Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngTQ phải chịu hậu quả về những hành động gây hấn

TQ phải chịu hậu quả về những hành động gây hấn

Dư luận đang dõi theo kỳ họp Chính hiệp (từ ngày 3-3) và Quốc hội Trung Quốc bởi theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 20% và việc này sẽ được quyết định sau khi Quốc hội nước này khai mạc hôm 5-3. 

Xung quanh kỳ họp lưỡng hội kể trên, nhiều quan chức của Trung Quốc đã có những phát ngôn, tuyên bố khiến dư luận đặc biệt quan tâm, cùng với đó là những hành động trên biển Hoa Đông và Biển Đông khiến tình hình thêm căng thẳng.

Những tuyên bố “khủng” của Bắc Kinh

Theo người phát ngôn Báo chí Kỳ họp thứ 4 Chính hiệp khóa 12 Vương Quốc Khánh, Chính hiệp sẽ tích cực đóng góp ý kiến, hiến mưu hiến kế, cung cấp kiến giải thấu đáo và biện pháp thiết thực xoay quanh “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13”.

Theo ông Vương Quốc Khánh, việc xây dựng “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” không những là công tác trọng điểm của Đảng và Nhà nước, mà còn là hướng đột phá chính của Chính hiệp về đóng góp ý kiến, hiến mưu hiến kế.

Ủy viên Chính hiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Chuyên gia tư vấn an ninh mạng và Thông tin hóa Hải quân, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, tàu sân bay chỉ là mặt bằng tác chiến, vừa có thể tấn công, vừa có thể phòng thủ và phương châm chiến lược quân sự tích cực phòng thủ của Trung Quốc sẽ không vì có mặt bằng tác chiến khác nhau mà thay đổi.

Và Bắc Kinh đóng tàu sân bay chủ yếu để bảo vệ chủ quyền các đảo và bãi đá trên biển, quyền lợi biển và quyền lợi ở hải ngoại hợp pháp. Đồng thời tuyên bố, lợi dụng lực lượng quân sự để xưng bá không phù hợp với lợi ích quốc gia phát triển bền vững của Trung Quốc!

Ngày 1-3, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, nước này đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng tại Biển Đông bằng đề xuất tạm thời để tránh các vụ va chạm không đáng có dẫn tới xung đột ở vùng biển đang có tranh chấp này.

Ông Vivian Balakrishnan cũng cho rằng, dù không liên quan trực tiếp đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Singapore hy vọng có thể đóng vai trò trung gian trong việc thiết lập đối thoại mang tính xây dựng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Singapore cũng đề xuất mở rộng Bộ Quy tắc về những vụ chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) đối với các quốc gia liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Vivian Balakrishnan có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên đến Trung Quốc (từ 29-2 đến 1-3) trên cương vị Ngoại trưởng Singapore. Ngày 29-2, phát biểu sau cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cho biết, Singapore và Trung Quốc đã xem xét một số đề xuất nhằm giảm thiểu rủi ro đối đầu tiềm ẩn tại Biển Đông.

Theo ông Vivian Balakrishnan, Bắc Kinh đã sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi DOC trong khi đẩy nhanh tham vấn về COC. Tuy nhiên, ông Vương Nghị vẫn tuyên bố, không thay đổi lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, bất chấp những hành động trái phép gần đây của Trung Quốc đang khiến căng thẳng leo thang trong khu vực.

trung quoc phai chiu hau qua ve nhung hanh dong gay han
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

Ngày 29-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, tuyệt đại đa số các nước ASEAN không tán thành thổi phồng vấn đề Biển Đông!

Theo ông Hồng Lỗi, Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, chứ không phải giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ông Hồng Lỗi còn lớn tiếng cho rằng, việc Bắc Kinh bố trí cơ sở “phòng vệ cần thiết trên lãnh thổ của mình” là thi hành quyền tự bảo vệ của nhà nước có chủ quyền được luật pháp quốc tế công nhận, đồng thời hối thúc Mỹ không nên “khua tay múa chân” đối với những việc làm của Bắc Kinh và không nên tự phong cho mình là “thẩm phán quốc tế”.

Gia tăng sức mạnh quân sự

Việc tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lời Thượng tướng Vương Giáo Thành, Tư lệnh Chiến khu miền Nam, 1 trong 5 chiến khu của quân đội Trung Quốc vừa được thành lập hôm 1-2 (thay thế cho 7 đại quân khu trước đó), lớn tiếng khẳng định hôm 28-2, quân đội Trung Quốc sẽ động binh ở Biển Đông đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Bởi theo ông Vương Giáo Thành, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị để chiến đấu bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông và Bắc Kinh đã lên kế hoạch ứng phó với tất cả kịch bản liên quan đến mọi nguy cơ quân sự có khả năng xảy ra trong khu vực!

Tuyên bố của ông Vương Giáo Thành có lẽ là phản ứng lại tuyên bố của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ tại phiên điều trần hôm 23 và 24-2 ở Thượng và Hạ viện Mỹ.

Và khi phát biểu với báo giới ở Lầu Năm Góc (25-2), Đô đốc Harry Harris đã bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc đang dọn đường cho việc đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phi pháp ở Biển Đông.

“Tôi coi đó là hành vi gây bất ổn và khiêu khích, nhưng sẽ phớt lờ nó cũng như đã từng làm với ADIZ mà họ lập ở biển Hoa Đông”, ông Harry Harris nhấn mạnh.

Ngày 1-3, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ tờ Quân Giải phóng Trung Quốc cho biết, cứ 4 người Trung Quốc cư ngụ bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, thì có 3 là lính. Và tỷ lệ lính/dân ở đảo Phú Lâm là 3/1, trong đó người cư ngụ tại đây chỉ là sĩ quan, binh lính và vợ con một số quân nhân này.

Theo học giả Tiết Lực đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh đang thay đổi chiến thuật – công bố sự hiện diện ở quần đảo Hoàng Sa với cơ sở hạ tầng dân sự và số dân sinh sống tại đây để chứng minh cho cái gọi là “Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông”.

Theo tờ Quân Giải phóng Trung Quốc, ngày 1-3, Hải quân Trung Quốc đã hoàn tất việc chế tạo bến tàu nổi đầu tiên (còn gọi là ụ tàu nổi tự hành) để làm nơi sửa chữa tàu chiến xa bờ. Với bến tàu nổi này, sẽ cho phép lực lượng hải quân đưa tàu bị hư hỏng về sửa chữa, phục hồi năng lực chiến đấu trong thời gian nhanh chóng.

Và đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hải quân, để đáp ứng tham vọng độc bá Biển Đông, vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhiều người nói rằng, rất khó để xác định các mục tiêu đích thực của Trung Quốc.

Ngày 29-2, tờ South China Morning Post cho rằng, Trung Quốc có thể công bố khoản ngân sách quốc phòng năm nay vào hôm 5-3 và căng thẳng với các nước láng giềng, cũng như động thái của Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là những cái cớ để Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng.

Cũng trong ngày 29-2, tờ The Epoch Times bình luận, cả thế giới sẽ không thể làm gì nếu để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) ở Biển Đông, trong khi giai đoạn 2 – triển khai các vũ khí chiến lược tới Biển Đông có khả năng sắp hoàn thành.

Đối phó với những thách thức của Trung Quốc

Ngày 2-3, Reuters dẫn lời ông Eugenio Bito-onon Jr, Thị trưởng Kalayaan, tỉnh Palawan của Philippines cho biết, có 7 tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đây là điều rất đáng báo động bởi chặn ngư dân tiếp cận với ngư trường này.

Tờ Philippines Star cũng dẫn lời một số ngư dân nói rằng, các tàu Trung Quốc đã đuổi theo khi họ định đi vào khu vực này hồi tuần trước. Manila đang cố gắng xác nhận sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần bãi Hải Sâm.

Trước đó (29-2), tờ Philippines Daily Inquirer dẫn lời Hạ nghị sĩ Rodolfo Biazon, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hạ viện Philippines, khi kêu gọi Manila và các đồng minh cân nhắc áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) về vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Đồng thời cảnh báo, Philippines và các nước láng giềng phải đoàn kết mới có thể đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Ngày 1-3, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario một lần nữa yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng kết quả phân xử của PCA liên quan tới việc Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Ông Albert del Rosario cho rằng, nếu Trung Quốc không quan tâm tới phán quyết của PCA, điều đó có nghĩa Bắc Kinh tự coi mình đứng trên luật pháp.

Ngày 1-3, phát biểu tại Diễn đàn Câu Lạc bộ Thịnh vượng chung ở San Francisco (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cảnh báo, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả về những hành động gây hấn tại Biển Đông, trong đó bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép trên đảo Phú Lâm.

Ông Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc không được quân sự hóa ở Biển Đông và những động thái cụ thể sẽ gặp phải các hậu quả cụ thể. Đồng thời nhấn mạnh quan điểm đảm bảo tự do hàng hải, đặc biệt là Biển Đông, nơi thông thương quan trọng của thế giới.

Và Mỹ đã tăng cường triển khai lực lượng đến Châu Á – Thái Bình Dương, sẽ chi 425 triệu USD cho các cuộc tập trận và huấn luyện với các nước trong khu vực này đến năm 2020.

Ngày 28-2, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã họp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tại thủ đô Bắc Kinh, để phối hợp đề ra chương trình nghị sự về kinh tế cho các cuộc gặp trong năm nay giữa Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama.

Theo ông Uông Dương, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đảm bảo cuộc đối thoại kinh tế thường niên lần thứ 8 giữa 2 nước diễn ra thành công, cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư song phương và các thỏa thuận khác.

Còn ông Jacob Lew cho rằng, Mỹ sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế song phương và toàn cầu, ủng hộ Trung Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu trong hai ngày 4 và 5-9

RELATED ARTICLES

Tin mới