Wednesday, January 8, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 7)

 

Cùng với sự trợ giúp của những người làm bản đồ tác giả đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tính tỷ lệ của các ranh giới giả định, thể hiện trên Hình 2, bằng cách sử dụng những giả định và quy định đó, phù hợp với những nguyên tắc pháp lý đã được thiết lập trên cơ sở các vụ việc đã được giải quyết:

Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam – Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

  1. Xác định một khu vực liên quan mà tin rằng tòa án sẽ xác định nó. Khu vực liên quan đó được bao bọc bởi bờ biển của các nước bao quanh Biển Đông và bằng những đường thẳng kẻ ngang qua eo biển Đài Loan và trong những vùng biển Philippines, qua vịnh Bắc Bộ và từ mỏm cực Nam của Việt Nam kéo đến Borneo để tách rời vùng biển của Indonesia và vịnh Thái Lan nằm ở phía Đông Nam và phía Tây đường đó. Vùng biển đó không được coi là thích hợp cho việc hoạch định ranh giới trong Biển Đông, vì chúng dính đến các mối quan hệ địa lý khác nhau giữa hoặc trong số các nước, và vì những bờ biển đó không thể có bất kỳ một vùng biển liên quan nào theo nguyên tắc đường cách đều hoặc theo những nguyên tắc khác.
  2. Những đường bờ biển liên quan cũng được xác định (nằm dọc theo đường bao ngoài của khu vực liên quan) theo xu hướng chung của đường bờ biển và được thể hiện bằng đường đứt quãng trên Hình 2. Tòa án sẽ tiến hành việc suy xét thận trọng trong cả hai việc xác định khu vực liên quan và chọn lựa xu hướng chung của đường bờ biển để thể hiện các đường bờ biển thích hợp. Tin tưởng rằng Tòa án cũng sẽ có sự lựa chọn hoàn toàn giống như những điều được thể hiện ở đây. Đối với mục đích nghiên cứu sự giống nhau như vậy là hoàn toàn hợp lý vì, như được thể hiện, chỉ cần có một tỷ lệ ở mức độ gần đúng. Trong việc xác định khu vực liên quan hay trong việc lựa chọn hướng đi chung của đường bờ biển để thể hiện các bờ biển, những biến đổi nhỏ không thể đủ sức gây ra những kết quả khác biệt, có thể làm thay đổi kết luận logic của việc nghiên cứu tính tỷ lệ.
  3. Như đã nêu ở trên, đối với mục đích hạn chế của bài nghiên cứu này, có thể đặt giả thiết rằng Trung Quốc muốn sở hữu toàn bộ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi vậy, tất cả bờ biển của các đảo trong hai quần đảo (tổng cộng khoảng 29 hải lý) được gộp vào chiều dài bờ biển của Trung Quốc.

Việc sử dụng các ranh giới giả thiết đó là có lợi nhất cho Trung Quốc, kết quả tỷ lệ được thể hiện trong Bảng 1. “Ảnh hưởng méo mó bất hợp lý về tỷ lệ” của các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đối với các ranh giới giả định trên Hình 2 đã rõ ràng. Trung Quốc, với 29,9% đường bờ biển liên quan đã thu được gần gấp đôi – 54,6% – diện tích liên quan. Việt Nam, với 24,1% đường bờ biển, chỉ thu được ít hơn một nửa – 14,8% 0 của phần đáng được hưởng trên cơ sở tính tỷ lệ. Malaysia và Philippines cũng bị thiệt thòi tương tự như thế. Chỉ có Indonesia, do vị trí của họ ở ngoài khu vự ảnh hưởng của bất kỳ hiệu lực nào của quần đảo Trường Sa, nên đã thoát khỏi tác động của sự bất hợp lý mà 3 nước khác, không phải Trung Quốc, phải chịu thiệt thòi.

Bảng 1: Kết quả nghiên cứu tính tỷ lệ trên Hình 1

Nước Chiều dài bờ biển liên quan (hải lý) Tỷ lệ của toàn bộ bờ biển liên quan Diện tích đáy biển được chia (hl2) Tỷ lệ so với toàn bộ đáy biển
Trung Quốc 789 29,9 399,354 54,6
Malaysia 35 1,3 30.735 4,2
Indonesia 510 19,4 54.372 7,5
Philippines 667 25,3 138.142 18,9
Việt Nam 635 24,1 108.513 14,8

Chắc chắn rằng, một tòa án khi đụng phải những hậu quả do ảnh hưởng của các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đối với đường cách đều như được thể hiện trên Hình 2 sẽ kết luận rằng phương pháp như thế sẽ đưa đến một sự bất hợp lý, hoàn toàn không thể chấp nhận được và tạo ra một giải pháp không công bằng, độc đoán và thô bạo. Do đó, việc kiểm tra hậu quả của việc chấp nhận lập trường của Trung Quốc sẽ giúp cho tòa án quyết định giới hạn các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong một dải lãnh hải rộng 12 hải lý.

Tất nhiên, điều cần nói là những ranh giới giả định trên Hình 2 cũng chưa đem lại đầy đủ mọi thứ mà Trung Quốc yêu sách. Đặc biệt, các ranh giới thể hiện trong Hình 2, trong khi đem lại cho Trung Quốc khoảng ¾ khu vực bãi ngầm Tư Chính thì phần còn lại của khu vực đó là của Việt Nam. Khu vực Thanh Long hoàn toàn nằm gọn trong vùng biển của Việt Nam, ngay cả khi xác định theo những ranh giới giả định trên Hình 2. Do những đường cong trong Hình 2 là những đường tối đa mà Trung Quốc có thể nêu ra dựa trên bất kỳ một lý thuyết về tính tỷ lệ nào, nên Hình 2 cho thấy yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực bãi ngầm Tư Chính và đối với mỏ Thanh Long là không có bất kỳ một giá trị nào.

Tuy vậy, kết luận quan trọng nhất qua việc thử nghiệm này là yêu sách của Trung Quốc dựa vào việc dùng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm điểm cơ sở vạch đường cách đều sẽ bị bất kỳ một tòa án nào bác bỏ khi áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển hay luật tập quán quốc tế. Như đã chứng minh, về thực chất, yêu sách của Trung Quốc đối lập sâu sắc với những nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế điều chỉnh quyền đối với thềm lục địa và hoạch định ranh giới biển.

Cũng là bổ ích xem xét các yêu sách của Trung Quốc và Việt Nam đối với khu vực Thanh Long và bãi ngầm Tư Chính và đối chiếu các yêu sách đó tren bản đồ độ sâu của Viện Nam Hải của Bắc Kinh đã được bàn ở phần trước. khi đánh dấu các tọa độ của các khu vực Thanh Long và Tư Chính lên bản đồ Trung Quốc này, rõ ràng một yêu sách dựa vào một “thềm lục địa” riêng giữa đảo Trường Sa và khu vực Thanh Long hoặc bãi ngầm Tư Chính là bất hợp lý.

Lô Thanh Long nằm vào khoảng giữa các đường đẳng sâu 100 đến 150m. Do đó, lô Thanh Long nằm ngay trên thềm lục địa Việt Nam, thậm chí cả trong nghĩa hẹp của thuật ngữ này. Trung Quốc sẽ không thể luận giải được quyền của họ đối với khu vực Thanh Long cho dù dựa trên bất cứ yêu sách nào về quyền sở hữu đảo Trường Sa. (Để làm cơ sở cho lập luận này, không cần tính đến sự thật là Việt Nam đang đóng giữ đảo Trường Sa và cho rằng Trung Quốc sở hữu nó; cũng không cần tính đến sự thật là khu vực Thanh Long nằm gần nhóm Hòn Hải của Việt Nam hơn so với đảo Trường Sa). Đảo Trường Sa là đỉnh của một cao nguyên ngầm nằm trên một đồng bằng dưới đáy biển ở độ sâu 1.800m. Bởi vậy, để thể hiện độ sâu giữa đảo Trường Sa và khu vực Thanh Long, người ta cần phải đi từ bờ đảo Trường Sa, tụt xuống 1.800m đến đồng bằng, băng qua đồng bằng đó rồi lại trèo lên 1.600m qua bờ lục địa, lên dốc lục địa, rồi lên lục địa (theo nghĩa hẹp) để đến khu vực Thanh Long. Theo bất kỳ định nghĩa nào về thềm lục địa hoặc theo bất kỳ quan điểm hợp lý nào của Luật quốc tế, yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực Thanh Long là lố bịch.

Có thể kết luận là yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực Tư Chính cũng bất hợp lý không hơn không kém yêu sách của họ đối với khu vực Thanh Long. Khu vực Tư Chính tiếp giáp với khu vực Thanh Long về phía Đông, nằm chủ yếu trên dốc lục địa và (có lẽ) bờ lục địa của Việt Nam. Khu vực Tư Chính bắt đầu từ quãng đường đẳng sâu 150m và tụt xuống rồi kết thúc ở khu vực đồng bằng ở sâu 1.800-2.000m, tách khỏi đảo Trường Sa. Nhưng Trung Quốc sẽ khó lòng tìm được bất kỳ sự ủng hộ nào về câu chuyện là đảo Trường Sa và khu vực Tư Chính cùng nằm trên một đồng bằng dưới đáy biển. Bờ dốc của đảo Trường Sa nằm đối diện chứ không tiếp liền với bờ dốc của lục địa Việt Nam.

“Vùng nước lịch sử”

Theo những gì được biết thì Trung Quốc chưa bao giờ giải thích đầy đủ cơ sở hay nguồn gốc các yêu sách của họ đối với vùng biển rộng lớn ở Biển Đông mà dường như thể hiện bởi đường chín đoạn xuất hiện trên bản đồ của Viện Nam Hải của Bắc Kinh năm 1984 và những ấn phẩm khác. Một học giả nghiên cứu về vấn đề này đã không tìm được bất kỳ sự lý giải, sự giải thích hay luận chứng chính thức nào về yêu sách quá rộng đó và ông ta phát hiện rằng yêu sách đó xuất hiện lần đầu tiên trên các bản đồ của Trung Quốc trong những năm 1950. Những nhà nghiên cứu khác khi điều tra vấn đề này cũng chẳng mấy thành công trong việc xác định yêu sách về “vùng nước lịch sử” này. Không có một chính phủ nào của Trung Quốc đưa ra một lời giải thích nào về bản chất các yêu sách của họ; nghĩa là cái, nếu có, quyền pháp lý mà họ yêu sách trên vùng biển hoặc đáy biển nằm trong chín đoạn đứt quãng.

Thay cho việc nêu len và hỗ trợ cho yêu sách về “vùng nước lịch sử”, trên thực tế Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố và ban hành những văn bản chính thức, nhưng lại hoàn toàn không nhất quán với bất kỳ yêu sách nào như thế. Ngày 4-9-1958, do có Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp và vào giữa cuộc khủng hoảng về Kim Môn và Mã Tổ, Trung Quốc đã đưa ra Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc mà chính bản Tuyên bố này lại hoàn toàn không nhất quán với lập luận về “vùng nước lịch sử”. Tuyên bố này có đoạn viết như sau:

Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố:

  1. (1)Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ, cũng như Đài Loan và các đảo xung quanh Đài Loan, quần đảo Bành Hổ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa [Hoàng Sa], Trung Sa, Nam Sa [Trường Sa] và các đảo khác thuộc lãnh thổ Trung Quốc mà bị công hải tách ra khỏi lục địa và các đảo ven bờ lục địa.
  2. (2)Đường cơ sở của lãnh hải nước Công hòa Nhân dân Trung Hoa dọc theo lục địa và các đảo ven bờ lục địa là đường hợp bởi các đoạn thẳng nối giữa các điểm cơ sở trên bờ lục địa và ở mũi nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ; vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở này là lãnh hải của Trung Quốc. Vùng biển phía trong đường cơ sở, bao gồm cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu là nội thủy của Trung Quốc. Những đảo ở phía trong đường cơ sở, bao gồm cả Đông Dẫn, đảo Căng Đăng, quần đảo Mã Tổ, quần đảo Bạch Khuyến, đảo Ô Khâu, quần đảo Đại và Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm và đảo Đông Định là các đảo thuộc nội thủy Trung Quốc.

(4)Những nguyên tắc nói trong mục (2) và (3) cũng được áp dụng cho Đài Loan và các đảo xung quanh Đài Loan, quần đảo Bành Hổ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], quần đảo Nam Sa [Trường Sa] và các đảo khác của Trung Quốc.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới