Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhi cả thế giới lao vào "cứu" kinh tế Trung Quốc, Việt...

Khi cả thế giới lao vào “cứu” kinh tế Trung Quốc, Việt Nam nên tương kế tựu kế

Khai thác những cơ hội được tạo ra bởi kinh tế Trung Quốc vừa làm lợi cho người dân, cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa làm giảm tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực.

Ngày 18/2 BBC đưa tin, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần có những hành động khẩn cấp cần thiết để ngăn đà suy giảm tăng trưởng toàn cầu.Theo OECD, sự tăng trưởng của kinh tế thế giới đang chậm lại. Năm 2015 giới chuyên gia dự báo năm 2016 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3%, nhưng bây giờ hạ mức dự báo xuống còn 3%.

OECD cho rằng, yếu tố chính gây nên sự suy thoái toàn cầu là do tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm từ mức trên 7% xuống dưới 7% như hiện nay.

Tổ chức này tin là đã hết hy vọng tránh được sự đau đớn đó, thậm chí nó còn nặng nề hơn khi kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ có mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Trước đó Oxford Economics thuộc Đại học Oxford Vương quốc Anh đã phân tích, việc các hoạt động phân phối hàng hóa thương mại của Trung Quốc chậm lại ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Sự tụt dốc của nền kinh tế Trung Quốc đã đặt gánh nặng lên vai các đối tác thương mại. Thậm chí, khi Bắc Kinh “hắt hơi thì cả thế giới có thể sẽ bị cảm lạnh”.

Với phân tích trên của Oxford Economics có thể thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sau một khoảng thời gian dài phát triển phi mã của nó.

Các đối tác thương mại của Trung Quốc, các quốc gia xuất khẩu hàng hóa và cả các nền kinh tế phát triển cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự co lại của kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại là hàng hóa Nhật Bản có thể lại ùn ứ. Ảnh: CNN.

Còn theo nhận định của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại có ảnh hưởng bởi sự phục hồi chậm chạp của các đối tác thương mại của Trung Quốc trên thế giới.

Như vậy, sự tác động qua lại giữa kinh tế Trung Quốc và phần còn lại của kinh tế thế giới là một sự cộng hưởng. Do đó sự cộng sinh giữa các nền kinh tế với kinh tế Trung Quốc là một yêu cầu tất yếu.

Trung Quốc khiến cả thế giới lao vào “ứng cứu”, dù đang rất mạnh

Theo thông tin trên useconomy.about.com ngày 15/3/2016 cho thấy, nếu dựa trên sức mua của đồng tiền thì kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới với tổng giá trị sản phẩm quốc gia là 19,5 nghìn tỷ USD trong năm 2015.

Liên minh châu Âu đứng thứ hai với 19,1 nghìn tỷ USD và Hoa Kỳ rơi xuống vị trí thứ ba với 17,9 nghìn tỷ USD.

Theo đó, Trung Quốc là định chế kinh tế tài chính nước ngoài sở hữu lớn nhất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Tính đến tháng 12/2015, Trung Quốc sở hữu 1,246 nhìn tỷ USD trái phiếu kho bạc của Mỹ.

Trung Quốc mua nợ của Mỹ để hỗ trợ giá trị của đồng đô la. Vai trò của Trung Quốc được xem như là ngân hàng lớn nhất của Mỹ, cung cấp cho nó đòn bẩy để kích thích phát triển.

Cũng nên lưu ý rằng, kinh tế Trung Quốc chiếm 11% GDP toàn cầu và 10% các giao dịch thương mại thế giới. Kinh tế Trung Quốc tiêu thụ 12% tổng lượng sử dụng dầu khí toàn thế giới và khoảng từ 40 đến 70%  đối với các mặt hàng thiết yếu khác.

Trung Quốc có hệ thống tài chính khổng lồ cùng lượng cung tiền tệ chiếm tới 20% của cả thế giới, vượt qua cả Mỹ.

Trung Quốc là nước nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Trong năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu 1,6 nghìn tỷ $. Mỹ nhập khẩu 2,4 nghìn tỷ $. Trong niên hạn 2014/2015, Trung Quốc tiêu thụ:

Nhôm 54%, Nickel 50%, Đồng 48%, Kẽm 46%, Thiếc 46%, Thép 45%, Chì 40%, Cotton 31%, Gạo 30%, Vàng 23%, Ngô 22% và Lúa mì 17%, theo useconomy.about.com.

Qua biểu đồ này cho thấy có quá nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng bởi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Nguồn: Oxford Economics.

Như vậy, ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới là rất lớn. Ngoài ra, các đối tác thương mại với Trung Quốc còn bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào kinh tế Trung Quốc.

Khi kinh tế Trung Quốc giảm đà tăng trưởng thì không những xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc bị thiệt hại trực tiếp vì kim ngạch giảm, mà xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản cũng sụt giảm vì kinh tế Nhật Bản điêu đứng vì ảnh hưởng bởi khó khăn của kinh tế Trung Quốc.

Với một thị trường rộng lớn và một nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy, các quốc gia trên thế giới sẽ bị thiệt hại rất lớn nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái.

Hàng loạt những thực thể kinh tế trên thế giới, những định chế tài chính trên thế giới sẽ chao đảo nều kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Đặc biệt hàng trăm triệu người lao động trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống nếu kinh tế Trung Quốc không đảo chiều.

Do vậy, ngoài chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc nhằm giải quyết khó khăn của nền kinh tế nước này thời hậu tái cơ cấu, thì việc tạo ra những công cụ tài chính  – kinh tế nhằm giúp cho kinh tế Trung Quốc ổn định và tăng trưởng cũng sẽ là những điểm ưu tiên quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại của Chính phủ các quốc gia có quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Như thế là, những công cụ kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh vô hình chung có sự cộng hưởng từ chính sách kinh tế của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Điều ấy sẽ tạo ra hiệu ứng kép và giúp cho người Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều.

Với một vị thế đặc biệt như vậy, Chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ khai thác tối đa những lợi thế có được nhờ vị thế đó, để nâng cao vai trò của Bắc Kinh ngày một lớn hơn đối với sự vận hành của kinh tế thế giới, từ đó thực hiện ngày càng rốt ráo hơn ý đồ toàn cục của họ vì một “giấc mơ Trung Hoa” bá chủ toàn cầu.

Tóm lại, nếu như trườc đây Trung Quốc cố gắng để trở thành “trung tâm” của kinh tế thế giới mà vẫn chưa đạt được thì nay Trung Quốc lại được cả thế giới chung tay tạo cho họ có được cái vị thế ấy.

Kinh tế Trung Quốc yếu đi thì cả thế giới sẽ phải tập trung giúp cho nó mạnh lên vì điều đó sẽ đảm bảo sức mạnh cho nền kinh tế toàn cầu. 

Gia công chế biến vừa giúp kích cầu nội địa vừa tiếp tục tái cơ cấu và giữ vững xuất khẩu

Người viết cho rằng, dù mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc là giảm phát triển quá nóng, hướng vào phát triển chiều sâu, tuy nhiên mục đích của nó thực chất là thay đổi vị thế của kinh tế Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. 

Trước đây khi cơ cấu kinh tế của Trung Quốc hướng mạnh vào đầu tư, nên Chính phủ Trung Quốc phải có nhiều chính sách cởi mở, ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài. Không ít thì nhiều, Trung Quốc phải chấp nhận chịu thiệt thòi để có được nguồn lực từ nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, khi nhận diện sự nguy hại của phát triển nóng, cùng với đó là ảnh hưởng ngày càng manh tính quyết định của kinh tế Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu, chắc chắn Bắc Kinh đã nghĩ tới việc làm sao để kinh tế thế giới phải hướng vào Trung Quốc một cách tất yếu, chứ không cần phải kêu gọi hay ưu đãi để giảm thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc.

Và kích thích tiêu dùng nội địa – một trong những ưu tiên trong chính sách tái cơ cấu nền kinh tế – là một trong những công cụ tạo ra sức hút ấy từ Trung Quốc.

Nhưng “Trung Quốc vẫn là một nước tương đối nghèo về mức sống. GDP tính theo sức mua của đồng tiền chỉ là 14.300 USD/người, so với GDP tính theo sức mua của đồng tiền bình quân đầu người của Hoa Kỳ 56.300 USD”, theo useconomy.about.com.

Tái cơ cấu kinh tế lại tạo ra mâu thuẫn khi kích cầu nội địa nhưng lại giảm ưu tiên sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, qua đó đó khiến cho thu nhập lao động xã hội giảm đi.

Vậy là bài toán tài chính cho chính sách kích cầu của Chính phủ Trung Quốc được đặt ra, mục tiêu nâng cao mức sống, chất lượng sống cho người dân Trung Quốc là một dấu hỏi.

Theo thông tin từ useconomy.about.com, đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện việc sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, ở những công đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất.

Nguyên liệu dạng bán thành phẩm được vận chuyển đến Trung Quốc, công nhân những nhà máy của Trung Quốc hoàn tất công đoạn cuối cùng và xuất khẩu.

Khi hàng hóa được xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì được xem là xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nhưng thực tế bản chất chúng lại là hàng hóa của các nhiều quốc gia khác, trong đó có cả hàng hóa của các doanh nghiệp của Mỹ xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ.

Nghĩa là giá trị gia tăng của sản phẩm mới là “giá trị Trung Quốc” trong cấu thành giá trị sản phẩm. 

Thực ra đây là bài học thành công của Singapore.

“Singapore được xem là trung tâm xuất nhập khẩu hoạt động theo phương thức mua sản phẩm thô, tinh luyện và xuất khẩu trở lại.

Có thể nói Singapore dựa hoàn toàn vào nền kinh tế mở bằng việc mua các hàng hóa chưa gia công và chế biến chúng thành thành phẩm để xuất khẩu”, theo CIA.gov.

Theo người viết, chắc chắn Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu kiểu này vì đây là một trong những hoạt động nửa sản xuất – nửa thương mại nhưng mang lại tỷ suất lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó nó còn là kênh giải quyết việc làm tôt nhất cho lực lượng lao động dôi dư do tái cơ cấu kinh tế nhưng không đủ điều kiện ra nước ngoài làm việc. Như vậy là bài toán tài chính cho kích cầu đã có lời giải.

Bài học Singapore – giàu lên nhờ thúc đẩy hoạt động thương mại thuần túy

Có thể thấy rằng, sức hút từ kinh tế Trung Quốc là sự cộng hưởng bởi chính sách kinh tế vĩ mô của Bắc Kinh và những chính sách kinh tế của nhiều thực thể kinh tế khác trên toàn cầu, nó khiến cho kinh tế Trung Quốc như được đóng dấu bảo đảm của phần còn lại của kinh tế thế giới.

Trung Quốc dù bị ghét ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng không quốc gia nào muốn cắt đứt quan hệ làm ăn với Bắc Kinh.

Hiện nay, Trung Quốc đã là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới kể từ năm 2013. Năm 2015, tổng giá trị kim ngạch của Trung Quốc là khẩu 2,7 nghìn tỷ USD, EU xuất khẩu 2,25 nghìn tỷ USD, còn xuất khẩu của Hoa Kỳ chỉ đạt 1,6 nghìn tỷ USD.

Đặc biệt, 16,9% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc là sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2014, còn năm 2015, thặng dư thơng mại của Trung Quốc với Mỹ lên tới 365 tỷ USD. 

Trung Quốc gia tăng thương mại với Hồng Kông (15,5%), Nhật Bản (6,4%) và Hàn Quốc (4,3%).

Trung Quốc khuyến khích tăng cường hoạt động thương mại với các quốc gia châu Phi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi để đổi lấy những lợi ích kinh tế khác. Trung Quốc gia tăng các hiệp định thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và với nhiều nước châu Mỹ Latin, theo useconomy.about.com.

Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu đã tạo ra vị thế đặc biệt cho Trung Quốc và mang lại nhiều nguồn lợi cho nền kinh tế quốc gia này. Tuy nhiên, khi tái cơ cấu thì giá trị sản xuất công nghiệp sẽ sụt giảm, giá trị kinh tế trong hoạt động gia công – chế biến không bù đắp được sự sụt giảm ấy.

Đặc biệt sự sụt giảm giá trị sản xuất công nghiệp có thể sẽ khiến cho Trung Quốc mật đi vị thế của nó trong hoạt động xuất khẩu mà bao năm phát triển nóng mới có được.

Singapore – quốc gia khai thác tốt nhất lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Study.link.org.

Đây là mâu thuẫn thứ hai của chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Và đương nhiên sẽ phải tìm giải pháp để giải quyết mâu thuẫn ấy để vừa phát triển chiều sâu nhưng vừa giữ được vị thế và vai trò của nó là một nền kinh tế có quy mô lớn nhất nhì thế giới.

Bởi lẽ, nếu để mất vị thế ấy cũng đồng nghĩa Trung Quốc sẽ mất đi lợi thế so sánh đã tạo nên sức hút của kinh tế Trung Quốc với kinh tế toàn cầu mà qua đó mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Trung Quốc.

Để giải quyết điều này, Trung Quốc nhìn thấy bài học từ sự thần kỳ của kinh tế Singapore được tạo nên bởi hoạt động thương mại thuần túy – mua đi bán lại.

Trung Quốc chắn chắn sẽ vận dụng mô hình ấy bởi một trong những điểm trọng tâm trong chính sách tái cơ cấu đã xác định giá trị kinh tế thương mại, kinh tế dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GDP.

Theo tài liệu của CIA.gov, trong cơ cấu kinh tế của Singapore năm 2014, giá trị của kinh tế dịch vụ là khoảng 222,1 tỷ USD, chiếm tới 75%, giá trị kinh tế công nghiệp là khoảng 74 tỷ USD, chiếm chì 25%, nông nghiệp là 0%.

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Singapore là khoảng 332,64 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là khoảng 297.29 tỷ USD. 

Như vậy, cả kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Singapore đều vượt quy mô giá trị GDP của đảo quốc này. Và ngày nay ai cũng biết Singapore đã hóa rồng mà kết quả trong hoạt động kinh tế thương mại và dịch vụ đóng vai trò quyết định.

Có lẽ sau bao năm mệt mỏi vì phát triển nóng, Bắc Kinh đã nhận thấy việc khai thác vị thế của Trung Quốc trong xuất khẩu nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại thuần túy – mua đi bán lại là hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững.   

Năm 2014 tổng giá trị GDP của Trung Quốc là khoảng 10.360 tỷ USD mà xuất khẩu chỉ khoảng 2.700 tỷ USD và tỷ trọng kinh tế dịch vụ trong cơ cấu GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 48,2%, theo CIA.gov.

Vì vậy theo người viết, chắc chắn trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động thương mại và dịch vụ bởi tỷ suất lợi nhuận cao nhờ vòng vốn quay nhanh và giảm được vốn đầu tư cho sản xuất.
 
Việt Nam khai thác được gì từ chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Trung Quốc?

Trung Quốc đã từng có những hành động thái quá trong việc gây tác động lên kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tạo hàng rào mậu dịch và những cơ chế vận hành đặc thù.

Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng đã mang lại lợi ích sống còn cho nhiều nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới.

Vấn đề lợi hay hại, lợi nhiều hay lợi ít, thiệt nhiều hay thiệt ít là do khả năng khai thác của các từng định chế kinh tế đối với kinh tế Trung Quốc mà thôi. Đều đó có thể được xem là lực đẩy bật ra từ sức hút của kinh tế Trung Quốc.

Hàng hóa Việt Nam có thể vào thị trường Nhật Bản qua doanh nghiệp Trung Quốc để hưởng lợi thế so sánh của Trung Quốc. Ảnh: isempai.jp.

Theo người viết, kinh tế Việt Nam nói riêng – và phần còn lại của nền kinh tế thế giới nói chung – sẽ khai thác được những tích cực của kinh tế Trung Quốc qua hai vấn đề.

Thứ nhất là chắt lọc và vận dụng những nguyên tắc, cơ chế tạo hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất và hợp tác đấu tư. Thứ hai là khai thác lợi thế của Trung Quốc có được nhờ vị thế của nó trong nền kinh tế thế giới.

Trung Quốc thực hiện việc đảo ngược quy trình kinh tế trong quan hệ hợp tác – kinh doanh gây thiệt hại cho nhiều thực thể kinh tế, Trung Quốc thực hiện nguyên tắc tạo hiệu quả kép (mà người viết tạm gọi là nguyên tắc “tăm xỉa răng”) trong đầu tư – sản xuất trong nước đã kiếm lợi rất nhiều từ các thực thể kinh tế khác.

Điều đó làm cho gia tăng cảm xúc ghét Trung Quốc trong dư luận ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nhạy bén trong định vị thương hiệu và phân khúc thị trường thông qua việc chiếm lĩnh hàng giá rẻ toàn cầu là một trong những thành công không thể phụ nhận của người Trung Quốc trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ngay cả việc đảo ngược quy trình kinh tế và nguyên tắc tạo hiệu quả kép trong đầu tư cũng là những sáng tạo mang lại hiệu quả rất lớn cho người Trung Quốc. 

Những bài học ấy rất có giá trị cho Việt Nam và không phải người Việt Nam không thể vận dụng để mang lại hiệu quả trong sản xuất – kinh doanh và hợp tác – kinh doanh, mà trước hết là với các đối tác Trung Quốc, kiềm chế tối đa kiểu “khống chế đối phương, hạ gục đối tác của họ”.

Trung Quốc đã khai thác lợi thế của nhiều nước – trong đó đặc biệt là Việt Nam – để làm lợi cho mình thông qua việc mượn xuất xứ như hành động “ném đá giấu tay” trong hoạt động thương mại.

Khi tái cơ cấu kinh tế, nhịp độ sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm, nhưng hoạt động xuất khẩu của nó sẽ không giảm, bởi lợi thế của nó cũng là cách kiếm tiền của người Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách kích cầu.

Vì vậy, khai thác lợi thế trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc để hướng tới một thị trường khác là một trong những cách khai thác lực đẩy bật ra từ sức hút của kinh tế Trung Quốc để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.

Điều đó cũng là một cách ngăn chặn làn sóng người lao động Trung Quốc ra nước ngoài tìm việc và chiếm mất việc của người lao động tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam.

Thành công của công ty TH.T tại Nhà Trang, Khánh Hòa trong việc cung cấp mặt hàng ghế lười (ghế dây, ghế bố) bằng gỗ trắc là một ví dụ cụ thể trong việc khai thác lợi thế của Trung Quốc. TH.T xuất các chi tiết bằng gỗ (nan, tay vịn, thanh tựa) sang Trung Quốc.

Doanh nghiệp Trung Quốc bổ sung các chi tiết khác (dây dù, vít, bao bì) và xuất sang nước khác, trong đó có Nhật Bản. Thế là hàng ghế lười Việt Nam có mặt trên thị trường Nhật mà doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều khả năng trực tiếp đưa vào thị trường khó tính này.

Người viết cho rằng, với một nền kinh tế còn nhiều khiếm khuyết, Việt Nam chưa thể khai thác ngay lợi ích từ TPP khi nó vận hành, vì vậy việc “nắm thắt lưng” Trung Quốc, khai thác lợi thế của nó để làm lợi cho người dân, cho doanh nghiệp Việt Nam không phải là việc không thể.

Điều đó cũng góp phần làm giảm thiệt hai cho kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.

Việc chỉ ra những thủ đoạn gian dối trong làm ăn của doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc là hết sức cần thiết để tránh thiệt hại cho người dân, cho doanh nghiệp và cho đất nước.

Song khai thác tối đa những lợi thế của Trung Quốc, chắt lọc và vận dụng giá trị tích cực trong những sáng tạo của người Trung Quốc cũng cần thiết và quan trọng không kém. 

Mặt khác, khai thác những cơ hội được tạo ra bởi kinh tế Trung Quốc vừa làm lợi cho người dân, cho doanh nghiệp Việt Nam, vừa làm giảm tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực bởi ý đồ toàn cục của Trung Quốc đối với Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới