Myanmar vừa có tổng thống dân sự đầu tiên sau 56 năm. Nếu như trước đây, chính quyền quân sự tại Myanmar được cho là thân Trung Quốc thì nay chính quyền dân sự sẽ quan hệ thế nào với Bắc Kinh?
Ngày 15/3, quốc hội Myanmar đã bầu ứng cử viên Htin Kyaw của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi làm tổng thống.
Như vậy, ông Kyaw là Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960 đến nay.
Chính quyền quân sự trước đây ở Myanmar bị các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng lớn vì đã từ chối thừa nhận các kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Nhân dân Myanmar vào năm 1990. Những biện pháp cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu chống lại chính phủ quân sự, cộng với sự tẩy chay và những sức ép trực tiếp khác từ người dân ở các nước phương Tây ủng hộ phong trào dân chủ Myanmar, khiến đa số các công ty Mỹ và châu Âu phải rời khỏi nước này.
Trong suốt tần ấy năm trước khi tuyên bố chuyển đổi chính trị từ quân sự sang dân sự vào năm 2011, Myanmar chỉ còn biết “chơi” với rất ít quốc gia, trong đó Trung Quốc giữ vai trò chính.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11/2015, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ dự định sẽ xét lại một số dự án của Trung Quốc ở Myanmar, trong đó có dự án đập thủy điện gây nhiều tranh cãi. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn là đối là đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar và quan hệ rất tế nhị với Bắc Kinh sẽ là một trong những thách đố quan trọng đối với chính phủ mới của bà Suu Kyi.
Hiện giờ, cựu lãnh đạo đối lập và NLD chưa nói rõ về các chính sách của họ, nhưng ông Hantha Myint, người đứng đầu ủy ban kinh tế của đảng này, trả lời AFP hôm 9/3 tại Rangoon, cho biết là chính phủ mới sẽ xét lại dự án đập thủy điện trị gá hàng tỷ USD Myitsone ở bang Kachin, miền bắc Myanmar.
Nguyên là một kỹ sư, ông Hantha Myint nêu lên mối lo ngại là đập thủy điện này được xây ở khu vực có nguy cơ động đất. Nhưng ông cho rằng có thể tìm ra một giải pháp thỏa hiệp, tức là nếu chính phủ mới từ chối cho xây đập ở Myitsone, thì có thể xây đập khác ở thượng nguồn.
Vào năm 2011, trước những chỉ trích của công luận về tác hại của dự án này lên môi trường và các cộng đồng dân cư, Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh tạm dừng công trình xây đập Myitsone. Bây giờ, phía Trung Quốc đang trông chờ chính phủ mới sẽ cho khởi động trở lại công trình này.
Ngoài dự án đập thủy điện Mytisone, một thách đố khác cũng đang chờ đón chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi, đó là dự án mỏ đồng ở Letpadaung, miền trung Myanmar. Đây là dự án liên doanh giữa công ty Vạn Bảo của Trung Quốc với một công ty của quân đội Myanmar.
Mỏ đồng này đã trở thành một biểu tượng đấu tranh kể từ sau vụ đàn áp biểu tình năm 2012, khi lực lượng an ninh Myanmar dùng đạn có chứa chất phospore trắng, một chất cực kỳ độc hại, bắn vào những người dân địa phương phản đối dự án.
Vào giữa tháng trước, một phát ngôn viên của Vạn Bảo đã tuyên bố là, cho dù vẫn có người dân địa phương phản đối, công ty này sẽ bắt đầu khai thác đồng ở mỏ Letpadaung vào tháng 5/2015, sau khi NLD lên cầm quyền. Phát ngôn viên này tỏ ý hy vọng là chính phủ mới sẽ ủng hộ công ty của họ.
Sau vụ đàn áp biểu tình năm 2012 ở mỏ đồng Letpadaung, bà Aung San Suu Kyi, lúc đó là lãnh đạo nhóm nghị sĩ đối lập ở quốc hội, đã đứng đầu ủy ban điều tra về vụ này. Báo cáo kết quả điều tra đã bật đèn xanh cho mỏ đồng tiếp tục hoạt động, gây phẫn nộ cho người dân địa phương và các nhà hoạt động. Tuy vậy, báo cáo này cũng đưa ra một số đề nghị để giảm thiểu những tác hại của dự án mỏ đồng lên các cộng đồng dân cư.
Bên cạnh việc xét lại các dự án của Trung Quốc, chính phủ của bà Suu Kyi còn phải tìm cách xóa bỏ dần những ưu đãi mà các công ty của quân đội Myanmar vẫn được hưởng.
Nhưng cũng như đối với Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải rất khéo léo trong mối quan hệ với phe quân sự, mà trong suốt nhiều năm vẫn là đối tác trực tiếp của các công ty Trung Quốc. Quân đội hiện vẫn còn thế lực rất mạnh, nắm trong nhiều công ty và vẫn còn giữ một số quyền quan trọng trên chính trường Myanmar.