Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiao dùi cho dân sẽ không sợ “đánh trống bỏ dùi”

Giao dùi cho dân sẽ không sợ “đánh trống bỏ dùi”

Trung ương đã chọn mặt gửi vàng, người dân sẵn sàng ủng hộ, hy vọng Bí thư, Chủ tịch Hà Nội sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp, đậm nét riêng.

Câu “Thăng Long phi chiến địa” không phải bao giờ cũng đúng, Hà Nội từng là nơi quyết định chiến thắng trong các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược từ thời Lý, Trần, Lê, thời Quang Trung Nguyễn Huệ đến những trận đánh tiêu diệt B52 Mỹ năm 1972.

Hà Nội cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nền dân chủ cộng hòa Việt Nam.

Hà Nội ngày nay là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao, động lực liên kết phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Lược sơ vài nét để thấy, những gì xảy ra ở Hà Nội đều có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế của cả nước.

Hà Nội hôm nay vẫn còn vết đạn thực dân Pháp bắn vào thành cửa Bắc, vẫn còn tấm bia “Thân cấm khu tệ” (Lệnh cấm trừ tệ) trong Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và trên tường Ô Quan Chưởng (Đông Hà Môn).

Tấm bia ấy được Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình) Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Văn Xứng  lập với nội dung cấm lý dịch các thôn, phường gây khó dễ, sách nhiễu dân chúng khi họ đi lại, buôn bán, làm ăn nơi Kẻ Chợ, người vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Tấm bia “Thân cấm khu tệ” (Lệnh cấm trừ tệ) trong Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ảnh sưu tầm

Hai tấm bia “trừ tệ” ấy được lập vào những năm cuối thế kỷ 19, hóa ra tham nhũng không phải là chuyện mới ở Hà Nội, nó có “lịch sử” hàng trăm năm, sự khác nhau chỉ là ở cách thức chống tham nhũng của người đứng đầu chính quyền thành phố.

Hà Nội cuối năm 2015 rộng 3.345 km2, dân số 7,588 triệu người, dữ liệu trên Cổng giao tiếp điên tử thành phố cho biết:

“Kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ  lệ người biết chữ độ tuổi 15 – 60 tuổi đạt 99%”, thế có nghĩa là vẫn còn khoảng 75.000 người trong độ tuổi lao động mù chữ, số người này tương đương dân số phường Vĩnh Tuy là phường rộng nhất nội thành Hà Nội.

Hà Nội ngày nay có nhiều đường mới, cầu vượt, nhiều công sở hoàng tráng, lại thêm cả ruộng lúa, nương ngô, nhiều khu đô thị đẳng cấp như Ciputra, Ecopark, Time City – Park hill, Splendora…  

Những khu đô thị sang trọng vừa thể hiện sự đổi mới của Hà Nội nhưng cũng cho thấy mặt trái của xã hội mà chúng ta đang sống. Khoảng cách giàu nghèo trong lòng Hà Nội đầu thế kỷ 21 đã vượt rất xa khoảng cách giữa địa chủ và bần cố nông thời cải cách ruộng đất. 

Bên trong hàng rào các khu đô thị ấy không có rác vứt bừa bãi, không có người ăn xin, trẻ đánh giầy, không thấy trấn lột, móc túi, không thấy hình ảnh người mặc comple đái bậy ven đường! 

Trong các khu đô thị ấy không có chuyện nghèo mà bình an, mọi sự sạch sẽ, an toàn đều được tính bằng nhiều tiền, đều dành cho người có tiền, chẳng có cái gì là miễn phí. 

 Người viết xin nêu một vài con số so sánh giữa thành phố Hồ Chí Minh với Singapore năm 2014 để Bí thư Đinh La Thăng tham khảo.

Sự phân hóa giàu nghèo, như ý kiến Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước: “Chúng ta không muốn nhưng theo quy luật nếu khoảng cách giàu nghèo quá cao sẽ gây xung đột, không có ổn định xã hội”. 

Hà Nội của năm 2016 vẫn chứng kiến dòng xe kẹt cứng trên cầu Thanh Trì, vẫn là thành phố của rác thải đủ loại trên đường phố và sự ô nhiễm giết chết các dòng sông… 

Đến bao giờ thì thủ đô mới thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước nếu số người sống bằng nghề nông vẫn chiếm tới gần 60%? 

Quyết tâm phấn đấu để thay đổi bộ mặt nông thôn Hà Nội hay tặng ít “hồi môn” để Hà Tây ra ở riêng, cho Hà Nội đỡ nặng gánh?

Khác thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… dẫu rất quan trọng cũng chỉ xếp vị trí thứ hai.

Vậy nên giải quyết những vấn đề thuộc phạm trù “chính trị” nên được xem là ưu tiên hàng đầu, chẳng hạn:

1. Cải cách thể chế chính trị – thí điểm nhất thể hóa các chức danh Đảng và chính quyền; xây dựng cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xã hội; xây dựng nông thôn mới…

Phương thức tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có nơi, có lúc dẫn tới tình trạng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi mắc sai phạm, thậm chí kỷ luật nặng thì dành cho cấp dưới, cấp trên cùng lắm là “nghiêm túc rút kinh nghiệm” như vụ chặt hạ cây xanh năm 2015. 

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ và tuyệt đối mọi hoạt động của thành phố, không thể duy trì tình trạng nhận lỗi tập thể mà thực chất là chẳng ai nhận lỗi.

2. Cải cách thể chế kinh tế cần phải gắn với tinh thần Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng 12, đó là một nền kinh tế “vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”.

Câu hỏi mà Hà Nội cần giúp Trung ương trả lời là một nền kinh tế “vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường” thì “định hướng xã hội chủ nghĩa” như thế nào?

Cần phải làm gì để định hướng hay cần phải điều chỉnh thế nào trong điều kiện đất nước tham gia ngày càng sâu rộng vào các thể chế tài chính, kinh tế thế giới, bị ràng buộc bởi nhiều hiệp định mà chúng ta ký kết và luật pháp quốc tế?

 Khi cả tâm và lực đều có mà không làm được gì, đó mới thực sự là thảm họa cho đất nước, cho dòng tộc và chính mỗi con người.

Trước hết, Hà Nội nên có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; bảo đảm sự công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cơ giới hóa nông nghiệp, tích tụ đất đai hình thành cánh đồng mẫu lớn…

3. Cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc loại “cay nghiệt, độc ác” như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. [1] 

Một trong những nhiệm vụ cải cách hành chính là tinh giản biên chế, có ý kiến cho rằng cán bộ Hà Nội đã được chuẩn hóa, cấp xã phường cũng có bằng cử nhân, thạc sĩ nên khó giảm biên chế? 

Thực ra vấn đề nằm ở chỗ Hà Nội có muốn giảm hay không chứ không hề khó, chỉ cần tiến hành một đợt kiểm tra trình độ Ngoại ngữ, Tin học theo văn bằng lưu trong hồ sơ công chức, viên chức, người viết tin rằng số người không đạt yêu cầu sẽ không chỉ là 5 người. 

Dư luận cả nước từng ngỡ ngàng khi ông Trần Trọng Dực, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho rằng: “Chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu” nhưng báo cáo của thành phố năm 2015 là “thành phố không phát hiện tham nhũng”?

Khi thành phố tuyên bố không phát hiện tham nhũng, người dân Hà Nội không cảm thấy tự hào, thậm chí còn thấy xấu hổ bởi tham nhũng tại các cơ quan công quyền ở thủ đô nói riêng và cả nước nói chung là sự thật không thể chối bỏ, điều này đã được khẳng định trong các văn kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Các nước tư bản có một thông lệ là người tranh cử công bố cho cử tri cương lĩnh hành động ngay trong quá trình vận động tranh cử. Căn cứ vào đó, cử tri sẽ đánh giá về năng lực, uy tín của người được bầu trong suốt thời gian tại nhiệm, chính vì thế cần phải “khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm”. [2]

Song song với lĩnh vực “chính trị”, người Hà Nội mong muốn lãnh đạo thành phố công bố cho nhân dân biết trong nhiệm kỳ của mình những chỉ tiêu cụ thể nào sẽ phấn đấu đạt được. 

Rừng vàng biển bạc, non sông chào đón hiền tài/ Mưa thuận gió hòa, muôn dân an bình hạnh phúc.

Chẳng hạn sau 5 năm GDP của thành phố tăng bao nhiêu phần trăm, người lao động mua được bao nhiêu căn hộ theo tiêu chuẩn “nhà ở xã hội” dành cho người thu nhập thấp, xóa bỏ được bao nhiêu thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân,… 

Nhìn xa hơn, người viết mong Bí thư, Chủ tịch Hà Nội có kế hoạch dài hơi hơn một nhiệm kỳ 5 năm

Chẳng hạn, hồi sinh các dòng sông gắn với lịch sử thủ đô như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Thiên Đức,… để người dân và du khách không phải đeo khẩu trang khi đi dạo ven sông, để một ngày nào đó con cháu chúng ta có thể thấy cá bơi tung tăng, vịt trời, sâm cầm vỗ cánh trên mặt nước trong xanh của những con sông này. 

Chiến lược phát triển thủ đô cần xuất phát từ vị thế một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục, khoa học, … chứ không phải là nông nghiệp, ngay trong nông nghiệp cũng không nên dựa vào cây lúa. 

Chỉ cần một đợt rét, người dân phải mua 30 nghìn đồng một cân rau cần, hoa quả, cà chua, rau xanh rất nhiều thứ đều nhập từ Trung Quốc với hàm lượng chất độc vượt mấy chục lần mức bình thường. 

Không cần đi xa, chỉ cần đến huyện Gia Lâm, đồng ruộng ngoại thành bỏ hoang nhiều lắm, sao Hà Nội lại thiếu rau xanh, lại phải ăn rau quả bẩn nhập khẩu?

Nhìn chiếc máy cấy Kubota SPW48C được sử dụng cho ngày hội xuống đồng tại Phú Xuyên người viết chợt cảm thấy có chút gợn buồn. 

Đó là chiếc máy cấy giá 87 triệu đồng [3] mà chắc chắn không phải gia đình nông dân nào ở Hà Nội cũng có tiền mua, trong khi đó, chiếc máy cấy không cần động cơ với 4 mỏ cấy của người nông dân Thái Bình Trần Đại Nghĩa giá chỉ 5 triệu đồng có thể cấy 4 sào lúa một ngày sao lại không được quảng bá? 

Máy cấy “xách tay” của anh nông dân Trần Đại Nghĩa – Thái Bình. (Ảnh: vnexpress.net)

Một hành động nhỏ của lãnh đạo nhưng tác dụng lại không hề nhỏ nếu nó được cân nhắc kỹ càng trước khi thực hiện. 

Người lãnh đạo tạo được chữ tín với dân đã khó, tạo được cái uy với cấp dưới lại càng khó bởi phải cao hơn họ một cái đầu. Giai thoại danh nhân ghi nhận câu chuyện về Napoléon Bonaparte, rằng ông chỉ cao ngang vai một vị nguyên soái song ông từng nói: “Ngài cao hơn tôi một cái đầu, nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ tôi giao, ngài chỉ cao bằng tôi”. 

Người lãnh đạo phải biết động viên cấp dưới song cũng phải biết trừng trị kẻ phạm lỗi, về điều này trong cuốn sách nổi tiếng “Quân vương” Niccolo Machiavelli viết: 

“Một Quân Vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng. Kinh nghiệm cho thấy, như thế là có đức nhân từ hơn làm ra vẻ thương dân mà lại để cho trật tự rối loạn, xảy ra cướp bóc, giết chóc lung tung trong dân chúng. 

Những biến cố này thường thiệt hại cho toàn thể nhân dân, còn những sự trừng phạt nghiêm khắc của Quân Vương chỉ đụng chạm đến những cá nhân mà thôi”.

“Đụng chạm” đến một vài cá nhân, tập thể mà giữ cho thủ đô được yên bình, để làm gương cho những kẻ nhăm nhe phạm tội chẳng những là cần làm mà bắt buộc phải làm.

Vấn đề là cố gắng đến mức cao nhất để không làm oan người vô tội, về điều này hình như Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nêu ý kiến “khuyến khích cán bộ nói, để biết khả năng cán bộ làm” là bởi có một sự thật đang dần dần rõ nét, đó là không ít quan chức nói rất mạnh, phê phán rất cụ thể, công bố số liệu rất chi tiết khi biết chắc mình đã bước vào giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”. 

Chuẩn bị về hưu mới nói, nghỉ hưu rồi mới nói, nói vì dân vì nước hay nói để giải tỏa nỗi niềm? Nếu “cái sự nói” của họ là vì dân, vì nước thì sao không nói ngay khi mới nhậm chức hay giữa nhiệm kỳ?

 

 Nhân dân thông cảm và tha lỗi, nhưng nhân dân cũng mong muốn không bao giờ phải nghe những lời nhận lỗi ấy một lần nữa.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội lại có không ít người suốt nhiệm kỳ không góp được một ý kiến nào.

Ai cũng biết khi con đường phía trước còn “thênh thang” có nhiều lý do khiến người ta ngại nói, nhất là nói khi không có tờ giấy viết sẵn trong tay.

Người viết luôn ngưỡng mộ một số lãnh đạo khi họ có thể “nói vo” hàng tiếng trước đám đông mà không cần tờ giấy trong túi. 

Điển hình trong số đó là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, nhà cách mạng Cuba Fidel Castro. Tháng 9/1960, ông diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, năm 1986 Fidel Castro lại lập một kỷ lục khi diễn thuyết liền 7 giờ 10 phút tại Quảng trường La Habana. [4]

Chọn điều cần nói, nói đúng điều dân muốn nghe không phải là quá khó, nếu cứ nói – hay là cứ đọc – giống như mấy chục năm qua thì dân chỉ cần vào mạng Internet, chẳng cần phải xem thời sự! 

Nói một cách hình tượng, người viết mong Bí Thư, Chủ tịch Hà Nội hãy gióng trống, dùi trống xin giao lại cho dân để khi cần dân có thể gióng trống, và như thế sẽ không sợ “đánh trống bỏ dùi”.  

Một trong những mong mỏi, mà cũng là đòi hỏi của người dân đối với cán bộ sau Đại hội Đảng 12 là “đi nhiều”, “nói nhiều”, “làm nhiều”, đi để hiểu dân, nói để dân biết, làm để dân theo, chỉ có thế thì cán bộ mới có thể khẳng định mình, mới không phải dồn tâm lực cho lời nói cuối cùng khi “hoàng hôn nhiệm kỳ” buông xuống!

Nói ít làm nhiều là tốt, song điều này chỉ hợp với trợ lý, những người giúp việc, người lao động trực tiếp, với lãnh đạo, nói cũng là hành động thể hiện năng lực.

Khi một người không dám nói, hoặc chỉ quen đọc cái mà người khác chuẩn bị sẵn thì không thể là một lãnh đạo có năng lực, có phản xạ nhạy bén, tinh tế trước công chúng.

Những đề xuất của “quân sư”, chẳng hạn chuyện đi nước ngoài học kinh doanh sổ số liệu có nên lặp lại ở Hà Nội?

Lãnh đạo địa phương nào cũng khó nhưng lãnh đạo thủ đô là khó nhất, chính vì thế mới cần đến những người tài giỏi, vừa có tri thức, vừa biết quyết đoán.

Trung ương đã chọn mặt gửi vàng, người dân sẵn sàng ủng hộ, hy vọng Bí thư, Chủ tịch Hà Nội sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp, đậm nét riêng của mỗi người trong nhiệm kỳ của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới