Trong một số tình huống rất ngoại lệ nhất định, luật pháp quốc tế có thể thừa nhận danh nghĩa “lịch sử” đối với vịnh, như một vùng nội thủy hay đối với đặc quyền của một quốc gia ven biển được khai thác hay quản lý một loại tài nguyên cụ thể ở đáy biển, hay dưới lòng đất của đáy biển trong một khu vực hạn chế và được xác định rõ, trên cơ sở quốc gia đó đã chiếm hữu từ lâu đời và sử dụng hợp lý tài nguyên, và được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam
6. “Chiếm hữu thực sự” các quần đảo
Do có sự bất đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nên cũng cần đề cập một cách ngắn gọn đến nội dung này, Luật pháp quốc tế về biển, bao gồm cả Công ước 1958, Công ước Luật biển và cả các quan điểm của các tòa án quốc tế, không cung cấp một nguyên tắc chỉ đạo nào để giải quyết các cuộc tranh chấp liên quan đến chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ, bao gồm cả các đảo. Thay vào đó, có một số văn bản luật khác giải quyết các vấn đề này.
Quy tắc chính về việc chiếm hữu, đã được nêu ra và áp dụng trong một số phán quyết quốc tế, cho rằng sự phát hiện lãnh thổ chỉ tạo ra một danh nghĩa không hơn quyền phát hiện ban đầu chưa đầy đủ. “Chiếm hữu và quản lý hành chính là hai nhân tố chủ yếu cấu thành sự chiếm hữu thực sự”. Việc phát hiện phải được nhanh chóng tiếp nói bằng hành vi chiếm hữu thực sự và có sự quản lý của nhà nước; việc thăm viếng hay sử dụng của cá nhân không phải là thực thi nhiệm vụ của một cơ quan chính phủ là không có giá trị. Giáo sư Brownlie đã đã diễn tả quy tắc này như sau:
[Hầu hết] các chất liệu được xem như núp dưới tiêu đề “chiếm hữu thực sự” đã có quá sẵn nhân tố thụ đắc lãnh thổ vô chủ (terra nullius). Đơn giản, các yếu tố của nó bao gồm bằng chứng sở hữu của nhà nước, việc thực hiện chủ quyền hợp pháp có hiệu quả hơn so với một hay các bên yêu sách khác, hay nói tóm lại là có bằng chứng tốt hơn. Rõ ràng, trong trường hợp lãnh thổ vô chủ, tần suất các hành vi của nhà nước cần phải có ít hơn so với trường hợp mà ở đó một bên yêu sách đối địch với sự quan tâm nhiều hơn về lãnh thổ.
Nếu một tòa án quốc tế quyết định là cả Trung Quốc và Việt Nam trong quá khứ đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thì kết quả có thể là một quyết định cho rằng các đảo nhỏ này là lãnh thổ vô chủ trước năm 1930 hoặc 1973. Nếu quan điểm đó thắng thế, khi đó từng đảo (có nghĩa là các bãi hoàn toàn nổi trên mặt nước) trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa sẽ thuộc về quốc gia đầu tiên thiết lập sự chiếm hữu thực sự của họ trong thế kỷ này.
Mặt khác, nếu tòa án quyết định rằng một quốc gia đáp ứng được tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, như đã nêu ở trên, về sự thụ đắc chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (hoặc bất kỳ một đảo nào đó của nó), khi đó bất kỳ một hành vi sử dụng vũ lực nào của một quốc gia khác trong thời gian vừa qua nhằm thay thế chủ quyền đó sẽ bị coi là hành vi bất hợp pháp và không có giá trị. Điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các trào lưu khác từ thời điểm Hiệp ước Kellogg-Briand năm 1928 đã cho thấy rõ rằng một hành vi xâm chiếm hay chinh phục không thể được coi là nguồn gốc tạo ra chủ quyền hay thay thế chủ quyền đã có trước đó.
III – VIỆC ÁP DỤNG NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ VÀO NHỮNG YÊU SÁCH CỦA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI KHU VỰC TƯ CHÍNH VÀ THANH LONG
1.Phân tích những yêu sách của Trung Quốc
Phạm vi yêu sách của Trung Quốc trong Biển Đông đã được đề cập ở phần trên. Như đã giải thích, Trung Quốc không chỉ khẳng định chủ quyền của họ đối với toàn bộ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, mà rõ ràng còn đòi chủ quyền đối với hầu hết vùng nước của Biển Đông. Yêu sách của Trung Quốc sẽ lấy hầu hết, bao gồm cả khu vực bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long, chỉ trừ khoảng 60 hải lý trên thềm lục địa Việt Nam. Thực tế cho thấy việc Trung Quốc yêu sách lô Thanh Long được xác nhận qua việc Trung Quốc phản đối Việt Nam cấp giấy phép cho các hoạt động ở mỏ dầu đó trong mùa xuân năm 1994.
Luật pháp quốc tế có hỗ trợ cho những yêu sách mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc ra toàn bộ Biển Đông không? Hình như những người phát ngôn của Trung Quốc đưa ra hai cơ sở cho yêu sách của họ: trước hết, cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của họ đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và chủ quyền đồng thời đối với lãnh hải và thềm lục địa của hai quần đảo này, và thứ hai, một ý tưởng khó hiểu rằng toàn bộ Biển Đông là một “vùng nước lịch sử”, chỉ thuộc riêng của Trung Quốc (theo nghĩa chưa được xác định).
Yêu sách của Trung Quốc dựa trên cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của họ đối với quần đảo Trường Sa
Trung Quốc yêu sách rằng đó là chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và rằng những đảo nhỏ của chúng có đủ tư cách làm các điểm cơ sở để hoạch định đường cách đều. Phần lớn các học giả vô tư không thích bày tỏ lập trường dứt khoát về nước nào có yêu sách chủ quyền đúng hơn đối với các đảo nhỏ này.
Vùng đất của quần đảo Trường Sa nằm gần khu vực Thanh Long và Thanh Long nhất là đảo Trường Sa và nó cũng lầ vị trí hoàn toàn nổi cao hơn cả trong cụm đảo Trường Sa – hiện do Việt Nam đóng giữ chứ không phải Trung Quốc. Rõ ràng, trong khi Việt Nam đóng giữ ít nhất 9 vị trí hoàn toàn nổi trong quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc không đóng giữ một vị trí nào, và thậm chí cho đến thời điểm này Trung Quốc cũng chưa bao giờ đóng giữ bất kỳ một vị trí nào trong thể loại đó. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã bố trí một số điểm đóng quân ở một số nơi trong quần đảo Trung Quốc, những vị trí đó đều là bãi đá ngầm, hầu hết là các bãi lúc nổi lúc chìm mà theo luật pháp quốc tế thì chúng không có quyền đòi hỏi một vùng biển nào cả.
Các đảo nhân tạo, các thiết bị và các công trình không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.
Trong chừng mực mà Trung Quốc đã biến những vị trí đó thành những bãi hoàn toàn nổi, thì những việc chiếm đóng đó không bao giờ được luật pháp quốc tế thừa nhận hoặc cho nó bất kỳ hiệu lực nào.
Mỗi địa hình tự nhiên hoàn toàn nổi trong quần đảo Trường Sa dứt khoát trải nghiệm đúng với các quy định nêu trong Điều 121 (3) của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc không cho “[các] đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hay cho một đời sống kinh tế riêng” có bất kỳ một hiệu lực nào để có quyền có được một khu vực đáy biển bên ngoài lãnh hải 12 hải lý. Tuy nhiên, vì sự tối nghĩa có thể gây ra tranh cãi trong thuật ngữ “đảo đá”, và vì Điều 121 của Công ước chưa được, các tòa án và các cơ quan quyền lực khác giải thích kết luận ấy chưa thể coi là vững chắc, và một số nhà bình luận đã bộc lộ sự nghi ngờ về việc Điều 121 có được áp dụng cho toàn bộ quần đảo Trường Sa hay không.
Tuy vậy như đã được thể hiện và hoàn toàn nằm ngoài nội dung Điều 121, việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của việc hoạch định ranh giới biển quy định những đảo nhỏ bé như ở quần đảo Trường Sa không đủ tư cách để có được những vùng biển rộng, khi hậu quả ấy sẽ tạo ra một “kết quả méo mó bất hợp lý về tỷ lệ”. Vì lý do đó, đại đa số giới học giả cho rằng các bãi hoàn toàn nổi trong quần đảo Trường Sa sẽ bị giới hạn trong những vành đai biển hẹp. Chẳng hạn như lãnh hải 12 hải lý. Thực tế, khó có thể tìm thấy một bài phân tích nào của giới học giả có quan điểm ngược lại quan điểm đó.
Có thể chứng minh được ngay rằng kiểu hoạch định ranh giới biển Đông tiềm ẩn trong yêu sách của Trung Quốc sẽ tạo ra “kết quả méo mó bất hợp lý về tỷ lệ”. Hình 2 thể hiện cách hoạch định giả định, theo đó giải thích rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với tất cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như họ đang yêu sách, và trong đó các đường cách đều được vẽ trên cơ sở cho rằng mỗi vị trí luôn luôn nổi trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn có hiệu lực toàn phần như một điểm cơ sở. trong tình huống này, nhóm đảo Hòn Hải của Việt Nam cũng có hiệu lực toàn phần vì chúng rõ ràng có quyền có được cách xử lý không thua kém gì quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tất cả các đảo khác, dù nhỏ đến mấy đều được cho hiệu lực toàn phần như thế cả.
(Còn tiếp)