Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựBài học từ vụ kiện Nicaragua - Mỹ

Bài học từ vụ kiện Nicaragua – Mỹ

Trong bối cảnh vụ kiện Philippines đang đến hồi kết khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có thể ra phán quyết vào tháng 5/2016 và có nhiều điểm có thể có lợi cho Philippines, chúng ta nhìn lại vụ kiện Nicaragua – Mỹ năm 1984 – 1986, trong đó Mỹ không tham gia vụ kiện nhưng Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vẫn tiếp tục xét xử và ra phán quyết cuối cùng. ICJ ra phán quyết có lợi cho Nicaragua và yêu cầu Mỹ bồi thường thiệt hại cho Nicaragua nhưng Mỹ không tuân thủ và tìm mọi cách phá phán quyết của ICJ.

 

Ông Reichler (phải) đại diện Nicaragua trong vụ tranh chấp chủ quyền với Costa Rica năm 2012. Ảnh: Reuters

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Trung Mỹ diễn ra vào những năm đầu thập kỷ 1980. Sau khi giành chính quyền ở Nicaragua vào năm 1979, chế độ Sandinista mở chiến dịch giải phóng Honduras, El Salvador và Costa Rica. Nicaragua cung cấp vũ khí, đạn dược, trang thiết bị khí tài, tài chính cho phong trào kháng chiến El Salvador. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ngày 23/11/1981 ký Chỉ thị 17 trao quyền cho Cục tình báo trung ương (CIA) thành lập lực lượng Contra để lật đổ chế độ Sandinista ở Nicaragua, đồng thời viện trợ quân sự cho Honduras và El Salvador.

Ngày 09/4/1984, Nicaragua kiện Mỹ lên ICJ và yêu cầu ICJ phán xét: (i) Mỹ đã đào tạo, vũ trang, cung cấp tài chính và nhu yếu phẩm cho lực lượng Contra và hỗ trợ các hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại Nicaragua đã vi phạm Điều 2 (4) của Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 18 và 20 của Hiến chương Tổ chức các nước Châu Mỹ, Điều 8 của Công ước về quyền và nghĩa vụ của các nước, Điều I của Công ước liên quan đến nghĩa vụ và quyền của các nước trong cuộc xung đột dân sự; (ii) Mỹ vi phạm chủ quyền của Nicaragua bằng việc tấn công vũ trang vào Nicaragua bằng đường biển, đường bộ và đường không, sử dụng các biện pháp trực tiếp và gián tiếp để cưỡng ép và đe dọa chính phủ Nicaragua; sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Nicaragua; can thiệp vào công việc nội bộ của Nicaragua; vi phạm tự do biển cả và cản trở thương mại đường biển hòa bình; giết hại, gây thương vong và bắt cóc người dân Nicaragua. Nicaragua đồng thời yêu cầu Mỹ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Nicaragua.

Ngày 18/01/1985, Mỹ tuyên bố không tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của ICJ nhưng ICJ khẳng định có thẩm quyền và vụ kiện vẫn tiếp diễn mặc dù không có sự tham gia của Mỹ. Ngày 27/6/1986, ICJ ra phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Nicaragua, cản trở thương mại đường biển và vi phạm Hiệp ước thân thiện, thương mại và hàng hải Mỹ – Nicaragua ký ngày 21/01/1956.

Cụ thể, ICJ ra phán quyết 16 điểm, trong đó có các điểm chính sau: (i) ICJ từ chối lập luận của Mỹ về việc sử dụng quyền tự vệ thập thể để chống lại Nicaragua; (ii) Mỹ đã đào tạo, vũ trang, cung cấp tài chính và nhu yếu phẩm cho lực lượng Contra và hỗ trợ các hoạt động quân sự và bán quân sự chống lại Nicaragua, và vi phạm nghĩa vụ theo công pháp quốc tếtrong việc không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; (iii) Bằng việc tấn công vào lãnh thổ Nicaragua trong các năm 1983 – 1984 (bao gồm các cuộc tấn công vào Puerto Sandino ngày 13/9/1983 và 14/10/1983, vào Corinto ngày 10/10/1983, vào căn cứ hải quân Potosi ngày 04 – 05/01/1984, vào San Jan de Sur ngày 07/3/1984, vào các tàu tuần tra ở Puerto Sandino ngày 28/3/1984 và ngày 30/3/1984, vào San Juan del Norte ngày 09/4/1984), Mỹ đã vi phạm công pháp quốc tế trong việc sử dụng vũ lực chống lại nước khác; (iv) Với các hành động tấn công trên, Mỹ đã vi phạm chủ quyền của nước khác; (v) Bằng việc đặt mìn ở nội thủy và lãnh hải của Nicaragua trong những tháng đầu năm 1984, Mỹ đã vi phạm công pháp quốc tế trong việc không được sử dụng vũ lực chống lại nước khác, không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không được cản trở thương mại đường biển hòa bình; (vi) Với việc đặt mìn, Mỹ đã vi phạm Điều XIX của Hiệp ước hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa Mỹ và Nicaragua ký ở Managua ngày 21/01/1956; (vii) Việc Mỹ thành lập lực lượng Contra đã đi ngược lại những nguyên tắc chung của luật nhân đạo; (viii) Mỹ tấn công Nicaragua và ban hành lệnh cấm vận thương mại với Nicaragua ngày 01/5/1985 là hành động bãi miễn mục tiêu và mục đích của Hiệp định hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa Mỹ và Nicaragua; (ix) Mỹ tấn công và ban hành lệnh cấm vận thương mại với Nicaragua đã vi phạm điều XIX của Hiệp định hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa hai nước; (x) Mỹ phải ngừng bắn ngay lập tức và kiềm chế các hành động đó; (xi) Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho Nicaragua theo công pháp quốc tế; (xii) Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho Nicaragua theo Hiệp ước hữu nghị, thương mại và hàng hải.

Nicaragua đã giành thắng lợi nhưng sau đó Mỹ liên tục tìm cách phá phán quyết của ICJ. Từ năm 1982 – 1985, Mỹ năm lần dùng quyền phủ quyết khi vấn đề đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngày 28/10/1986, Mỹ tiếp tục phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi thực hiện phán quyết. Ngày 03/11/1986, nghị quyết này được đưa ra Đại hội đồng Liên hợp quốc và được thông qua với số phiếu 94 – 3 nhưng Mỹ vẫn không tuân thủ phán quyết.

Quan sát quá trình vụ kiện Nicaragua – Mỹ, chúng ta thấy có nhiều điểm tương đồng với vụ kiện Philippines – Trung Quốc. Philippines tuyên bố khởi kiện, Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của Tòa và tuyên bố không tham gia nhưng Tòa khẳng định có thẩm quyền và tiếp tục xét xử. Dù phán quyết cuối cùng của PCA có thể không nghiêng hết về Philippines nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phủ nhận phán quyết của PCA và tìm mọi cách để vô hiệu hóa phán quyết đó bằng hành động ngang ngược trên thực địa. Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng, quân sự hóa trên các thực thể nước này chiếm đóng ở Biển Đông, tiếp tục sử dụng các lực lượng chấp pháp và tàu cá để lấn chiếm và mở rộng kiểm soát trên biển. Đồng thời, Trung Quốc cũng tìm cách “bào chữa” cho việc không chấp nhận sự ràng buộc của phán quyết bằng việc viện dẫn đến vụ kiện giữa Nicaragua và Mỹ, cho rằng cũng đã có tiền lệ về việc này.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì bản chất 2 vụ việc là khác nhau. Vụ kiện giữa Nicaragua và Mỹ là vụ kiện liên quan đến và là sản phẩm của quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà hai khối luôn tìm cách chống phá nhau tại các nước, các khu vực cụ thể.Việc Mỹ tiếp tế cho các lực lượng đối lập ở Nicaragua là ví dụ điển hình. Và các nghĩa vụ mà Nicaragua yêu cầu Mỹ thưc hiện là những nghĩa vụ chung theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vụ kiện về yêu sách biển liên quan đến việc giải thích và áp dụng một điều ước quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên. Khác biệt thứ hai, đó là giai đoạn đầu của vụ kiện giữa Nicaragua và Mỹ, Mỹ đã tham gia. Song đối với vụ kiện của Philippines, Trung Quốc đưa ra chính sách 3 không, đó là không tham gia, không chấp nhận và không chịu sự ràng buộc, thể hiện thái độ coi thường các quy định của Công ước Luật Biển 1982 cũng như đối với Philippines.

Bối cảnh quốc tế hiện nay đã khác xa rất nhiều so với bối cảnh trước đây, khi mà Chiến tranh Lạnh không còn và các quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ đều nhấn mạnh vai trò của luật pháp và trật tự quốc tế được hình thành trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế tỏ ra hết sức quan tâm đến kết quả vụ kiện, Mỹ và nhiều nước Châu Âu đã kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ nghiêm phán quyết, bất kể kết quả cuối cùng ra sao. Do đó, việc Trung Quốc không chấp nhận kết quả vụ kiện, dù bào chữa dưới bất cứ lý do gì, sẽ gặp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế sẽ thấy rõ một Trung Quốc luôn tìm cách chà đạp luật pháp quốc tế, chà đạp lên trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương được kết tinh trong Công ước Luật Biển 1982 do toàn thể cộng đồng quốc tế phấn đấu trong suốt nhiều thập kỷ mới đạt được. Vì vậy, Philippines và cộng đồng quốc tế cần tạo áp lực để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết, đảm bảo luật pháp quốc tế được thực hiện nghiêm minh.

RELATED ARTICLES

Tin mới