“Đòn” này vừa tránh quá khiêu khích đến mức gây ra khủng hoảng an ninh, đối đầu quân sự, nhưng đủ tạo ra một “trạng thái bình thường mới”.
South China Morning Post ngày 8/3 đưa tin, trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hôm qua, Ngoại trưởng nước này ông Vương Nghị tuyên bố với báo giới: “Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ ai gây rối Biển Đông và gây ra sự hỗn loạn ở châu Á”.
Ông Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng, là quốc gia lớn nhất ven Biển Đông, Bắc Kinh muốn “duy trì tự do hàng hải trong khu vực, nhưng không có nghĩa là muốn làm gì thì làm”.
Nói cách khác, chỉ có Trung Quốc mới được phép gây rối, leo thang căng thẳng ở Biển Đông thông qua hành vi quân sự hóa. Còn mọi hoạt động ngăn cản Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông đều bị họ xem là “gây rối” và Trung Quốc không chấp nhận?
Cái gọi là “duy trì tự do hàng hải” mà ông Nghị nói, phải chăng là Trung Quốc muốn áp đặt luật chơi của riêng mình bắt phần còn lại của thế giới phải theo họ? Phải chăng ý đồ đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông năm 2013 đang lấp ló ở Biển Đông?
“Trung Quốc không thể bị buộc tội quân sự hóa. Điều này phù hợp với nước khác hơn”, ông Nghị phớt lờ những lời tố cáo, lên án của dư luận khu vực và quốc tế, rồi bóng gió rằng Hoa Kỳ mới là nước “gây rối” Biển Đông.
Việc lắp đặt ra đa quân sự cao tần bất hợp pháp ở Châu Viên, Tư Nghĩa, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) hay bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) thì ông Nghị cho là “phòng thủ đơn thuần, cần thiết”.
Vương Nghị nói rằng, nước ông không loại trừ khả năng đưa các phóng viên báo chí ra các thực thể (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp trên Biển Đông sau khi hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điều này cho thấy khả năng và âm mưu thâm độc của Bắc Kinh hòng tìm kiếm sự công nhận trên thực tế yêu sách “chủ quyền” phi lý dựa trên chiến tranh xâm lược của Bắc Kinh đối với 7 thực thể ở Trường Sa ngày 14/3/1988.
Bởi sau khi chiếm trọn Hoàng Sa bằng vũ lực bất hợp pháp năm 1974, Trung Quốc khăng khăng không thừa nhận tranh chấp ở Hoàng Sa do chính họ tạo ra.
Khả năng kéo phóng viên ra Trường Sa là một con bài chính trị nguy hiểm, ngoài yếu tố giành sự công nhận trên thực tế và tuyên truyền cho cái gọi là “mục đích hòa bình” hay “dịch vụ công cộng” để che lấp cho những mưu đồ quân sự hóa Biển Đông, tiến tới độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh còn muốn phân tán sự chú ý và lên án từ dư luận đến các động thái quân sự hóa, đến kho vũ khí mà họ đổ xuống Biển Đông.
Sau khi kéo phóng viên ra Trường Sa, chỉ cần một cái cớ thích hợp tương tự như việc tuần tra của tàu chiến, máy bay Mỹ bên trong 12 hải lý một số thực thể bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa là Trung Quốc có thể leo thang một bước, kéo tên lửa, chiến đấu cơ ra khu vực này.
Bắc Kinh sử dụng “đòn” này vừa tránh quá khiêu khích đến mức gây ra khủng hoảng an ninh, đối đầu quân sự, nhưng đủ tạo ra một “trạng thái bình thường mới”, một sự hiện diện bất hợp pháp mới của vũ khí, sức mạnh quân sự bành trướng trên Biển Đông.