Một trong những vấn đề quan trọng đối với tân chính quyền Myanmar là làm sao xử lý các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Ngày 15/3, ông Htin Kyaw, ứng viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar, đã được Quốc hội Liên bang bầu làm Tổng thống Myanmar.
Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua, Myanmar có một tổng thống và một chính phủ không xuất thân từ quân đội và được bầu chọn một cách dân chủ.
Những vấn đề tiêu điểm đang được cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay là Chính phủ mới của Myanmar sẽ thi hành chính sách đối ngoại như thế nào.
Hãng tin Singapore Chanel News Asia nhận định một trong những vấn đề quan trọng đối với tân chính quyền Myanmar là làm sao xử lý các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, vốn bị cư dân địa phương phản đối. Điển hình là công trình thủy điện Myitsone ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar.
Vào năm 2011, công trình này đã bị đình chỉ do sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương.
Đập Myitsone không phải công trình duy nhất của Trung Quốc bị người dân Myanmar phản đối.
Hai dự án khác cũng bị dân chúng phản đối dữ dội là các mỏ đồng Letpadaung và tuyến đường sắt Myanmar-Vân Nam, nối liền bờ biển phía Tây của Myanmar với miền Nam Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều người Myanmar cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh vơ vét đất đai, gỗ và khoáng sản trên đất nước họ, bất chấp những thiệt hại gây ra cho cộng đồng địa phương.
Ví dụ, năm 2008, Myanmar trao thầu cho Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt khiến hàng nghìn dân làng phải di dời chỗ ở, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Hay như dự án cảng nước sâu Kyaukphyu và một đặc khu kinh tế đi kèm với nó. Nhà kinh tế học D. Dapice ở Trung tâm Ash của Đại học Harvard, từng tuyên bố thẳng: “Với tôi, đây là một vụ Trung Quốc chiếm đất chứ không phải là một vụ đầu tư thương mại. Các vùng kỹ nghệ thì gần các trung tâm dân cư chứ không ở giữa vùng đồng không mông quạnh thế này”.
Bắc Kinh được cho là đang muốn tranh thủ cơ hội thay đổi chính quyền tại Myanmar để thúc đẩy trở lại các đề án bị đình chỉ và ký kết thêm hợp đồng mới. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tân chính quyền Myanmar sẽ không thể không thận trọng, đặc biệt là đối với các đề án do Trung Quốc tiến hành và đã bị tai tiếng.
Trước đó, đại diện xã hội dân sự tại Myanmar đang rất hy vọng là chính quyền mới minh bạch hơn và không quỵ lụy người láng giềng khổng lồ.
Ông Khon Ja, điều phối viện mạng lưới Peace Kachin cho rằng Myanmar đã ký các hiệp định đầu tư song phương với khá nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, cũng như với Liên hiệp châu Âu. Trong bối cảnh đó, chính quyền phải chứng tỏ là mình phải bảo vệ lợi ích của dân chúng trong nước, chứ không phải là bảo vệ ngoại bang.
Theo thống kê, thương mại với Trung Quốc chiếm 1/3 tổng kim ngạch ngoại thương của Myanmar, đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar cũng chiếm 1/3 đầu tư nước ngoài tại Myanmar.
Ngoài ra, Myanmar lại có chung biên giới với Trung Quốc, do vậy, chính quyền sẽ phải khéo léo xử lý quan hệ song phương với láng giềng này, sao cho không làm dân chúng của mình thất vọng.