Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhân dân hai nước Việt-Trung đều không muốn có hận thù

Nhân dân hai nước Việt-Trung đều không muốn có hận thù

 PGS.TS Lương Gia Ban nhận định, cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 là sai lầm, nhưng không thuộc về nhân dân Trung Quốc.

PGS.TS Lương Gia Ban – Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (ĐH Phương Đông) chia sẻ, vấn đề biên giới lãnh thổ vô cùng phức tạp, nhưng nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông đã tạo dựng từ hàng nghìn đời nay.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về chính trị và đã từng là một người lính, ông suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979?

PGS.TS Lương Gia Ban: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 là một câu chuyện buồn.

Vào tháng 4/1979, Báo Quân đội nhân dân đưa tin, tổng số thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người; nhiều xe tăng, thiết giáp, xe quân sự và pháo, giàn hỏa tiễn bị phá hủy.

Cuộc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam dù không dài, nhưng cũng gây tổn hại lớn đến kinh tế của Trung Quốc. Chính Trung Quốc cũng đã tự nhận xét rằng, xâm lược Việt Nam không đạt được kết quả nào như công bố; không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam; không buộc được Việt Nam ngừng giúp đỡ nhân dân Campuchia…

Và trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, phía ta cũng tổn thất lớn. Hàng triệu người dân bị mất nhà cửa, thiệt hại về tài sản. Nhìn trên diện rộng, cuộc chiến này cũng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của nước ta lúc bấy giờ.

Sau này, hai bên dù thống nhất không nhắc lại sự kiện này, nhưng cứ đến ngày 17/2 hàng năm thì Trung Quốc lại có nhiều bài báo rêu rao rằng đó là cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam.

Lối tuyên truyền xuyên tạc ấy đã khiến cho nhiều người dân Trung Quốc hiểu lầm là bộ đội Việt Nam tấn công sang Trung Quốc và phía Trung Quốc tự vệ đánh trả.

Một câu chuyện buồn như vậy để lại cho chúng ta bài học gì, thưa ông?

PGS.TS Lương Gia Ban: Cuộc chiến năm đó, phía Trung Quốc không chỉ tổn thất về người về của, mà về mặt ngoại giao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngay tại thời điểm Trung Quốc đưa quân vào lãnh thổ Việt Nam thì hầu hết các nước phương Tây đều phản đối mạnh mẽ hành vi này (trừ Mỹ).

Khi đó, Liên Xô lên án mạnh mẽ Trung Quốc, yêu cầu dừng ngay cuộc chiến và rút toàn bộ quân ra khỏi Việt Nam. Thậm chí Liên Xô còn coi đó là hành động man rợ bất chấp đạo lý, hành động của kẻ cướp.

Chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, qua đây cũng để lại cho chúng ta bài học khi giúp nhân dân Campuchia đánh quân Khmer Đỏ (lúc ấy đang được Trung Quốc ủng hộ) thì đồng thời phải có sự chuẩn bị đối phó với những tình huống mà Trung Quốc có thể gây ra.

Thứ hai, qua cuộc chiến ấy, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ tổ quốc là hết sức quan trọng.

Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi bản làng, xí nghiệp, nông trường, hợp tác xã… là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh thành là một đơn vị chiến lược. Cả nước ta là một chiến trường rộng lớn đủ sức mạnh tiêu diệt địch.

Thứ ba, nâng cao sức mạnh quân đội, nhất là những binh đoàn chủ lực; phát huy sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chiến đấu tại chỗ của nhân dân.

Khai thác triệt để kinh nghiệm lịch sử về nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc, chủ động trong thời bình để sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Thứ tư, vấn đề hết sức quan trọng mà chúng ta luôn xác định rõ là những điều mà phía Trung Quốc gây ra cho Việt Nam không phải do ý muốn của nhân dân Trung Quốc mà chỉ là do nhà cầm quyền của nước này.

Bởi vì vậy, ngay cả khi buộc phải đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền thì đồng thời vẫn phải gìn giữ tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Chính những người dân Trung Quốc có hiểu biết, trân trọng sự thật sẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Vậy ông nghĩ gì khi chúng ta dự kiến đưa nội dung của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vào sách giáo khoa phổ thông?

PGS.TS Lương Gia Ban: Tôi ủng hộ quan điểm cần phải đưa nội dung cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và bảo vệ biên giới Tây Nam vào chương trình dạy học.

Qua đó, các thế hệ trẻ của Việt Nam nắm được thông tin chính thống, hiểu được những mất mát đau thương mà đất nước đã phải trải qua để gìn giữ độc lập, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.

Lịch sử hàng nghìn năm qua đã chứng minh rằng các thế lực phương Bắc thường có dã tâm chiếm bờ cõi của nước ta.

Chúng ta buộc phải vùng lên để giành lại chủ quyền, nhưng luôn giữ hòa hảo. Thế nhưng cho đến bây giờ ngay cả khi Trung Quốc nói với chúng ta về 4 tốt và 16 chữ vàng, nhưng họ không làm như vậy.

Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Bây giờ, họ xây dựng các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, rồi đưa cả vũ khí ra các đảo này, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.

Đối thoại về biên giới lãnh thổ là một câu chuyện rất khó khăn, nhạy cảm, cần có những bước đi thận trọng.

Anh em ruột thịt cũng có những lúc va chạm vì lòng tham, vì thiếu hiểu biết.

Vì vậy, tôi luôn mong rằng dù thế nào thì cũng phải cố gắng phát huy tình bạn, quan hệ làm ăn, tránh tối đa xung đột, tất nhiên là xuất phát từ thiện chí của cả hai phía.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy rằng, phải xây dựng một đường biên giới anh em, hữu nghị, đoàn kết. Tư tưởng của Bác rất hay là dù các nhà cầm quyền có phát động các cuộc chiến tranh, nhưng nhân dân hai nước vẫn là bạn. Muôn đời vẫn là bạn.

Đã có những bài học lịch, đó là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thì nhân dân Pháp – những người yêu chuộng hòa bình đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam rất nhiều.

Rồi tới cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Mỹ cũng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều. Họ ủng hộ chính nghĩa, phản đối những hành vi vô nhân đạo của đế quốc Mỹ lúc bấy giờ.

Tôi tin là nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình cũng sẽ như vậy. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều không muốn có hận thù.

Trân trọng cảm ơn ông!

RELATED ARTICLES

Tin mới