Trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp Việt không thể làm ra được một chiếc ô tô thì doanh nghiệp ô tô FDI sẽ được lợi.
FDI được lợi
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội vừa lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về sửa một số quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Nhiều ý kiến đã đề nghị tiếp tục sửa đổi các qui định về thuế TTĐB với ô tô.
Cụ thể, nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị cần phải giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đó, đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ và có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống có ý kiến đề nghị đến 1/1/2018 nên giảm về mức 30% (hiện ở mức 45%). Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giảm thuế suất xuống còn 25% nhằm vừa tạo điều kiện cho người dân có cơ hội sở hữu xe.
Bình luận về đề xuất này của các đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ quan điểm cá nhân rằng, nếu đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe nhỏ thành hiện thực sẽ có lợi cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bởi nó khuyến khích thị trường phát triển.
“Tuy nhiên, lợi cho doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì đó là vấn đề vẫn phải bàn. Trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực để sản xuất được ô tô, còn FDI đã đạt đến trình độ cao, nếu đòi hỏi cả doanh nghiệp nội địa và FDI đều được lợi thì điều đó là không thể. Do đó, trong trường hợp này, dĩ nhiên là doanh nghiệp FDI sẽ được lợi.
Tuy nhiên, ít ra Việt Nam có thể kỳ vọng rằng khi thị trường ô tô trong nước lớn lên, các doanh nghiệp ô tô FDI sẽ đầu tư để mở rộng và tăng cường công nghiệp phụ trợ. Đây là điều ngành ô tô Việt Nam vẫn hằng mong muốn”, GS.TS Nguyễn Khắc Trai lưu ý.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) thể hiện một quan điểm khác. Theo ông, tác động của việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ là làm giảm nguồn thu nhà nước, còn tác động đến doanh nghiệp ô tô trong nước là không đáng kể.
“Khi người dân có tiền thì dẫu ở mức thuế nào thì họ vẫn cứ mua, lượng người sử dụng ô tô sẽ nhiều lên nhưng nó sẽ không tác động đáng kể đến các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước. Bởi nói về ô tô nhỏ, Việt Nam không thể cạnh tranh được với các hãng sản xuất ô tô đã có tên tuổi trên thế giới và Việt Nam chỉ đóng vai là người lắp ráp cuối cùng mà thôi.
Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam không thể làm được ô tô con ngay mà phải là ô tô khách, xe tải… Nhà sản xuất phải tìm hiểu đặc điểm của Việt Nam, vận chuyển thế nào, sử dụng ra sao từ đó sản xuất ô tô mang đặc thù của Việt Nam thì mới sống được”, ông nói.
Dân có cơ hội sở hữu xe nhưng…
Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, xét về mặt lợi ích, một khi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ giảm mạnh, người dân sẽ được lợi vì có cơ hội để sở hữu một chiếc xe ô tô. Tuy nhiên, vấn đề môi trường, ùn tắc giao thông là bài toán cần phải giải quyết.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, thực tế giá ô tô Việt Nam đang quá cao so với các nước trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu là do các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…Việt Nam đang áp vào ô tô bị tăng cao một cách phi lý nhằm bù vào việc giảm thuế nhập khẩu.
Trong khi nhu cầu có ô tô của người dân ngày càng tăng thì quy hoạch giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn còn nhiều bất hợp lý, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang được đặt ra cấp bách.
Đứng trước những vấn đề đó, có nhiều đề xuất cho rằng cần hạn chế bớt ô tô để giảm ách tắc, giảm ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn phải đáp ứng nhu cầu đi lại chính đáng của người dân, khi kinh tế phát triển, việc đi lại cũng phải rẻ, phù hợp và tiện lợi, không thể cứ đắt đỏ, bất tiện như hiện nay.
“Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 9 chỗ cũng là hợp lý vì hiện mức thuế này đang quá cao. Nhưng nếu cứ cho người dân dân mua ô tô thoải mái với giá rẻ thì các vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường sẽ ra sao? Ai sẽ giải quyết? Đây là bài toán lớn mà Nhà nước vì dân phải giải”, ông Nam nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, ở các nước khác, việc mua xe có thể dễ dàng vì giá rẻ nhưng chi phí để lưu hành xe rất lớn, các biện pháp quản lý ô tô của họ rất sát với cuộc sống và theo từng khâu, từng đoạn. Trong khi đó Việt Nam chưa làm được điều này.
Ông dẫn chứng, cơ quan quản lý Việt Nam còn nghèo nàn về ý tưởng, công cụ quản lý, chủ yếu sử dụng công cụ thuế vừa dễ làm vừa dễ kiểm soát nhưng thực ra tác động lại không được như mong muốn. Rất nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô đã được đưa ra nhưng thực chất nó chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI vào lắp ráp ô tô ở Việt Nam, còn doanh nghiệp ô tô nội địa không được đáng kể. Những khó khăn khác của doanh nghiệp nội địa chưa được quan tâm đầy đủ, họ không được tạo điều kiện thuận lợi nên mãi không lớn lên được.