Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan chức Việt uống rượu đắt hơn Nhật: Thế giới ngả mũ

Quan chức Việt uống rượu đắt hơn Nhật: Thế giới ngả mũ

Việt Nam chưa thành nước giàu nhưng đã vội thể hiện bản chất trọc phú. Như vậy là rất dở

Thế giới phải ngả mũ trước văn hóa tiêu tiền của Việt Nam

Theo TS Bùi Ngọc Sơn, chuyện thết đãi bia rượu nghìn đô là việc diễn ra hàng ngày, một thói quen từ xưa của người Việt. Ông cho biết, thói tiêu hoang, không biết tiết kiệm đã hình thành từ khá lâu, có được gì là ăn tiêu, ăn tiêu không biết ngày mai.

Ông Sơn ngạc nhiên, không hiểu có phải do đói kém lâu năm nên giờ có được tí ăn, tí để mà người Việt sinh ra nhiều thói hư tật xấu như vậy không.

“Ăn như để bù đắp những ngày đói kém. Hết tiền tiêu thì đi vay, vay không được lại thì quỵt nợ, trốn nợ. Thế giới còn phải ngỡ ngàng trước văn hóa tiêu tiền độc đáo của Việt Nam”, ông nói.

Ông lấy làm tiếc, trước hình ảnh nhiều người Việt lại không nhận ra điều này mà còn hồn nhiên xem chuyện được ăn, được uống như một điều gì đó phấn khởi lắm ấy. Cái cách ăn tiêu như vậy thì chuyên gia Nhật cũng phải trợn mắt là dễ hiểu thôi.

“Ai cũng hiểu, chuyên gia Nhật cũng hiểu tiền đó từ đâu ra. Có lẽ chỉ có người Việt Nam là không hiểu tiền ăn nhậu, thết đãi thực tế đều nằm trong dự án mà ra.

Cũng giống như EVN, họ không lấy tiền dự án để ăn tiêu nhưng họ lại tính tiền xây nhà, mua xe vào giá bán cho người dân”. TS Sơn cho biết, chuyện này không hề lạ ở Việt Nam chỉ là khác nhau cách làm và cách tính mà thôi.

Quan chức Nhật có thể lạ lắm với cách mời nhau chai rượu nghìn đô. Nhưng nếu không mời rượu người ta lại mời cái khác. Không ăn uống, nhậu nhẹt thì người ta lại ăn bằng phong bì, ăn bằng lót tay.

Tất cả là tiền chùa, là tiền dự án không ăn cũng thiệt thì tội gì họ không ăn. Thậm chí có những người còn đương nhiên coi đó là bổng lộc họ đáng được hưởng nữa cơ mà”, ông nói.

Vị chuyên gia kể câu chuyện thực tế: “Tôi có lần nghe một đoàn cán bộ cấp trên đi kiểm tra địa phương. Đoàn cán bộ đi khoảng 10 người thì có tới 15 cán bộ địa phương cử tiếp đón. Họ thết đãi tiệc trưa trong nhà hàng sang trọng, họ gọi tràn lan khắp mặt bàn mà nếu ăn cố chắc ngần ấy người ăn hết được 1/3. Thấy nhân viên vẫn chưa có dấu hiệu dừng tiếp thêm thức ăn, một cán bộ cấp Cục xót ruột đề nghị không đưa thêm nữa vì quá nhiều rồi”.

Ông Sơn nói, đó mới chỉ là cấp địa phương thôi mà họ ăn đã như vậy rồi, thử hỏi những cấp cao hơn thì họ ăn thế nào.

Lại so sánh với Mỹ, ông cho biết khi tổng thống Mỹ xuống làm việc với các bang, chắc chắn không có chuyện tiếp đãi như vậy. Theo ông, ai mời sẽ phải bỏ tiền túi ra chứ không thể có chuyện lấy tiền ngân sách của bang. Đơn giản vì tất cả các khoản ăn uống, công tác phí đều được tính hết vào bảng lương của Tổng thống rồi. Vì thế, không thể có một khoản nào phát sinh, nếu có phát sinh đó sẽ được coi là tham nhũng.

Thái độ trọc phú trước người nước ngoài là dở

Một vị chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp (xin được giấu tên) cũng không ngạc nhiên nếu thấy Việt Nam quá nghèo mà xài quá sang. Vị chuyên gia buồn bã cho biết, nước mình nghèo đã không giúp tiêu thụ sản phẩm trong nước lại đi uống bia,  rượu, làm giàu cho nước khác. Uống vô tội vạ, uống như đổ đi. Uống đến cả chai rượu nghìn đô thì thật là lãng phí quá.

Ông nói tiếp, thế giới hàng năm vẫn có những đánh giá, Việt Nam dù nghèo vẫn lọt Top các nước tiêu hoang. Vậy nên, chẳng lạ chút nào nếu thấy một năm người Việt tiêu thụ hết mấy tỉ đô điện thoại Iphone, đồng hồ phải của Thụy Sĩ, xe hơi của Đức… mới xứng đẳng cấp. Vì vậy, chuyện hoang phí là lạ lùng với người Nhật nhưng thật sự nó quá quen với người Việt.  

Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt tiêu cực và tích cực. Chuyện ăn tiêu hoang phí, tích cực chưa thấy đâu nhưng tiêu cực lại quá rõ.

“Việt Nam vừa thoát nghèo, các tổ chức quốc tế cũng đã giảm dần vốn viện trợ và chuyển một phần nguồn vốn đó qua Châu Phi. Thế mà, Việt Nam còn không khéo léo, tiếp tục ăn tiêu như vậy, chắc chắn dòng vốn viện trợ sẽ bị chuyển đi nhanh hơn”

“Việt Nam chưa thành nước giàu nhưng đã vội thể hiện bản chất trọc phú. Tâm lý trọc phú, thái độ trọc phú, hành động trọc phú ngay trước mắt chuyên gia nước ngoài là rất dở”, vị chuyên gia nói.

Thế giới ai cũng biết, tăng trưởng của Việt Nam ở mức nào. Nếu so sánh với Lào và Campuchia, Việt Nam còn đang bị cảnh báo sẽ bị tụt hậu nếu không đổi mới. Nhưng kết quả đổi mới sau 30 năm thì sao? Theo vị chuyên gia, sau 30 năm đổi mới cái Việt Nam đang tự hào chỉ là cách tự động viên nhau. Nếu so sánh với các nước khác trong cùng khu vực, kết quả lẽ ra phải trở thành những con rồng Châu Á ví dụ như Đài Loan, Hong-Kong (Trung Quốc) rồi chứ không phải cứ lẹt đẹt như bây giờ, ông nói.

“Vậy thì phải nhìn nhận việc này thế nào? Tại sao thu nhập bình quân thấp, kinh tế phát triển lẹt đẹt mà người Việt Nam vẫn có tiền tiêu một cách hoang phí?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Ông cũng tìm được câu trả lời ngay sau đó. “Thu nhập bình quân người dân Việt Nam còn thấp, nhưng trong số đó vẫn có một nhóm người cực giàu, họ kiếm tiền dễ dàng, làm ăn không chính đáng vì thế họ tiêu cũng dễ. Những người đó có thể là dân buôn (buôn lậu, trốn thuế, luồn lách…), cũng có thể là quan chức (quan tham, tham nhũng, tham ô…), cũng có thể là những người làm dự án (chạy chọt, lót tay, tham nhũng từ dự án, cắt xén nguyên liệu…).

Dù đã xử lý một vài người, nhưng bản chất tham nhũng, tham ô, hối lộ đã cho thấy, người lao động chân chính, lao động bằng mồ hôi nước mắt của mình chắc chắn không có được nhiều tiền như vậy. Có tiền cũng không thể ăn tiêu như vậy”, ông kết luận.

Ông chỉ lấy làm tiếc, thói quen ăn tiêu của người Việt lại do chính quan chức người Nhật nói ra, một đất nước vẫn chia sẻ nguồn vốn viện trợ cho Việt Nam, điều này sẽ phải hiểu thế nào?

“Có thể thông cảm mà cho rằng, đây cũng chỉ là cách muốn lấy lòng quan chức nước ngoài. Họ cứ nghĩ rằng, văn hóa Nhật cũng giống Việt Nam, quà càng to, càng thích. Thết đãi càng sang thì lấy dự án càng dễ. Tuy nhiên, họ lại quên rằng, mỗi đất nước có một nền văn hóa riêng, và vô tình cách làm tưởng như sẽ lấy được lòng người ta thì lại khiến người ta nghĩ ngược lại. Họ đang mất dần lòng tin với Việt Nam, họ đặt nghi ngờ. Vì thế, chuyên gia Nhật mới phải đặt câu hỏi: Nước nghèo mà xài quá sang thì cần gì phải viện trợ nữa. Rõ ràng thay vì khoe cái mình có, ví dụ kinh tế tôi có gì, lúa gạo tôi ra sao, tiền bạc tôi làm ra thế nào thì lại đi phô trương cái không thực tế. Thật đúng “trưởng giả học làm sang”. Vừa lố bịch vừa phản tác dụng”, ông nói.

Đúc kết lại nguyên nhân, vị chuyên gia nói thẳng là do cơ chế, do chính sách, do sự thiếu tôn nghiêm của pháp luật. Theo ông, nếu còn việc cha ông vay, con cháu trả. Trả một ngày không hết thì trả nhiều ngày. Một đời không  trả hết thì nhiều đời sau sẽ trả… cứ như vậy thì việc ăn tiêu hoang phí có gì lạ đâu.

Vì thế, việc phải làm là thay đổi tư duy, siết lại khuôn khổ pháp luật.

“Chỉ khi nào biết một đồng làm được ra vất vả thế nào, khi đó mới biết xót”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới