Cựu ngoại trưởng Nga Igor Ivanov hôm qua cảnh báo tình trạng đối đầu Đông – Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu cao hơn bao giờ hết kể từ thập niên 1980.
“Nguy cơ bùng phát các cuộc đối đầu sử dụng vũ khí hạt nhân ở châu Âu đang cao hơn so với những năm 1980”, ông Ivanov, người giữ cương vị ngoại trưởng Nga từ năm 1998 đến 2004, hiện là lãnh đạo một viện chính sách do chính phủ Nga thành lập, trụ sở ở Moscow, đánh giá.
“Chúng ta hiện có ít đầu đạn hạt nhân hơn nhưng khả năng phải sử dụng đến chúng lại ngày càng gia tăng”, ông Ivanov cho biết tại một sự kiện ở Brussels, Bỉ, với sự tham gia của ngoại trưởng các nước Ukraine và Ba Lan cùng một nghị sĩ Mỹ.
Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Moscow và Washington đã cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình song tiến trình này có dấu hiệu chững lại. Tính đến tháng một năm ngoái, mỗi nước sở hữu hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân, chiếm 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới.
Ông Ivanov cho rằng chính lá chắn phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai ở châu Âu là nguyên do khiến nguy cơ xung đột tăng cao. Hệ thống lá chắn này bao gồm cả một khu vực ở Ba Lan sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã phản bác ý kiến trên, nhấn mạnh lá chắn của NATO được thiết kế để bảo vệ châu Âu trước hiểm họa từ tên lửa đạn đạo Iran và không nhắm mục tiêu vào Nga, cũng như không có khả năng bắn rơi tên lửa Nga.