Khi ngang ngược làm đảo nhân tạo, biến chúng thành các căn cứ quân sự khổng lồ trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh đang áp dụng chính sách “luật kẻ mạnh”.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương phát biểu như vậy tại Canberra, khi tham dự một cuộc hội thảo an ninh hàng hải tại đại học An ninh Quốc gia Úc hôm qua 16/3.
Theo ông Swift, hành động làm đảng nhân tạo và xây dựng các cơ sở, căn cứ tại quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa của “cái nước” không được ông nêu đích danh là “những thí dụ chưa từng có về xây dựng và quân sự hóa một cách hung hăng” tại các khu vực đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia của khu vực.
Trung Quốc đã bị các nước trên thế giới đả kích kịch liệt về các hành động đó. Đô đốc Swift cảnh cáo trong cuộc hội thảo rằng bầu không khí bất ổn đã gây ra bởi hàng ngàn mẫu đã được bồi đắp thành đất với các doanh trại, cảng nước sâu, đường băng, radar, tên lửa phòng không và đồn trú nhiều phi đội chiến đấu cơ.
Chiến hạm của Mỹ đã hai lần đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ để xác định quyền tự do hải hành trên các vùng biển quốc tế và đồng thời còn đang tranh chấp chủ quyền. Công ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc là một thành viên ký cam kết, không công nhận các đảo nhân tạo được dùng làm chứng cớ để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông Swift, hành động của “nước lạ” còn vượt bên trên những quan tâm về quân sự mà cả về vấn đề luật pháp, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Theo ông, cái thái độ “lý lẽ kẻ mạnh” đang trở lại khu vực sau nhiều thập niên ổn định kế từ Thế chiến thứ hai đến nay.
Đô đốc Swift cùng nhiều viên chức quân sự và chính trị của Mỹ gần đây đưa ra các lời cảnh cáo sự liều lĩnh của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng có vẻ không thấy kết quả. Bắc Kinh vẫn đe dọa ngược trở lại bằng cách đặt các giàn tên lửa phòng không tối tân ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa. Một số radar quân sự tầm xa đang có dấu hiệu được đặt tại một số đảo nhân tạo tại Trường Sa. Không loại trừ việc đặt các giàn tên lửa phòng không, các máy bay chiến đấu, tàu ngầm và chiến hạm hàng đầu của Bắc Kinh cũng được mang tới đó.
Khi bị Mỹ đả kích, Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị vẫn nói cứng là “không cho phép” bất cứ nước nào xâm phạm đến “chủ quyền lãnh thổ của họ”, dù là lãnh thổ mới ăn cướp của Việt Nam những năm sau này. Tuy nhiên, khi đến tham dự một hội nghị về an ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại xuống giọng nói rằng “không có sự khác biệt giữa việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ với “Khát vọng hòa bình ở khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Ông ta nói rằng Trung Quốc cảm thấy “thoải mái” với sự hiện diện của Mỹ ở khu vực dù thuộc cấp của ông, Vương Nghị, nói khác, mới tuần trước.
Trung Quốc “có thể hợp tác” với các nước khác như Mỹ, Úc tại khu vực châu Á Thái Bình Dương và “giải quyết tốt các khác biệt”- Lý Khắc Cường nói.
Tuần trước, tướng Michael Hayden, cựu Tổng giám đốc Cục An Ninh Quốc Gia (NSA) Mỹ cảnh cáo rằng “không đối phó đúng cách với sự trỗi dậy (tham vọng nuốt trọn Biển Đông) sẽ là thảm họa”. Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh cáo Trung Quốc sẽ phải nhận lãnh hậu quả do các hành động quan sự hóa Biển Đông.
Tư lệnh Swift còn cảnh báo chính quyền Mỹ về những hệ quả nghiêm trọng nếu để mất quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế tại Biển Đông đang bị Trung Quốc cho là của mình.