họ đang thử chúng tôi”.

TheoTân Hoa xã, Thời báo Hoàn cầu, The Diplomatngày 16/02/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay các vấn đề tranh chấp biển, thương mại và các vấn đề nhạy cảm sẽ được thảo luận trong chương trình Nghị sự. Truyền thông Mỹ nói về vấn đề Biển Đông, ông Obama mong muốn có thể đạt được đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN nhằm đưa ra một tuyên bố có thể tác động được đến Trung Quốc.

Theo thông tin The Diplomat đăng tải ngày 15/2, có ba yếu tố chính sẽ tác động đến thành công cũng như hiệu quả mà Hội nghị Thượng đỉnh tại Sunnylands có thể mang lại cho vấn đề Biển Đông.

Thứ nhất, hợp tác giữa Mỹ và ASEAN tại Biển Đông thời gian tới sẽ ở trong bối cảnh mới khi vụ kiện của Philippines có kết quả. Nói cách khác, kết quả của Tòa Trọng tài sẽ tạo ra nền tảng lập luận mới đối với Mỹ và ASEAN khi xử lý vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. Theo Eurasia Review ngày 16/2, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, AIIB, rất có thể sẽ là “nạn nhân đầu tiên của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông”. Ngân hàng này đã được Trung Quốc lên kế hoạch sẽ cung cấp các khoản vay đầu tiên vào giữa năm 2016 này. Đó cũng là thời điểm mà Tòa án trọng tài của Liên hợp quốc ở La Haye dự định sẽ ra phán quyết định về việc Philippines kiện các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông. Theo Earnest Bower, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng Tổng thống Obama đang cố gắng tạo lập một môi trường chiến lược để buộc Trung Quốc phải chơi theo luật chơi chung. Nhiều quan chức và các nhà ngoại giao cho biết sự ủng hộ tập thể của Mỹ -ASEAN với phán quyết của Tòa sẽ làm tăng sức ép lên Trung Quốc, vốn từ trước đến nay từ chối công nhận thẩm quyền của Tòa đối với vụ kiện này. Những người ủng hộ hy vọng rằng “dù trước mắt là không thể nhưng dần dần Trung Quốc sẽ không muốn bị cô lập như một quốc gia bị bỏ bên lề cuộc chơi, một quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Thứ hai, hợp tác Mỹ – ASEAN về vấn đề Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng khác biệt trong ASEAN. Hiện ASEAN bị chia tách thành các nhóm khi đối diện với sự cạnh tranh Mỹ – Trung. Nhóm thứ nhất gồm một số quốc gia liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông như Phi-líp-pin và Việt Nam có thái độ gay gắt với Trung Quốc. Philippines đã mở rộng thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ còn Việt Nam ngày càng có thái độ nồng ấm với Mỹ. Nhóm thứ hai gồm Indonesia, Singapore và Thái Lan muốn duy trì vị thế chiến lược của ASEAN. Nhóm thứ ba gồm Campuchia, Myanmar và Lào muốn tránh không ở vào thế đối đầu với Trung Quốc. Campuchia thì tung hứng với Trung Quốc một cách quá rõ ràng với phát biểu của Thủ tướng Hun Sen “tiếp tục đàm phán với từng nước”.Việc Campuchia trở thành nguyên nhân cho thất bại của Thông cáo chung năm 2012 là bằng chứng cho lập trường của nước này sẽ không đánh đổi quan hệ với nước đối tác kinh tế quan trọng nhất của mình. Tuy nhiên, theoVOA Campuchia, Ngoại trưởng Hor NamHong cho biếtHội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ không đề cập tới chính trị tại Campuchia, Tổng thống Mỹ đã đón tiếp nồng hậu Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo khác của ASEAN; Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tốt đẹp và thống nhất nhiều vấn đề, làm choquan hệ giữa Campuchia và Mỹ tốt hơn cả về chính trị và kinh tế.

Thứ ba, cho dù Mỹ và ASEAN có đạt được một số thỏa thuận về Biển Đông thì rất khó để đảm bảo chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ ASEAN.Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống mới của Mỹ sẽ tập trung hơn vào các vấn đề trong nước và tình hình Trung Đông. Ngoài ra, bản thân về phía ASEAN cũng đang phải đương đầu với tình trạng “rắn không đầu”, bởi vậy không khó hiểu khi một Bộ Quy tắc Ứng xử vẫn còn là một điều xa vời. Thêm vào đó, dù Mỹ đã ra sức khuyến khích và đề cao tầm quan trọng cũng như vai trò tiềm năng của ASEAN trong quan hệ hợp tác với Mỹ nhưng nhiều nước ASEAN cũng còn e ngại sự can dự của Mỹ vào khu vực, lo ngại TPP do Mỹ dẫn đầu sẽ thách thức sáng kiến Đối tác Kinh tế khu vực toàn diện của ASEAN.

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc quả quyết rằng Hội nghị sẽ khó thành công do Mỹ đứng ra tổ chức Hội nghị nhưng không tìm cách để đáp ứng những yêu cầu lợi ích mà các nước Đông Nam Á mong muốn, chẳng hạn như hợp tác kinh tế. Tờ Hoàn Cầu ngày 15/2đăng bài bình luận “ASEAN sẽ không trở thành đồng minh của Washington để chống Bắc Kinh” nhằm khẳng định Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009 và ASEAN đã tham gia AIIB cũng như sáng kiến “Nhất đới, Nhất lộ”, trong khi đó Mỹ hiện tại là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN; Mỹ đang tái cân bằng châu Á nhưng dù cố gắng gần gũi với ASEAN thế nào đi nữa cũng không thể bằng Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, quan hệ Trung Quốc – ASEAN sẽ không bị ảnh hưởng, bởi ASEAN đã có quan hệ rất sâu sắc với Trung Quốc. Trang China.org.cn trích dẫn nhận định của ông William Kirby, Đại học Harvard nói các nước tham gia đều có quan hệ, phần lớn là quan hệ tích cực với Trung Quốc. Hơn nữa, cuộc họp cũng khó đạt được kết quả do khi xảy ra tranh giành giữa các siêu cường, đặc trưng của các nước Đông Nam Á thường là bày tỏ quan điểm trung lập, theo ông Oh Ei Sun, nghiên cứu viên cao cấp Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, các nước Đông Nam Á sẽ không tính đến việc đi theo phe nào một cách đơn giản, bởi sự cạnh tranh giữa hai cường quốc trong khu vực không hẳn đã có lợi cho họ, mà sẽ đem lại nhiều áp lực hơn.Các nước này rất khó duy trì sự trung lập trong bối cảnh Trung Quốc “ồ ạt” đổ vốn vào các dự án phát triển lớn mà các nước này đang rất mong muốn.

Nhưng lý do chính để Trung Quốc vẫn tỏ ra rất đủng đỉnh vì ASEAN chưa bao giờ có được một tiếng nói chung, các mục tiêu đặt ra cho hội nghị với Mỹ sẽ khó có thể được thực hiện. Trung Quốc cho rằng dù Mỹ có cố đến đâu để dẫn dắt tiến trình hội nghị thì hầu hết các nước ASEAN cũng sẽ không chọn đứng về phía Mỹ.

Tuy nhiên, theo Tờ Il Filio của Ý ngày 16/02 phân tích rằng thời điểm này đang thuận lợi cho chính sách xoay trục của Mỹ, không phải vì các nỗ lực của nước này mà nguyên nhân chính là do Bắc Kinh đã thay đổi chính sách đối ngoại “thân thiện” của mình. Những nụ cười đã biến thành các ánh mắt thách thức trong quan hệ với Việt Nam, Malaysia, Indonesia hay Philippines do các chính sách bành trướng ở biển Đông. Cả Myanmar, Lào và Campuchia cũng cảm thấy “sức ép Trung Quốc” đang đè nặng lên vai mình và các dự án đầu tư của Trung Quốc trở thành các công cụ thực hiện chính sách áp đặt về mặt kinh tế, xã hội và chủ quyền nhiều hơn là hợp tác.

2) Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên quần đảo Hoàng Sa và phản ứng của các nước

Tin tức về việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên quần đảo Hoàng Sacủa Việt Nam ngày 18/02 tràn ngập trên các trang báo và tin tức nổi tiếng trên thế giới như Reuters, AP, ABC news, The New York Times, The Guardian, The Strait Times… khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa kết thúc Hội nghị thượng đỉnh US-ASEAN ở Californianơi mà họ đã thảo luận về sự cần thiết phải giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông cũng như sự quyết đoán, hung hăng của Trung Quốc đối với các yêu sách của mình tại đó. Chính Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh, các xung đột cần phải được giải quyết bằng giải pháp hòa bình và theo luật pháp quốc tế. Mỹ và ASEAN đã thể hiện thống nhất mạnh mẽ về một trật tự khu vực, trong đó các quy định và chuẩn mực quốc tế, như quyền của các quốc gia lớn cũng như bé đều được tôn trọng và bảo đảm, trong đó có tự do về hàng hải.

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa được Hãng Fox News phát hiện đầu tiên với các bức ảnh từ hệ thống ảnh dữ liệu vệ tinh quốc tế cho thấy hai khẩu đội tên lửa đã xuất hiện trên đảo Phú Lâm trong khoảng thời gian từ 3/2 đến 14/2. Tên lửa do Trung Quốc sản xuất có tầm bắn khoảng 200km, có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Nhà trắng có các bằng chứng là quân đội Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất-đối-không trên một hòn đảo còn tranh chấp trên Biển Đông. Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 17/2 cũng khẳng định Trung Quốc đã thiết lập hệ thống tên lửa bắn máy bay trên đảo này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/02, Nhà trắng nói Mỹ tiếp tục kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền chấm dứt việc cải tạo đảo, xây dựng và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông. Đô đốc Harry B. Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ngày 17/2 cho biết việc triển khai các tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa không phải là một bất ngờ nhưng là một vấn đề lưu tâm, vì nó đi ngược lại lời hứa không quân sự hóa khu vực mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa tháng 9 năm ngoái khi gặp Tổng thống Obama tại Nhà trắng “Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hơn và phức tạp hơn, quyền tự do hoạt động hàng hải trong thời gian tới ở Biển Đông”, “Chúng tôi không có ý định dừng lại”. Ông Harris khẳng định trong họp báo ở Tokyo. Theo AFP ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/2 chỉ trích Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông ngay sau khi nước này triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.Ngoại trưởng Kerry phát biểu với báo giới rằng “có bằng chứng hàng ngày rằng Trung Quốc tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại”, và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi liên tục hối thúc Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông và điều này cũng áp dụng cho tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền”.

Trước đó, ngày 15/02, theo tờ Sydney Morning Herald, Ngoại trưởng Julie Bishop lên kế hoạch để chất vấn, yêu cầu Trung Quốc đưa ra “lời giải thích êm đẹp” về chương trình xây dựng đảo khổng lồ của mình ở Biển Đông, trong khi lo ngại Trung Quốc có thể quân sự hóa các cấu trúc tại Biển Đông,cho biết bà cần một lời giải thích khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc Trung Quốc dự kiến làm gì với các cấu trúc tại Biển Đông. Bà Bishop cho biết đã Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian thăm Washington vào năm ngoái đã khẳng định Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo và Ngoại trưởng Vương Nghị cho biếtcác cơ sở hạ tầng và đường băng để phục vụ cho các hoạt động “nhân đạo”.

Trong khi đó, REUTERS cho hay Úc và New Zealand trong ngày 19/02 đã kêu gọi Trung Quốc một cách mạnh mẽ, kiềm chế không làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông sau khi nước này triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo tranh chấp của Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không khẳng định cũng như không phủ định việc triển khai tên lửa, nhưng nhấn mạnh hải quân và không quân Trung Quốc đã triển khai lực lượng trên quần đảo Hoàng Sa từ nhiều năm nay, lên giọng cáo buộc “việc một số hãng thông tấn phương Tây thổi phồng chẳng qua là chơi con bài cũ về mối đe dọa của Trung Quốc”. Tuy nhiên, đáng chú ý là Trung Quốc cũng đã xác nhận có vũ khí đặt trên các đảo tranh chấp trên Biển Đông, theo một hãng thông tấn cho biết. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không phủ nhận việc các bệ phóng tên lửa đã được đặt trên đảo, nhưng cho rằng thông tin chỉ là âm mưu của các hãng thông tấn phương Tây. Ông nói “Đối với các phương tiện triển khai hạn chế và cần thiết mà Trung Quốc đã thiết lập trên các đảo và bãi đá mà ở đó chúng tôi có người đóng quân thì điều đó là phù hợp với quyền phòng vệ và dự liệu mà Trung Quốc có theo luật pháp quốc tế, vì thế không nên có câu hỏi về nó”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu với các phóng viên “các cơ sở tự vệ tối thiểu và cần thiết” mà Trung Quốc đã có trên các hòn đảo và rạn san hô, nơi đã có mặt quân lính là “phù hợp với quyền tự bảo vệ mà Trung Quốc đang được hưởng theo luật pháp quốc tế”. Phản ứng lại với những phát biểu của bà Bishop, Trung Quốc đã lớn tiếng chỉ trích Úc “cố ý lẩn tránh” sự thật (rằng Philippines đã “đơn phương” tiến hành vụ kiện trọng tài trái với luật pháp quốc tế và sự đồng thuận của các bên), ngang nhiên đòi hỏi Úc phải có “thái độ khách quan và không định kiến, kiềm chế không có những hành động làm tổn hại đến hòa bình và an ninh khu vực”. Để đáp lại thiện chí của bà Bishop, Trung Quốc vẫn giở lại giọng điệu xưa cũ để che giấu đi tham vọng trên Biển Đông của mình “Triển khai các căn cứ quốc phòng cần thiết trên phạm vi lãnh thổ của mình là Trung Quốc đang thực hiện quyền phòng vệ và tự liệu, được luật quốc tế trao cho các quốc gia có chủ quyền”. Trung Quốc không chỉ tỏ ra hung hăng hiếu chiến mà còn thể hiện thái độ không một chút nể nang gì khi phản ứng lại với những tuyên bố của Úc và New Zealand, cho rằng hai nước này “không liên quan đến Biển Đông”, “hy vọng hai nước này sẽ nhìn nhận một cách khách quan những tiến trình lịch sử ở Biển Đông thay vì bỏ qua điều đó, và không tìm cách khuyến khích những đòi hỏi mang tính thiếu xây dựng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới