Trong khi Mỹ-Trung đã đạt thỏa thuận thúc đẩy nghị quyết trừng phạt Triều Tiên ở Liên Hợp Quốc thì Nga bất ngờ có động thái can thiệp, làm dấy lên nhiều nghi ngờ.
(Ảnh minh họa)
Moscow không hài lòng về thỏa thuận Mỹ-Trung?
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 29/2 đưa tin, hội nghị của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhằm thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên đã bị hoãn lại bởi Nga “cần thêm thời gian nghiên cứu kỹ dự thảo nghị quyết”.
Do đó, nghị quyết này nhiều khả năng bị kéo sang ngày 1/3 (theo giờ Bắc Kinh) mới có thể thông qua. Yonhap cho hay, nếu các thành viên HĐBA không thể giải quyết bất đồng với nhau thì Hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân Triều Tiên Vũ Đại Vĩhôm 28/2 đã bày tỏ nhất trí với Hàn Quốc về tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên mới được đề xuất.
Phát biểu này được ông Vũ đưa ra trong chuyến công du Seoul và tiếp xúc với người đồng cấp Hàn Quốc Hwang Joon Kook.
Thái độ xoay chiều của Bắc Kinh được đánh giá là kết quả rõ ràng của việc Mỹ-Trung đã đạt thỏa thuận về vấn đề Triều Tiên trong chuyến công du Washington của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tuần trước.
Phó tổng giám đốc đài truyền hình ATV (Hồng Kông) Lưu Lan Xương đánh giá, bên cạnh việc trừng phạt Bình Nhưỡng, điều đáng quan tâm hơn là việc Mỹ-Trung Quốc đã đạt nhận thức, sau đó mới đưa ra HĐBA.
Theo ông Lưu, đây là mô hình giải quyết sự vụ quốc tế theo kiểu G-2, và nếu thành công có thể trở thành tiền lệ để Bắc Kinh và Washington “bắt tay” trong các vấn đề toàn cầu khác.
Tuy nhiên, điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng Moscow bất mãn khi bị “gạt” khỏi tình hình Đông Bắc Á, và phản ứng tại HĐBA như trên có thể là cách cách để nước này tỏ thái độ.
Ông Vũ Đại Vĩ (trái) và ông Hwang Joon Kook. Ảnh: AFP
Thái độ của Nga về vấn đề Triều Tiên thế nào?
Trong bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng (Trung Quốc) ngày 28/2, học giả Trung Quốc Na Tiểu Binh đã đánh giá về quan điểm của Moscow đối với tình hình Đông Bắc Á hiện nay.
Học giả này cho hay, nền kinh tế Nga và môi trường quốc tế thời điểm hiện tại đang rơi vào thời kỳ “băng giá”, các số liệu nói chung đều không lý tưởng, đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo gia tăng…
Ông phân tích: “Nước Nga cần một hậu phương lớn ở vùng Viễn Đông và sẽ không từ bỏ lợi ích ở khu vực này.
Mặc dù một số người Trung Quốc tuyên bố Nga chiếm nhiều lãnh thổ vùng Siberia của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh hiểu rằng không có Nga thì nước này về cơ bản không đủ sức mạnh để cân bằng với Nhật Bản, chưa kể đến sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực từ sau Thế chiến II.
Người Trung Quốc có tâm lý ‘sợ phương Bắc’ bởi từng thất bại trước Nhật Bản trong quá khứ. Nga cũng từng thua trong chiến tranh Nga-Nhật, nhưng đã trả được món nợ sau Thế chiến II, còn Trung Quốc thì chưa loại được nỗi sợ này.
Đây là lý do Bắc Kinh rất chú trọng phương Bắc, khiến nước Nga đóng vai trò rất quan trọng trong ý thức hệ và cục diện chiến lược mà người Trung Quốc theo đuổi. Đây cũng là nguyên nhân Nga có vị trí đáng kể trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Sự hiện diện của Moscow ở Đông Bắc Á là ‘liều thuốc an thần’ với Trung Quốc và Triều Tiên, trong khi Nga cũng hy vọng đối trọng được với Mỹ ở khu vực này mà không phải chia sẻ các nguồn lực cốt lõi đang tập trung ở châu Âu.”
Nga không muốn can thiệp sâu vào tình hình bán đảo Triều Tiên? (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát Trung Quốc, nước Nga trên thực tế không còn bị ràng buộc quá nhiều bởi vấn đề Triều Tiên, và đây là điều làm Bắc Kinh bất an, thậm chí là tác nhân để họ thỏa hiệp với Mỹ.
Hồi năm 2014, Moscow tuyên bố xóa khoản nợ gần 10 tỉ USD cho Triều Tiên. Động thái này được cho là sự xác định rạch ròi rằng Nga không muốn tiếp tục viện trợ trực tiếp cho Bình Nhưỡng nữa.
Theo học giả người Trung Quốc, Nga đã khôn khéo trong vấn đề Triều Tiên. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố gần đây rằng “bán đảo không thể sinh loạn”, nghĩa là Bắc Kinh đã ngầm cam kết không cắt viện trợ cho Bình Nhưỡng.
“Đây là ‘nút thắt chết’ giữa Trung-Triều. Nga đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, trong khi Mỹ tấn công vào cái bắt tay giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, biến vấn đề Triều Tiên thành công cụ để cân bằng khu vực có lợi cho họ.
Nga đã nhận ra điều này từ lâu và do đó nỗ lực duy trì khoảng cách nhất định. Nếu Nga can thiệp quá nhiều thì ngược lại có thể khiến Trung Quốc cũng ‘bật ra’, gây bất lợi cho chính Nga,” ông chỉ ra.
Theo tác giả, các chuyên gia Nga phổ biến nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ không kích động một cuộc xung đột trong khu vực, bởi điều này không có lợi cho quyền lực của chính gia tộc họ Kim.
Về phía Nga, giới phân tích tin rằng chính phủ nước này hy vọng khôi phục quan hệ với phương Tây và vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Ông Na Tiểu Binh bình luận: “Gần đây Nga trải qua hai cuộc xung đột quốc tế và ngày càng nhận thức rõ (về mâu thuẫn với Mỹ/đồng minh), đặc biệt là trước tình trạng giá dầu thế giới lao dốc trong 1 năm qua.
Chiến lược toàn cầu của Mỹ rất phức tạp và thường không mưu cầu lợi ích ngắn hạn, mối liên kết dày đặc của chiến lược khiến đối thủ của Washington khó phát hiện mà chỉ nhận ra khi đã bị thiệt hại.
Đối với Triều Tiên, nước này đã biết cách dừng đúng lúc, không vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ của Mỹ. Trong ranh giới đó, Mỹ có thể ngầm thừa nhận sự hiện diện của Bình Nhưỡng.
Tương tự, một nước lớn như Nga cũng không thể theo đuổi lợi ích trước mắt mà đối đầu với Mỹ ở mọi nơi. Tôi nghĩ người Trung Quốc hiểu điều đó.”