Sunday, January 12, 2025
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 9)

Như Phan Thạch Anh thừa nhận, Chính phủ Trung Quốc “đã không xác định tại thời điểm công bố các bản đồ chính thức này”, “bản chất pháp lý của con đường chín đoạn đứt quãng đó.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc không được công nhận

Vì không có bất kỳ một lời giải thích nào nên con đường đó trở thành đối tượng của nhiều cách giải thích khác nhau. Có lẽ, cách giải thích dễ hiểu nhất là Trung Quốc đã yêu sách tất cả cá đảo nằm phía trong con đường này. Cách suy luận đó sẽ nhất quán với cá văn bản năm 1958 và 1992 của Trung Quốc. Nhưng, đặc biệt trong Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc, họ đã thừa nhận rõ ràng rằng, lục địa Trung Hoa và quần đảo Trường Sa đã bị “biển cả” chia cắt, vì vậy dễ hiểu là không một nước nào có thể nghĩ rằng họ đã được thông báo chỉ bằng một cách công bố các bản đồ có vẽ các đường đó, rằng Trung Quốc đã đưa ra kiểu yêu sách đó đối với vùng biển nằm bên trong các đường đó – chứ đừng nói gì đến việc thông báo cơ sở của yêu sách như thế, hay bản chất của các quyền họ đòi hỏi.

Đúng là, gần đây nhất cũng chưa có nước nào, ít nhất là ngoài Trung Quốc, có bất kỳ một cơ sở vũng chắc nào để kết luận rằng Trung Quốc có thể tin rằng họ có kiểu yêu sách “lịch sử” nào đó đối với những vùng biển này. Như đã nêu ở trên, rõ ràng Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ một yêu sách nào như thế trong Tuyên bố năm 1958 của họ hay trong nhiều thập kỷ sau đó. Hai công trình nghiên cứu lớn và thấu đáo được lần lượt phát hành trong năm 1974 và 1992, trong đó, không còn tranh cãi gì nữa đã có thể thông báo và bình luận một cách rõ ràng về yêu sách đó thực sự tồn tại, đã thực sự bộc lộ sự thiếu nhận thức rằng một yêu sách như vậy đã từng được đưa ra.

Khi bình luận về Tuyên bố năm 1958 của Trung Quốc, 14 năm sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn toàn không biết đến yêu sách ấy. Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo về việc Trung Quốc yêu sách quần đảo Trường Sa và bình luận rằng các đảo nhỏ đó “do kích thước của chúng nhỏ và quá phân tán, không thể áp dụng bất kỳ một hệ thống đường cơ sở thẳng hợp lý nào… Trên thực tế, việc thiết lập hệ thống đường cơ sở thẳng [trong khu vực quần đảo Trường Sa] là không có cơ sở. Bộ Ngoại giao Mỹ (và Bộ Ngoại giao của các nước khác) đã không có dịp phê phán hay phản đối yêu sách về “vùng nước lịch sử” vì Trung Quốc không hề đưa ra yêu sách. (10 năm sau lời bình luận của Bộ Ngoại giao Mỹ, Công ước Luật biển đã khẳng định rằng đường cơ sở “quần đảo” sẽ không được phép thực hiện ở quần đảo Trường Sa.

Trong những tình huống này có thể đưa ra kết luận rằng, lập luận Việt Nam hay một nước nào khác “không nhất quán” trong việc không thừa nhận yêu sách “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc là hoàn toàn không có giá trị pháp lý và sẽ bị tòa án bác bỏ. Nguyên tắc về sự từ bỏ, sự không nhất quán hay sự mặc nhận chỉ có thể vận dụng có kết quả một khi yêu sách đó đã được tuyên bố rõ ràng, không mập mờ, chính thức và được duy trì trong một thời gian dài đến mức buộc quốc gia có ý kiến bất đồng phải ghi nhận sự phản đối của họ. Trong năm 1947, hay những năm sau đó và cho đến tận ngày nay, Trung Quốc không tuyên bố một yêu sách nào về “vùng nước lịch sử” nằm trong đường chín đoạn đứt quãng. Hơn thế nữa, đối với Việt Nam, ít nhất cũng từ năm 1970-1971, Trung Quốc đã biết quá rõ về yêu sách của Việt Nam đối với khu vực Tư Chính mà tất nhiên nó mâu thuẫn với bất kỳ sự mặc nhận nào của Việt Nam về yêu sách “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc do chín đoạn đứt quãng bao quanh trên các bản đồ của Trung Quốc, và thế cũng đủ là sự phản đối có hiệu quả đối với yêu sách của Trung Quốc, nếu thấy đó là cần thiết, để ngăn ngừa sự không nhất quán.

Tóm lại, bất kỳ mọt yêu sách hữu hiệu nào về “vùng nước lịch sử” – thậm chí cứ cho là một yêu sách như thế có thể được đưa ra để đòi hỏi các vùng biển rộng lớn trên đại dương – sẽ không chỉ phải là một yêu sách rõ ràng; không mập mờ và có được sự thừa nhận của các nước bị ảnh hưởng khác, mà cũng cần phải chứng minh được rằng nước đưa ra yêu sách “[đã] thực hiện các quyền thuộc chủ quyền một cách rõ ràng, có hiệu quả, liên tục trong một thời gian dài trên khu vực yêu sách đó”. Không có một chút bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã từng thực thi bất kỳ một “quyền thuộc chủ quyền” nào trên bất kỳ một khu vực nào, chứ đừng nói gì đến toàn bộ vùng biển phía trong “biên giới” chín đoạn đứt quãng. Đấy còn là một lý do nữa cho thấy tại sao yêu sách về “vùng nước lịch sử” của họ không có một giá trị thực châts hay đáng giá nào.

  1. 1.Phân tích những yêu sách tiềm tàng của Việt Nam

Ngày 12-5-1977, Việt Nam tuyên bố thừa nhận nguyên tắc sự kéo dài tự nhiên nêu trong diềud khoản về thềm lục địa (Điều 76 (1)) của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (khi đó là bản dự thảo, nay là văn bản chính thức). Việt Nam đã thay tên “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho danh từ “quốc gia ven biển” trong Điều 76 (1) và bổ sung những lời văn cần thay đổi (mutatis mutandis):

Thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó.

Theo đó, Việt Nam đã bày tỏ lòng mong muốn của mình chấp nhận việc hoạch định ranh giới biển dựa vào luật pháp quốc tế về thềm lục địa. Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Luật biển một lần nữa biểu hiện chính thức và công khai sự chấp nhận của họ đối với luật biển quốc tế.

Có 3 căn cứ trong luật pháp quốc tế mà dựa vào đó Việt Nam có thể tuyên bố những đặc quyền trên các vùng biển trong Biển Đông liên quan tới các khu vực Tư Chính và Thăng Long. 3 căn cứ này sẽ được đề cập ở phần dưới.

Khoảng cách tối thiểu 200 hải lý

Tối thiểu, Việt Nam cũng có quyền đối với một vùng biển rộng 200 hải lý tính từ lãnh thổ của họ. Ở mức tối đa, khu vực Tư Chính, cho dù không phải tất cả, đều nằm phía trong đường 200 hải lý. Rõ ràng, toàn bộ khu vực Thanh Long nằm hẳn ở bên trong đường đó.

Trong khi bỏ qua những đảo nhỏ không có người ở như nhóm Hòn Hải và đảo Trường Sa của Việt Nam, đường 200 hải lý đã sử dụng đảo Phú Quý của Việt Nam làm điểm cơ sở để xác định đường tối thiểu 200 hải lý. Khác với những đảo nhỏ bé hay đá, như Hòn Hải và đảo Trường Sa, đảo Phú Quý có diện tích 32 km2 (gấp 6 lần diện tích của tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa gộp lại), và số dân định cư có lịch sử lâu đời vào khoảng 12.000 người. Phú Quý bảo đảm được một nền kinh tế năng động và ổn định, có đàn gia súc tới 3.500 con và sản xuất được 1.630 tấn tóc trong năm 1991. Đội thuyền đánh bắt cá có bến đậu ở Phú Quý gồm 359 chiếc năm 1991 đã đánh bắt được 3.749 tấn cá, 12 tấn vây cá mập và 2.378 tấn mực. Cộng đồng trên đảo Phú Quý có nhiều trường học (với khoảng 3.600 học sinh), bệnh viện và các tiện nghi khác.

Hơn nữa, Phú Quý lại gắn chặt chẽ với địa mạo đất liền; đảo này nằm trên đường thẳng sâu 100m, nơi vùng nước rất nông phía ngoài bờ biển Việt Nam. Nguyên tắc chung cho các đảo loại này là “(Nếu) đảo ấy thể hiện là một bộ phận đồng nhất với hình thái chung của bờ biển, nó được dùng để hoạch định ranh giới trên cùng một cơ sở như đất liền và có hoàn toàn hiệu lực.

Theo các Điều 76 (1) và 121 (20 của Công ước Luật biển và theo luật tập quán quốc tế, rõ ràng Việt Nam có quyền sử dụng đảo Phú Quý – nó hoàn toàn không phải là “đảo đá” như nêu trong Điều 121 (3) – để làm điểm cơ sở xác định các vùng biển của họ, bao gồm cả thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý.

Cả trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn các quốc gia, không có gì bảo đảm cho việc bỏ qua sự hiện diện của các đảo trong các cuộc đàm phán phân định thềm lục địa. Không có trường hợp nào mà các đảo (trừ các đảo nhỏ) bị bỏ qua cả. Trong phần lớn các trường hợp chúng được hiệu lực toàn phần. Chẳng hạn, ranh giới được vạch giữa các bên trong Vụ thềm lục địa biển Bắc, lúc đầu nó là đường cách đều, rồi sau đó là một đường thương lượng được tính từ các đảo xa bờ của Hà Lan và Đức. Hiệp định Australia – Indonesia đã cho nhóm đảo Aru, các đảo Ashmore và Cartiers hiệu lực toàn phần.

Cả hai nhóm đảo Na Uy, nhóm đảo Orkney và Shetland đều được cho hiệu lực toàn phần, trong Hiệp định Anh – Na Uy.

Quyền tối thiểu của Việt Nam, như đường 200 hải lý, không đụng chạm đến bất kỳ một yêu sách nào của Indonesia và Malaysia trong các khu vực Tư Chính và Thanh Long. Bởi vậy, trừ khi Trung Quốc đưa ra được một yêu sách có giá trị đối với một bộ phận nào đó của khu vực này buộc phải có sự phân định ranh giới giữa bai bên yêu sách, thì đường 200 hải lý có thể được xem một cách chắc chắn là đường thể hiện quyền tối thiểu của Việt Nam về thềm lục địa trong những khu vực đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới