Ngày 14/3/1988, bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu chiến bao vây, đánh chiếm cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
LTS: Cách đây 28 năm, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa hàng chục tàu chiến sang vùng biển Trường Sa để tấn công, đánh chiếm một số đảo chìm của Việt Nam thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Cuộc hải chiến Trường Sa đã diễn ra trên đảo Gạc Ma, Cô Lin giữa 4 tàu chiến Trung Quốc với trang bị súng, pháo lớn để áp đảo hải quân Việt Nam với 3 tàu vận tải và súng cá nhân. Nhân dịp này, báo Năng lượng Mới – PetroTimes giúp bạn đọc nhìn lại sự kiện 14-3 và những âm mưu thôn tính Trường Sa và độc chiếm biển Đông của Trung Quốc
Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu hy sinh. 28 năm đã trôi qua, những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa càng cho thấy, cuộc tiến công, xâm chiếm bãi đá Gạc Ma năm 1988 về bản chất là một “phép thử” nhan hiểm trong một chiến lược tổng thể thôn tính Biển Đông bằng quân sự của Bắc Kinh.
Phép thử nham hiểm của Trung Nam Hải
Nhìn lại toàn bộ tiến trình xung đột năm 1988, giới phân tích quốc tế cho rằng, cuộc chiến ở Gạc Ma không phải là một cuộc đụng độ quân sự “đáng tiếc” như giới cầm quyền Trung Quốc tuyên bố, mà là một cuộc tiến công có chủ ý, mang tính xâm lược trắng trợn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 của Trung Nam Hải. Theo họ, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Các nghiên cứu sâu đã chứng minh, hệ thống sử liệu đồ sộ, xuyên suốt qua mấy ngàn năm, trong đó có hàng trăm địa đồ của Trung ương và các địa phương Trung Quốc đều xác định cực Nam của Trung Quốc là huyện Nhai (phủ Huỳnh Châu, đảo Hải Nam) và chưa từng một lần xác nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Khác với Trung Quốc, chính phủ Việt Nam có đầy đủ chứng cứ khoa học và lịch sử khẳng định chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 – 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)… đều chứng minh từ năm 1816 (đời vua Gia Long) các nhà nước Việt Nam đều liên tục thực thi chủ quyền và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974, đánh chiếm Gạc Ma năm 1988 là những hành động xâm chiếm lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam, hành động đó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Mặt khác, hiện trạng ở Trường Sa có nhiều nước, nhiều bên đều có yêu sách chủ quyền thì việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp là hành động trái với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là bên tham gia ký kết, hành động đó không thể biện minh, không thể chấp nhận được. Thứ nữa, cuộc tiến công Gạc Ma đã được Trung Quốc chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng cả về mục tiêu, nhất là thời điểm tiến công, mà nhiều người gọi là “thời cơ chính trị” thuận lợi nhất. Trong cuộc tiến công này, Hải quân Trung Quốc huy động hàng chục tàu chiến, trong đó có nhiều tàu khu trục được trang bị các trọng pháo có thể bắn vào các mục tiêu xa trên 10 km. Hải quân Việt Nam chỉ có 3 tầu vận tải không vũ trang; các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đảo chỉ được trang bị súng cá nhân. Do vậy, Hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn chiếm ưu thế và không gặp khó khăn gì khi bắn cháy các tầu vận tải và sát hại 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam. Điều đó cũng lật tẩy luận điệu “vừa ăn cướp vừa la làng” của Trung Quốc khi tráo trở đổ lỗi nguyên nhân gây ra xung đột ở Gạc Ma là “do Hải quân Việt Nam khiêu khích, nổ súng trước”.
Đánh chiếm Gạc Ma nằm trong toan tính chiến lược của Trung Nam Hải ở Biển Đông. Giới quân sự cho rằng, trong địa quân sự ở quần đảo Trường Sa, cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao có vị trí quan trọng chiến lược. Địa bàn này vừa có thể đóng vai trò chi viện cho các cụm đảo khác của Trường Sa, vừa có thể đóng vai trò chia cắt đường tiếp viện của đối phương khi có chiến sự xảy ra. Sâu xa hơn, cái mà Trung Nam Hải hướng tới là thông qua chiếm đóng Gạc Ma để củng cố “vị thế” có chủ quyền trong tranh chấp ở Trường Sa; đồng thời, tạo ra “đòn răn đe” đối với các nước liên quan về ý chí và sức mạnh của Trung Quốc trong cái mà họ gọi là bảo vệ “không gian sinh tồn” ở Biển Đông. Thực tế, sau cuộc tiến công đánh chiếm Gạc Ma năm 1988, đúng như dự tính của Trung Quốc là tuy bị thế giới phản đối nhưng không nhiều, do sự chú ý của dư luận đang bị hướng vào những biến động ở khu vực và thế giới, nhất là tình hình rối ren ở Căm-pu-chia, Liên Xô và Đông Âu… Đổi lại, Trung Quốc đã “đắc lợi” vì đã hoàn thành “việc đã rồi” là chiếm đóng đảo Gạc Ma của Việt Nam và tạo một tiền lệ nguy hiểm về việc răn đe sử dụng vũ lực và sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp với các nước trước mắt là ở Trường Sa, xa hơn là trên phạm vi toàn bộ Biển Đông. Thực tế, năm 1999 Trung Quốc đã lặp lại kịch bản Gạc Ma với Phi-líp-pin ở đảo Vành Khăn và bãi đá cạn Scarborough. Hay, gần đây với Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/ Sen-ka-ku
Từ sử dụng vũ lực chiếm Gạc Ma đến mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh
28 năm đã trôi qua kể từ cuộc tiến công của Trung Quốc chiếm Gạc Ma, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã bước sang trang mới, theo tinh thần phương châm “4 tốt”, “16 chữ vàng”, “5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình”. Trên Biển Đông, ngày 4-11-2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết DOC, được đánh giá là bước tiến quan trọng để các bên liên quan giải quyết hòa bình tranh chấp, ngăn chặn nguy cơ đối đầu, xung đột ở Biển Đông. Hằng năm, thông qua các cơ chế đối thoại ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)… Trung Quốc và ASEAN tiến hành các cuộc tham vấn, trao đổi, đối thoại để tăng cường hợp tác, xây dựng hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, đây chỉ là “bề nổi”, trên thực tế Trung Quốc đang “nói một đằng làm một nẻo” ráo riết tiến hành một chiến lược tổng thể có bài bản, với lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, thâm hiểm để hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Đặc biệt, mấy năm gần đây, Trung Quốc gia tăng các hoạt động ngang ngược, cường quyền hơn ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của dư luận, luật pháp quốc tế, các cam kết quốc tế mà nước này đã ký kết tham gia. Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “Đường chín đoạn” (còn gọi là “Đường lưỡi bò”) liếm hơn 75% diện tích mặt nước của Biển Đông; điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh công khai tham vọng độc quyền chiếm Biển Đông của mình. Năm 2012, Trung Quốc tự tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Tam Sa (gồm Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa). Đặc biệt, từ năm 2014, Trung Quốc đẩy nhanh việc bồi đắp, tôn tạo 7 bãi đá mà họ chiếm trái phép ở Trường Sa; trong số đó truyền thông Trung Quốc thông báo sẽ xây dựng các đảo Gạc Ma, Chữ Thập, Ga Ven thành những “pháo đài trên Biển Đông” có khả năng bố trí các vũ khí, trang bị hiện đại, cho phép nâng tầm tác chiến của nước này lên ít nhất là 1.500 km xuống Biển Đông. Đánh giá về hành động tôn tạo đảo của Trung Quốc, giáo sư người Úc chuyên nghiên cứu về Biển Đông Carl Thayer cho rằng, đây là bước quan trọng trong tiến trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Theo Ông, sau khi hoàn tất công việc tôn tạo, xây đắp phi pháp các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ đi bước đi quan trọng nhất là đơn phương tuyên bố và thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Khi đó Trung Quốc sẽ tạo được thế trận không-biển vững chắc, giúp cho nước này chiếm được lợi thế quân sự rất lớn để thực hiện tham vọng khống chế, kiểm soát không chỉ Trường Sa mà trên toàn bộ Biển Đông.
Tham vọng dùng quân sự độc chiếm Biển Đông càng rõ ràng hơn khi mới đây ngày 5-3-2015, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lớn tiếng tuyên bố: “Trung Quốc sẵn sàng trên tất cả các mặt trận, với tất cả các kịch bản, nỗ lực để đảm bảo sức sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, kiểm soát trên biển cũng như trên không”. Ông Lý cũng cảnh báo: “Trung Quốc sẽ tăng cường thực thi “pháp luật hàng hải”, bảo đảm tự do hàng hải, an ninh tại các vùng biển và sẽ “đối phó một cách thích hợp với các hành vi xâm phạm “chủ quyền Trung Quốc trên biển”. Giới quân sự thuộc phái “diều hâu” của Trung Quốc cũng ngạo mạn tuyên bố, quân đội Trung Quốc luôn sẵn sàng và đủ sức mạnh để “giải phóng” Trường Sa.
Tăng cường khả năng quốc phòng, cảnh giác, sẵn sàng đối phó với các tình huống
Giới quân sự quốc tế cho rằng, những năm tới, tình hình khu vực Trường Sa sẽ “nóng” hơn. Trong đó, đáng lo ngại là Trung Quốc ngày càng lộng hành, thể hiện quyết tâm đe dọa vũ lực và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự (tương tự như trận xâm chiếm Gạc Ma năm 1988) để giải quyết tranh chấp chủ quyền và bảo vệ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Cũng cần nhận thức sâu sắc rằng, độc chiếm Biển Đông chỉ là bước “mở đầu” của một chiến lược tham vọng lớn hơn là xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển Xanh”, đưa Trung Quốc “trỗi dậy” thành siêu cường thế giới. Với tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ phát triển, Trung Quốc hoàn toàn đủ thực lực để thực hiện mưu đồ quân sự hóa Biển Đông. Mặt khác, Mỹ đang thực hiện chiến lược “xoay trục về châu Á” ở một khía cạnh sẽ là nhân tố quan trọng ngăn chặn tham vọng Biển Đông của Trung Quốc, nhưng ở khía cạnh khác nó có thể vô hình chung tạo cớ để Trung Quốc tăng cường quân sự, hành động càng manh động và ngang ngược hơn trong tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa. Vụ Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta tháng 5-2014, nhiều người cho rằng, chỉ là chiêu trò mang tính thăm dò phản ứng và nắn gân Việt Nam.
Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đặc biệt chủ quyền biển, đảo Trường Sa của nước ta những yêu cầu mới nặng nề hơn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tăng cường đầu tư nâng cao khả năng quốc phòng, tập trung vào một số nội dung chính sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của mọi cấp, mọi ngành và toàn dân. Từ đó mọi công dân nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, chính phủ về phát triển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam hùng mạnh; trong đó, xây dựng hải quân, không quân tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngay từ thời bình, đất nước cần phải chuẩn bị mọi tình huống, phương án tác chiến để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống trên biển, đảo.
Giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tăng cường mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, ưu tiên với các nước ASEAN, các nước lớn, các tổ chức quốc tê có ảnh hưởng tới an ninh ở Biển Đông để bảo vệ an ninh, an toàn vùng biển này trên cơ sở các cam kết khu vực, như DOC, luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982. Cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng Quy chế ứng xử ở Biển Đông (COC) tạo cơ sở pháp lý bảo vệ hòa bình, an ninh, ngăn chặn xung đột ở Biển Đông. Trong xử trí tình huống trên Biển Đông, kiên trì nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược, nhất là phải tỉnh táo không để gây kích động và bị lợi dụng để tạo cớ cho đối phương sử dụng vũ lực.
(Còn tiếp)