Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGạc Ma-1988: Gọi đúng tên 'cuộc chiến xâm lược của TQ'

Gạc Ma-1988: Gọi đúng tên ‘cuộc chiến xâm lược của TQ’

Cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma của hải quân Việt Nam được khẳng định là một thiên anh hùng chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Việt Nam bảo vệ chủ quyền bằng hành động hòa bình

Cuối năm 1987, Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bắt đầu từ tháng 1 cho đến tháng 2 năm 1988, hải quân Trung Quốc đã điều động một lực lượng lớn tàu chiến tiến hành xâm chiếm 4 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa là Chữ Thập (31-1), đá Châu Viên (18-2), đá Ga Ven (26-2), đá Tư Nghĩa (tức Huy Gơ, ngày 28-2).

Trước hành động xâm lược trắng trợn của nhà cầm quyền Bắc Kinh, Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội. Chiến dịch này được chúng ta đặt mật danh là CQ-88 (Chủ quyền 88).

Hải quân Việt Nam được lệnh đưa lực lượng, phương tiện ra các đảo đá Tiên Nữ (26-1), Đá Lát (5-2), Đá Lớn (6-2), Đá Đông (18-2), đá Tốc Tan (27-2), đá Núi Le (2-3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc.

Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và phía đông kinh tuyến 115 độ, đặc biệt là các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, có vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần cụm đảo Sinh Tồn.

Trước tình hình đó, ngày 31 tháng 3, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.

Bộ tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5, Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), nhà máy Ba Son… đến phối thuộc khi cần thiết.

Gac Ma-1988: Goi dung ten 'cuoc chien xam luoc cua Trung Quoc'

Tàu vận tải của Việt Nam bị pháo trên tàu chiến Trung Quốc bắn 

Tuy nhiên, những tàu thuyền trên hầu hết đều đã cũ, hỏa lực yếu khả năng tác chiến xa bờ kém. Hơn nữa, để phòng âm mưu khiêu khích của Trung Quốc là ta tấn công tàu của chúng, hải quân ta chủ trương sử dụng các tàu vận tải và lực lượng công binh ra xây dựng công trình.

Sau Tết Nguyên đán, các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 của Quân chủng Hải quân nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 của Vùng 4 Hải quân ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa.

20h ngày 11-3-1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) – cách đất liền khoảng 500 km.

Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nằm giữa biển khơi và nổi lên theo con nước thủy triều.

Ngày 12 tháng 3, tàu HQ-605 thuộc Lữ 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy được lệnh từ đá Đông đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày 14 tháng 3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu 605 đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14 tháng 3 và cắm cờ Việt Nam trên đá san hô này.

Ngoài ra, tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp với hai tàu 505 và 604 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc trung đoàn công binh 83, bốn tổ chiến đấu (22 người) của Lữ đoàn 146 do Lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy và bốn chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).

“Vòng tròn bất tử” bảo vệ chủ quyền trên đá Gạc Ma

Về phía Trung Quốc, sau khi chiếm hàng loạt bãi đá, vào đầu tháng 3-1988, chúng đã huy động lực lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9 lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 xuồng đổ bộ lớn.

Trong khi đó, chúng ta chỉ có vài tàu vận tải và vận tải đổ bộ, không có pháo hạm, trên tàu đều chỉ mang lương thực, xi măng cốt thép và các cột bê tông đúc sẵn, chỉ có một số loại vũ khí cá nhân ít ỏi như tiểu liên AK, súng chống tăng B-40, B-41…

Trước khi đi, tất cả các chiến sĩ trên tàu, chủ yếu chỉ là công binh, đều được quán triệt là không nổ súng trước, nhằm tránh việc Bắc Kinh vu vạ là Việt Nam nổ súng tấn công khiêu khích trước. Mặc dù như thế nhưng quân xâm lược dã man đã đổi trắng thay đen, vu cáo tàu vận tải Việt Nam tấn công tàu chiến của họ!!!

Khi tàu ta thả neo ở Gạc Ma và Cô Lin chiều 13-3, 3 tàu Trung Quốc bắt đầu di chuyển đội hình áp sát đảo. Bên ta dùng xuồng vận tải chở vật liệu xây dựng xuống đảo, đồng thời một nhóm chiến sĩ gồm Trung úy Trần Văn Phương và 4 đồng chí khác nhận lệnh vào đảo cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền.

Sáng sớm ngày 14-3, khi tổ cắm cờ và giữ cờ gồm 5 người, do Trung úy Trần Văn Phương chỉ huy, cùng với khoảng 20 chiến sĩ công binh đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ 4 tàu Trung Quốc chạy đến. Một tàu đậu ở xa, còn 3 tàu áp sát đảo, cách chừng 300m.

6h30 ngày 14-3, Trung Quốc thả xuồng máy chuyển khoảng 50 tên lính mang vũ khí lên Gạc Ma. Chúng bao vây theo thế vòng cung men theo bãi san hô, có chỗ, hai bên cách nhau chỉ chừng một mét. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Sau một hồi giằng co và uy hiếp tinh thần nhưng không uy hiếp được những chiến sĩ công binh chỉ có tay không và xà beng, cuốc xẻng, tên sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh cho binh lính, rồi chĩa thẳng vào bụng Trung úy Phương bóp cò.

Gac Ma-1988: Goi dung ten 'cuoc chien xam luoc cua Trung Quoc'

Pháo 37mm trên tàu chiến Trung Quốc bắn thẳng vào bộ đội công binh Việt Nam trên biển

Anh ngã xuống nhưng tay vẫn giữ chặt cán cờ tổ quốc và hô to hô: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.

Giữa vòng vây quân thù, binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay Trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ.

Liền sau đó, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo, nhưng không phá được vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc của lính Việt Nam (sau này được mệnh danh là “Vòng tròn bất tử”) nên chúng rút về tàu rồi dùng pháo, súng máy bắn thẳng vào lính công binh của ta.

Đồng thời, tàu Trung Quốc dùng tất cả các loại hỏa lực, bao gồm trọng liên 12,7mm, pháo 37mm cho tới pháo 76,2mmm, pháo 100mm, có cả dàn ống phóng rocket 12 nòng tấn công tàu HQ-604 và những người lính Việt Nam trên đảo Gạc Ma.

Sau đợt pháo kích, Hải quân Trung Quốc cho xuồng đổ bộ xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt khiến lính Trung Quốc phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Trung Quốc tiếp tục nã pháo từ xa, tàu 604 của Việt Nam không có pháo hạm nên không thể đánh trả, bị chúng bắn thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cùng một số thủy thủ đã hi sinh cùng tàu ở khu vực đá Gạc Ma.

Việt Nam cương quyết ngăn chặn Trung Quốc chiếm đá Cô Lin và Len Đao

Vào lúc 6h sáng ngày 14-3, tàu HQ-505 của Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đá Cô Lin, cách đá Gạc Ma khoảng 3,5 hải lý (5 km). Khi thấy tàu 604 của ta bị hỏa lực mạnh của địch bắn chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ đã ra lệnh nhổ neo cho tàu lao vào bãi.

Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang dùng tất cả các loại hỏa lực tiến công. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy. Thủy thủ tàu 505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá, đồng thời đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma.

Nhờ việc ủi bãi nên tàu HQ-505 không bị chìm, chiến sĩ của tàu HQ-505 đã hoàn thành nhiệm vụ giữ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Sau trận đánh, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vì thành tích trong chiến đấu ở đảo Cô Lin đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 1-1989.

Về phía tàu HQ-505, sau này Hải quân Việt Nam đã cố gắng đưa tàu HQ-505 về quân cảng Cam Ranh để sửa chữa, nhưng không thành. Tàu được thả cho chìm ở ngay gần đá Cô Lin.

Ở hướng đá Len Đao – cách Gạc Ma khoảng 12 km, vào lúc 8 giờ 20 phút ngày 14 tháng 3, tàu chiến Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam. HQ-605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15 tháng 3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Thượng úy Nguyễn Văn Chương và Trung úy Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu HQ-505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin).

Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến đá Cô Lin.

Tàu HQ-505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin, cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14-3-1988

Ngay trong ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra Tuyên bố lên án việc tàu chiến Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Trường Sa đã nổ súng tấn công tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn, vào sáng ngày 14-3-1988,

Việt Nam tuyên bố, các tàu vận tải không trang bị pháo của Việt Nam đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Đồng thời bác bỏ luận điệu vu cáo hết sức xằng bậy của Bắc Kinh là tàu vận tải của Việt Nam đã nổ súng trước, “khiêu khích” tàu chiến của Trung Quốc.

Sau trận chiến bảo vệ Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục có ý đồ dùng vũ lực chiếm đóng đảo Len Đao nhưng Việt Nam đã đáp trả bằng hành động mạnh mẽ khiến chúng buộc phải lui quân. Do đó, đảo Len Đao vẫn thuộc kiểm soát của Việt Nam đến ngày nay.

Tháng 4-1988, khi quân đội Việt Nam đang tiến hành xây dựng trên bãi đá Len Đao, với ý đồ lặp lại kịch bản Gạc Ma, Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp, hòng chiếm đoạt thêm bãi đá này nhưng đã vấp phải hành động cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

7 máy bay chiến đấu của Việt Nam lập tức cất cánh, hỗ trợ các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đánh dấu chủ quyền trên bãi đá. Tàu chiến của Trung Quốc hoảng sợ tản ra và không dám nổ súng, Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc xây dựng trên bãi đá Len Đao.

Trả cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma về đúng tính chất của nó

Nhiều tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc chiếm đóng Gạc Ma ngày 14-3-1988 là cuộc “Hải chiến Trường Sa” hay “Hải chiến Gạc Ma”. Tuy nhiên, đây là cách gọi hoàn toàn không chính xác, có thể làm sai lệch tính chất của sự kiện hải quân Trung Quốc chiếm đoạt đảo đá của Việt Nam bằng vũ lực, về bản chất là một hành động xâm lược có chủ ý.

Theo tài liệu giải mật của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), Trung Quốc đã chọn thời điểm dư luận thế giới đang tập trung vào giải pháp chính trị ở Campuchia; Liên Xô đang sa lầy ở Apganistan và muốn đang nối lại quan hệ với Trung Quốc nên không muốn đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Trước khi ra tay hành động, một phái đoàn ngoại giao Bắc Kinh đã đến các nước có liên quan đến biển Đông khẳng định “lập trường hòa bình” và tuyên bố Trung Quốc chỉ tranh chấp chủ quyền Trường Sa với Việt Nam, chứ không hề có tranh chấp đảo, đá với các nước khác!

Rõ ràng đây là âm mưu đã định, được sự chuẩn bị kỹ càng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, thể hiện âm mưu chiếm đoạt lãnh thổ của Việt Nam cả trên bộ và trên biển, do đó, cần phải gọi cuộc chiến này đúng với tính chất của nó là chiếm đoạt lãnh thổ của Việt Nam bằng biện pháp quân sự, thể hiện tính chất của một cuộc chiến tranh xâm lược.

Ngoài ra, khi đó lực lượng của Việt Nam trên các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma là công binh, không có vũ khí. Và các tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ trong khu vực là tàu vận tải, không trang bị pháo hạm, tên lửa như các tàu khu trục, tàu hộ vệ Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc có thể đứng từ xa nã đạn, còn tàu Việt Nam thì không thể tấn công tàu của chúng. Xét về khía cạnh này, việc Bắc Kinh rêu rao là tàu Việt Nam “chủ động gây hấn”, tấn công tàu chiến Trung Quốc là một sự dối trá trắng trợn.

Sau này, Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm và 266 viên đạn pháo 37mm, chưa kể các cỡ đạn nhỏ hơn. Phía Việt Nam chỉ có tàu vận tải nên không có pháo để bắn trả, chỉ có thể bắn trả bằng các loại vũ khí cá nhân như AK-47 và RPG-7.

Sự tàn ác của quân xâm lược trong trận đánh chiếm đá Gạc Ma đã thể hiện đến mức độ tột đỉnh của nó.

Gac Ma-1988: Goi dung ten 'cuoc chien xam luoc cua Trung Quoc'

Tàu HQ 931 đưa các thương binh và chiến sĩ trong trận Gạc Ma về đất liền.

Trước đó chúng đã nã đạn vào những người lính tay không trên đảo, sau đó, lính Trung Quốc còn bắn cả những thủy thủ của ta đang bơi ở trên biển, lại còn ngăn chặn những tàu của ta đến cứu những người đang bị thương trên biển. Sau khi tưởng rằng đã bắn chết hết chiến sĩ của ta, chúng còn nhảy múa ăn mừng, thể hiện sự dã man, tàn bạo vô cùng.

Trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma kết thúc, phía Trung Quốc chỉ có một người bị thương. Họ làm phim giáo dục con cháu về trận chiến xâm lược dã mam này.

Rõ ràng, sự áp đảo về lực lượng và sự chủ động tấn công của Trung Quốc nhằm chiếm đóng trái phép đá Gạc Ma không thể được gọi là “Hải chiến” mà phải gọi đúng tính chất của nó là hành động xâm lược dã man, thể hiện đúng bản chất tàn bạo của quân xâm lược phương Bắc từ ngàn năm nay.

Còn hành động dùng tay không đánh giặc, giữ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo của các chiến sĩ công binh trong chiến dịch CQ-88 cần phải được gọi đúng với tính chất của nó là hành động anh hùng, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, chống quân xâm lược Trung Quốc!

Lịch sử là một dòng chảy liên tục mang tính khách quan, kết nối ngày hôm qua với hôm nay. Sự thật lịch sử là cuộc đối thoại nghiêm khắc giữa hiện tại với quá khứ, và định hình con đường đi tới tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, sự thật lịch sử là điều cần phải được tôn trọng.

Cuộc chiến tranh xâm lược trên bộ năm 1979 và trên biển năm 1988 của Trung Quốc đối với Việt Nam đã lùi xa. Nhưng nó sẽ là một dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong ký ức và lương tri của loài người, của những ai đang phấn đấu cho công bằng và công lý.

Nhiều câu hỏi của ngày hôm nay có thể có câu trả lời từ những bài học lịch sử xương máu đã qua. Tư tưởng của con người có thể biến đổi theo thời gian, nhưng lịch sử là khách quan và không thể thay đổi.

RELATED ARTICLES

Tin mới