Trung Quốc đã nhòm ngó Biển Đông từ lâu và đã chế tạo các tàu đổ bộ tầm xa để tìm cách tranh cướp các đảo đá nhỏ cách xa bờ biển.
Strategy Page Mỹ ngày 17/3 cho hay, cách đây không lâu, Trung Quốc đã biên chế thêm 3 tàu đổ bộ xe tăng Type 072B (LST). Ngoài ra còn có các tàu chiến cùng loại khác đang được chế tạo.
Mặc dù dư luận quốc tế không rõ cuối cùng Trung Quốc sẽ chế tạo bao nhiêu chiếc, nhưng họ rõ ràng có kế hoạch sở hữu loại tàu này với số lượng đáng kể.
Tàu đổ bộ xe tăng Type 072A là một loại tàu chiến lớp 5.000 tấn, lượng chở hàng tiêu chuẩn là 500 tấn, còn có không gian để chở 250 binh sĩ. Thủy thủ đoàn của tàu là 104 người, trang bị pháo hạm 2 nòng cỡ 37 mm, 2 động cơ dầu diesel cùng với các thiết bị dùng để bốc dỡ hàng.
Trên tàu còn có một bãi đỗ máy bay trực thăng, nhưng không có nhà chứa máy bay. Tốc độ cao nhất của tàu này là 37 km/giờ, tốc độ tuần tra là 25 km/giờ. Trong tình hình không bổ sung nhiên liệu và chạy với tốc độ tuần tra, hành trình của tàu có thể đạt 5.400 km. Hoạt động dài nhất trên biển khoảng 2 tuần.
Từ năm 2000 đến nay, Trung Quốc luôn cố gắng chế tạo nhiều hơn tàu chiến đổ bộ, chủ yếu là để thay thế các tàu cũ kỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đồng thời tiến hành nâng cấp hiện đại hóa đối với hạm đội đổ bộ.
Tàu vận tải đổ bộ Nghi Mông Sơn số hiệu 988 Type 071 Trung Quốc |
Hiện nay, Trung Quốc có 3 tàu vận tải đổ bộ (LPD) (Mỹ có 9 chiếc), hơn 100 tàu đổ bộ cỡ trung bình (LSM) và tàu đổ bộ xe tăng (LST), cùng với gần 200 thuyền đổ bộ. Những tàu đổ bộ này có thể vượt đại dương, còn thuyền đổ bộ có thể đổ bộ lên Đài Loan.
Đa số các tàu đổ bộ khá nhỏ thực ra được biên chế cho Lục quân Trung Quốc, cách đây không lâu những thuyền đổ bộ lục quân này còn có thể dễ dàng nhận biết, bởi vì tàu thuyền Lục quân Trung Quốc được quét sơn màu xanh lam, còn tàu của Hải quân Trung Quốc được quét sơn màu xám.
Nhưng hiện nay tàu thuyền của Lục quân Trung Quốc đã quét sơn màu xám, cho nên, cần phải nhìn thật kỹ thì mới có thể biết được tàu thuyền thuộc quân chủng nào.
Hiện nay, muốn phân biệt điểm này càng trở nên khó khăn hơn, bởi vì, Lục quân Trung Quốc đang chế tạo nhiều tàu hơn, chẳng hạn tàu chiến xuất hiện vào năm 2013 và được Lục quân Trung Quốc mô tả là tàu ro-ro (chở phương tiện có bánh xe). Nhưng, khi quan sát kỹ thì nó là tàu đổ bộ cỡ trung bình có thể chở mười mấy xe và khoảng 200 binh sĩ.
Nói cách khác, nó có thể chở một đại đội bộ binh cơ giới. Loại tàu đổ bộ hạng trung mới này do nhà máy đóng tàu của Lục quân Trung Quốc chế tạo, phía trước và sau tàu đều có “sườn dốc”, lắp 4 khẩu súng máy 14,5 mm.
Thuyền đổ bộ Type 067 Trung Quốc |
Khả năng vận chuyển của thuyền đổ bộ thông dụng Type 067 (LCU) là 50 tấn, hành trình đạt 800 km, một lần có thể hoạt động 10 ngày trên biển. Những thuyền đổ bộ thông dụng này có thể sử dụng hệ thống dẫn đường lắp sẵn, có thể hoạt động trên biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Thuyền đổ bộ Type 067 đã tồn tại trong một khoảng thời gian dài, phiên bản đầu tiên của nó bắt đầu được chế tạo vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Phiên bản phóng to của nó là Type 271, có thể chở xe tăng loại mới nhất và nặng hơn của Trung Quốc.
Trung Quốc còn đang kiểm soát tốt tình hình của vài trăm tàu thương mại và sà lan, chúng có thể được huy động làm nhiệm vụ quân sự, dùng cho tác chiến đổ bộ tấn công Đài Loan.
Trung Quốc có đủ khả năng vận chuyển tới hơn 300 tiểu đoàn bộ binh và cơ giới (xe tăng và bộ binh cơ giới), tương đương với khoảng 24 sư đoàn. Trung Quốc còn có cả khả năng vận chuyển lực lượng chi viện, phần lớn là sử dụng tàu thuyền vận tải dân dụng.
Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc tập trung chế tạo nhiều hơn tàu đổ bộ có thể triển khai hành động biển xa. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã nhòm ngó Biển Đông từ lâu và đã chế tạo các tàu đổ bộ tầm xa để tìm cách tranh cướp chủ quyền đối với các đảo đá nhỏ cách xa bờ biển.
Tàu bán ngầm Đông Hải Đảo chở tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zurb, Hải quân Trung Quốc |