Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải là một chính trị gia dễ hiểu. Ông ta sẵn lòng nói ra thế này nhưng những nhà quân sự và ngoại giao của ông lại thực thi thế khác – và cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đã chứng minh điều này. Những tuyên bố của ông thuộc dạng đỉnh cao của cỗ máy tuyên truyền nhà nước Nga tuyền tải với mục đích che đậy bất kỳ “sự thật” nào đang ẩn chứa bên trong những luận điệu mờ ám của họ.
Và, lời tuyên bố của Putin vào ngày 14 tháng 3 năm 2016 “ra lệnh rút hầu hết nhóm quân sự Nga ra khỏi Syria” lại chứng minh một điều rằng, ông có thể tạo ra nhiều bất ngờ cho các đồng minh lẫn kẻ thù của mình.
Phải chăng, việc rút quân này muốn nói lên một điều rằng Nga đã hoàn thành sứ mệnh như những gì mà ông Putin đã công bố vào hôm thứ Hai vừa rồi (“những mục tiêu đề ra…nói chung là đã hoàn thành”); hoặc phải chăng việc rút quân này đang thể hiện sự yếu đuối của Nga vì chi phí can thiệp quân sự đã đè nặng lên một nền kinh tế không ổn định, vì phải đương đầu với những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, và vì doanh thu dầu mỏ thì đang giảm mạnh?
Hay là ông Putin đang chơi chiêu, vì có thể lực lượng không quân của ông sẵn sàng để tiếp tục ném bom, và những cố vấn của ông sẵn sàng để hỗ trợ những chiến dịch mặt đất của quân đội Assad tiếp tục tấn công giành lãnh thổ, đặc biệt trong trường hợp các cuộc đàm phán chính trị tại Geneva giải quyết cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở Syria lỡ như bị thất bại?
Mục tiêu ngắn hạn của Nga
Nga mở màn chiến dịch không kích quy mô lớn tại Syria vào ngày 30 tháng 9 năm 2015 là do chính phủ nước này đã có một mục tiêu trước mắt, chứ không phải là một tầm nhìn dài hạn. Vào cuối tháng 7 năm 2015, Moscow và Iran – một đồng minh chính khác của Assad – đã đồng ý rằng sự can thiệp [tại Syria] là cần thiết nhằm ngăn chặn sự thất bại của chế độ Assad. Họ quyết định tổ chức một tuyến phòng thủ tại Địa Trung Hải, đi từ thủ đô Damascus về thành phố Homs – thành phố thứ 3 của Syria.
Mối đe dọa chính đối với quân đội Syria là nhóm phiến quân Hồi giáo đã kiểm soát nhiều thị trấn thuộc tỉnh Idlib phía tây bắc và một phần phía nam Syria. Nhóm phiến quân này đã gần sắp tiến vào thành phố Hama và chuẩn bị mở đợt tấn công lớn nhằm chiếm đánh Aleppo – thành phố lớn nhất của Syria, đã bị chia cắt làm 2 phần kể từ năm 2012.
Nga khẳng định mục tiêu của mình là phải đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng ngược lại, Nga đã thực hiện hơn 80% các cuộc oanh tạc nhằm vào lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Al-Assad. Trên mặt đất, Iran và lực lượng Hezbollah của Lebanon đã triển khai các chỉ huy và binh lính của mình để giám sát lực lượng dân quân Iraq, Afghanistan và Pakistan. Đã có 5 cuộc tấn công được tung ra để chống lại các nhóm phiến quân nổi dậy và 1 cuộc tấn công chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Và 5 tháng sau đó, mục tiêu chính của Nga đã được hoàn tất. Các nhóm nổi dậy đã lui về phòng thủ, không chỉ trước các cuộc tập kích của phe ủng hộ chế độ Assad mà còn cả trước các cuộc tấn công của người Kurd. Và bây giờ, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không còn phải lo sợ phe đối lập tiến sát vào thủ đô Damascus. Tuy nhiên, lợi ích thu được từ việc lấy được lãnh thổ của quân nổi dậy và lãnh thổ Nhà nước Hồi giáo thì vẫn còn rất hạn chế.
Nhưng không có tầm nhìn dài hạn?
Các nhà phân tích đã dự đoán rằng sự can thiệp của ông Putin là có mục tiêu dài hạn nhằm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Một số nhà phân tích đã đặt nó trong bối cảnh của một cuộc đấu tranh địa chính trị toàn cầu, liên quan đến các cuộc xung đột quân sự ở tuyến đầu, như Ukraine. Những nhà phân tích khác thì tập trung nhiều hơn vào lợi ích cụ thể khi cho rằng Nga cần phải thành lập một căn cứ không quân ở miền tây Syria để phối hợp hành động cùng với căn cứ hải quân tại Tartus, căn cứ này đã được Moscow phát triển từ những năm 1970.
Có lẽ, những tính toán của ông Putin đã không thể vượt quá sự suy đoán và cân nhắc của các nhà phân tích. Nếu không cố gắng hỗ trợ và duy trì một chế độ ổn định tại Damascus, thì về lâu về dài, vị trí quân sự của Nga sẽ trở nên rất mong manh. Và Nga sẽ không còn hy vọng gì nữa nếu như nền kinh tế Syria bị tổn thương nặng, điều này sẽ khiến cho Nga không giành được bất kỳ lợi thế nào về thương mại hoặc đầu tư.
Thậm chí nó cũng khiến cho liên minh Nga – Iran trở nên yếu hẳn đi. Trong lúc liên minh với Tehran có thể sẽ là một vị thế nhằm chống lại các cường quốc khác ở Trung Đông, thì Moscow cần phải cân bằng lại vị trí này để xem rõ khả năng của mình đến đâu khi phải đối đầu với những thách thức từ phương Tây. Đó là lý do tại sao Nga đã duy trì được vị thế của mình trong nhóm P5 + 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) để gây sức ép đối với nước Cộng hòa hồi giáo Iran trong một quá trình đàm phán thỏa thuận về vấn đề hạt nhân. Và đó cũng là lý do tại sao dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng Nga vẫn trì hoãn việc xây dựng nhà máy hạt nhân Bushehr để cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến cho Tehran.
Trong tháng 9 năm 2015, tuy canh bạc quân sự của Nga tại Syria có vẻ rất quan trọng, nhưng nó vẫn không thể gọi là chiến lược. Đây là một quyết định có tính chiến thuật chỉ để kéo dài thời gian. Cũng có thể nói rằng Nga đã đưa ra các sáng kiến của mình để cải tiến những nội dung có trong những cuộc đàm phán chính trị, mặc dù điều khoản riêng của những cuộc đàm phán này chưa từng đề cập đến việc loại bỏ Tổng thống Assad.
Chi phí can thiệp quân sự
Khi bàn đến mặt hiệu quả, thì bất kỳ lợi thế từ sự can thiệp quân sự và chính trị nào cũng phải cân bằng với chi phí bỏ ra. Hàng tháng, chi phí khổng lồ để thực hiện các cuộc không kích cũng như các hoạt động hỗ trợ của Nga ước tính từ 720 triệu USD đến 1,2 tỷ USD. Nếu tính riêng chi phí này thì tổng chi phí bỏ ra là phải chăng tại thời điểm hiện nay.
Nhưng chi phí đó không phải là “tính riêng chi phí này”. Cần đặt nó trong bối cảnh rộng lớn hơn của một nền kinh tế đang vật lộn với những khó khăn. Sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu sụt giảm đã khiến cho kinh tế Nga thiệt hại 1,5% GDP, theo sự xác nhận của một cựu Bộ trưởng Tài chính. Lần đầu tiên, thu nhập thực tế đang giảm dần kể từ năm 2000.
Chi phí đó có thể là chấp nhận được trong ngắn hạn. Nhưng ông Putin đang đối mặt với một gánh nặng lâu dài, vì người ta cho rằng chế độ Assad và các đồng minh nước ngoài hoàn toàn không có khả năng đánh bại lực lượng đối lập Syria, và thậm chí cũng không thể tiêu diệt nổi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Liệu rằng Moscow sẽ bỏ rơi Tổng thống Assad?
Cách duy nhất để giúp Nga thoát ra khỏi tình trạng khó xử là phải đưa ra triển vọng của một giải pháp về mặt chính trị – nhưng như vậy thì lại quay trở về cam kết phế truất Tổng thống Assad và các cố vấn thân cận nhất của ông ta. Và đây là yêu sách tối thiểu của phe đối lập.
Ông Putin nhận thức được điều này. Đó là lý do tại sao công bố của ông Putin lại diễn ra cùng ngày cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa các phe lâm chiến tại Syria đã được nối lại ở Geneva, Thụy Sỹ. Và đó là lý do tại sao ông đã tuyên bố: “Quân đội của chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu, và đây sẽ là chất xúc tác tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình tại Syria”.
Đó cũng là lý do tại sao Putin đã không đề cập đến ông Assad trong tuyên bố của mình vào hôm thứ Hai vừa qua.
Tuyên bố rút quân không phải là một tuyên bố bất ngờ khiến cho ông Assad phải ra đi. Điều này sẽ khiến cho Nga không thể tiến hành một số đòn bẩy trong một tiến trình chính trị nhằm chuyển hướng Washington trở thành một quan hệ đối tác. Thay vào đó, kể từ tháng 10 năm 2015, ông tránh bất cứ tuyên bố rõ ràng nào về số phận của Tổng thống Assad – đơn giản là Putin chỉ muốn kéo dài thời gian thêm một chút nữa.
Hiện nay, Phái viên Syria tại Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura đang xúc tiến “các cuộc đàm phán gần gũi” tại Geneva để đưa hai bên – chính phủ và phe đối lập thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Moscow đang chứng minh năng lực chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và vai trò quyết định của mình bằng các cuộc không kích nhắm vào các chiến binh thánh chiến. Vì vậy, “các cuộc đàm phán gần gũi” này sẽ đảm bảo rằng phe đối lập, vốn không mong muốn bị quy tội vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, sẽ không đe dọa sự sống còn trước mắt của chế độ Assad
Thắng lợi mang tính chiến thuật
Moscow đã chơi chiến thuật kéo dài thời gian kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bắt đầu bùng lên vào năm 2011. Tổng cộng 3 lần, Nga và Iran đã cứu nguy cho chế độ Assad: vào giữa năm 2012, chính phủ Syria thoát được nguy cơ sụp đổ nhờ vào không lực của Nga; vào giữa năm 2013, khi lực lượng Hezbollah của Iran can thiệp và mở đợt tấn công tổng lực trên mặt đất để chặn phe đối lập Syria; và vào tháng 9 năm 2015 khi Nga tung ra chiến dịch không kích của mình.
Do sự thôi thúc của riêng mình, Putin cũng đã chơi canh bạc vào những khoảnh khắc rất quan trọng. Vào tháng 8 năm 2013, Nga lo ngại những tính toán sai lầm của chế độ Assad khi sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus làm hơn 1.400 người bị thiệt mạng, có thể khiến phương Tây và Ả Rập tiến hành can thiệp quân sự.
Vì vậy, Moscow đã đưa ra ý tưởng về một liên minh với Washington để yêu cầu ông Assad phải bàn giao toàn bộ kho vũ khí hóa học. Quá trình đó có một chút ảo tưởng: quân đội Syria vẫn tiếp tục sử dụng hóa chất chlorine khi tiến hành những vụ đánh bom. Tuy nhiên, kết quả mang tính chiến thuật thu về lại không phải là ảo tưởng, nó giúp Nga thuận lợi hơn trong quan hệ đối tác với Mỹ, còn hơn là phải đối mặt với một tối hậu thư từ Washington và các đồng minh của họ.
Sau đó khoảng 2 năm rưỡi, tình hình đã thay đổi nhưng cục diện của trò chơi thì vẫn như ngày nào. Thông qua các chiến thuật ngoại giao và quân sự của mình, ông Putin tiếp tục đặt Washington vào một vị trí phải có hành động phản ứng, chứ không phải là đưa ra sáng kiến.
Hiện nay, ông Putin đã hành động theo kiểu như vậy thêm một lần nữa. Cuộc “rút quân” của Nga sẽ không mang lại một chiến thắng chiến lược. Thậm chí cũng khó mà cứu nguy được cho ông Assad. Nhưng nó cho phép Moscow có thêm không gian để xem xét động thái tiếp theo để tạo ra một kết quả hay hơn về mặt chính trị – hoặc thậm chí là một trạng thái chấp nhận được về tính chất căng thẳng cho dù kết quả đó có thể không xảy ra.