Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga đã lập trật tự thế giới mới từ đột phá Syria

Nga đã lập trật tự thế giới mới từ đột phá Syria

Nga đang dần thiết lập trật tự thế giới mới từ đột phá Trung Đông thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước.

Tiếp tục khai thác Jordan

Ngày 14/3, tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu,Tổng thống Putin đã quyết định rút bớt quân khỏi Syria.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga có thể khiến nhiều quốc gia bất ngờ. Tuy nhiên, Jordan có thể đã biết về việc Moskva sẽ rút bớt lực lượng quân sự khỏi Syria nửa tháng trước khi điện Kremlin chính thức đưa ra tuyên bố về vấn đề này.

Kế hoạch này dường như đã được chính quyền tổng thống Putin thông báo cho Amman vào ngày 28/2 vừa qua, trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Jordan Mashaal Mohammad Al Zaben đến thăm Nga.

Theo các thông tin do tạp chí Defence News có được, tham gia vào cuộc hội đàm về “các vấn đề an ninh cấp bách của khu vực Trung Đông” giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu với Bộ trưởng Quốc phòng Jordan Mashaal Mohammad Al Zaben còn có cả Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd Jassem al-Freij.

Theo các chuyên gia phân tích, Jordan có thể trở thành bên trung gian tích cực để hòa giải các bất đồng giữa Nga với Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu liên minh các quốc gia vùng Vịnh Persic và cũng là quốc gia chỉ trích mạnh mẽ nhất chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Có thể, khi thông báo cho Jordan về kế hoạch rút quân của mình, Moskva muốn phát đi tín hiệu cho El-Riyadh thấy rằng Nga hoàn toàn không muốn thách thức và tranh giành ảnh hưởng với Saudi Arabia.

Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, Nga đã tạo nên cơn địa chấn Trung Đông khi cùng chính quyền Amman thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Jordan, phụ trách chiến trường miền nam Syria.

Thực tế, từ trước tới giờ, Jordan được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, rõ nhất là việc Quốc vương Abdullah đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Amman, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), coi đây là một cách đứng về phía Mỹ, Saudi Arabia và Israel.

Việc Jordan thay đổi chiến lược, đồng hành cùng Moskva được xem như tạo ra một cuộc chơi mới về hoạch định chính sách, chia sẻ thông tin tình báo trên chiến trường Syria.

Nga đang lập trật tự thế giới mới từ đột phá Trung Đông?

Giới phân tích cho rằng với những thay đổi tích cực trong quan hệ với các nước tại Trung Đông, Nga đang dần chiếm ảnh hưởng và tạo lập trật tự thế giới mới tại đây.

Ngày 8/3/2016, trong lần trao đổi với tờ Die Presse, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Aleksey Pushkov khẳng định, Moskva không thấy có lý do phải đứng ngoài cuộc, nếu như Mỹ, nước trong suốt 20 năm qua tuy đã chiếm độc quyền trong việc giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, nhưng đã không hoàn thành được một nhiệm vụ nào, chiếm đóng Iraq và hủy hoại toàn bộ khu vực (Trung Đông).

“Trật tự ở Syria bị những nước khác phá vỡ (chứ không phải Nga-ND). Mỹ muốn lật đổ Assad. Năm 2012. Khi Tổng thống Mỹ B.Obama hiểu ra rằng cuộc đảo chính mà ông ta chuẩn bị để chống Assad sẽ không thành công, ông ấy cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan chống Tổng thống Syria. Chúng tôi can thiệp vào Syria khi mọi thứ đã trở nên rõ ràng là giải pháp quân sự mà Mỹ ưu tiên sẽ không có hiệu quả. Syria cần một giải pháp chính trị”, ông Pushkov tuyên bố.

Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, chuyên gia phân tích chính trị Maksim Sukhov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga trong bài báo viết cho tờ The National Interest đã đưa ra nhận định Mục đích chính khi Nga hành động ở Syria không chỉ giải quyết nhiệm vụ chiến lược cấp khu vực mà còn là nhằm lập lại trật tự thế giới mới.

Nga da lap trat tu the gioi moi tu dot pha Syria
Trật tự thế giới mới do Nga lập nên đang khiến Mỹ và NATO hết sức lo ngại

Theo bài báo trên, trong năm 2015, chiến dịch không kích IS ở Syria đã giúp Nga giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng chiến lược.

Nhiệm vụ thứ nhất, Nga đã không còn tiếp tục coi là “bị cô lập” vì hiện nay, hầu hết các cường quốc và các quốc gia khác có lợi ích đều muốn hợp tác với Nga.

Thứ hai, Nga đã khiến các cường quốc châu Âu và cả Mỹ phải thay đổi quan điểm của mình đối với việc giải quyết số phận chính trị của Tổng thống Syria al-Assad.

Nếu xét vào mối quan hệ giữa Nga với các nước Trung Đông có thể thấy rõ ràng rằng, Nga đang dần tạo nên một trật tự thế giới mới, biến những nước thù hằn thành đối tác.

au khi bắt tay Jordan, Nga tiếp tục đẩy hợp tác với Israel vốn là một đồng minh thân cận của Mỹ.

Ngày 25/2, truyền thông Israel dẫn nguồn tin chính phủ cho hay, Tổng thống Reuven Rivlin đã quyết định hủy chuyến công du chính thức đến Australia vốn dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 13-22/3 và thay vào đó sẽ tới thủ đô Moskva vào thời gian đó để gặp Tổng thống Nga Putin.

Thủ tướng Netanyahu đã nói với Tổng thống Rivlin rằng xét trên góc độ ngoại giao, thì cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga quan trọng hơn vào thời điểm hiện tại.

Động thái này của Israel chứng tỏ, họ biết rõ vai trò cũng như những lợi ích sẽ đạt được khi bắt tay với điện Kremlin trong cuộc nội chiến kéo dài tại Damascus.

Trước đó, Nga cũng đã khiến các nước khác ở Trung Đông như Syria, Iraq thay đổi cách nhìn, dần rời xa Mỹ và hướng về phía mình. Trong khi Damascus đã để Moskva vào không kích IS từ trong lãnh thổ thì Tehran cũng nhiều lần bỏ qua yêu cầu của Mỹ để nhờ cậy Nga đưa quân vào không kích IS.

Những trật tự mới mà điện Kremlin đang dần thiết lập đã khiến Washington vô cùng lo ngại.

Ngày 8/3, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Tướng Lloyd Austin -Tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ bày tỏ quan ngại về việc hợp tác giữa Nga và Iran dường như đang có xu hướng bành trướng vượt quá giới hạn điều phối trong các chiến dịch quân sự ở Syria.

Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của điện Kremlin tại khu vực này, tướng Lloyd Austin, đã đề nghị được phép khôi phục nỗ lực huấn luyện các tay súng đối lập Syria để chống lại phiến quân IS.

Trong khi đó, Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg cũng cáo buộc Nga chia rẽ khối đồng minh.

“Mọi nỗ lực của Moskva nhằm dọa dẫm các nước láng giềng và chia rẽ NATO, khối đồng minh sẽ đáp trả bằng việc củng cố sự đoàn kết và thích ứng với những diễn biến quân sự mới”, ông Jens Stoltenberg khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới