Vào ngày 10/3, Hải quân Việt Nam đã tổ chức lễ thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn.
Tàu có tổng diện tích 1.400 m2 với 3 cột buồm, được đánh giá là hiện đại bậc nhất thế giới – (Ảnh: marineprojects.pl)
Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn do Công ty kỹ thuật tàu thủy Choren Design & Consulting thiết kế và nhà máy đóng tàu Marine Projects (Ba Lan) đặt ky đóng mới, hạ thủy vào đầu tháng 6/2015; theo chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Quân đội Việt Nam và Ba Lan.
Theo truyền thông trong nước, tàu buồm 286 Lê Quý Đôn được đánh giá là hiện đại bậc nhất thế giới và khu vực. Tàu có 3 cột buồm cao 40m với 21 buồm và 10 que xoay, tổng diện tích là 1.400 m2, dài 67m, rộng 10m, lượng giãn nước 857 tấn.
Tàu Lê Quý Đôn được đánh giá là hiện đại bậc nhất thế giới và khu vực – (Ảnh: marineprojects.pl)
Tàu có biên chế 30 người và có thể phục vụ 80 học viên đi thực tập đường dài; kết hợp giao lưu hải quân quốc tế và những nhiệm vụ khác khi có yêu cầu.
Việc hạ thủy tàu buồm hiện đại này được đại diện Hải quân Việt Nam khẳng định “bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”.
Cùng ngày, tại Đà Nẵng cũng diễn ra lễ hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng.
Tàu vỏ thép An Nam sẽ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa. Tàu có chiều dài 30,8m, chiều rộng 7,5m, chiều cao 3,9m, công suất 822CV – (Ảnh: phapluattp.vn)
Tàu An Nam số hiệu ĐNa 90777 TS của ngư dân Trần Văn Mười (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng được đóng mới theo chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của chính phủ Việt Nam.
Tàu có tổng mức đầu tư là 18,4 tỷ đồng (trong đó có 17,4 tỷ đồng vốn vay ngân hàng).