Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngChống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên Biển Đông

Chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên Biển Đông

Chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, an ninh quốc gia không thể đánh đổi bằng “tình hữu nghị viển vông” hay “nước lã sông Mê Kông”.

Học giả Rene L. Pattiradjawane, một nhà báo và đồng thời là Chủ tịch sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc ngày 23/3 bình luận trên The Jakarta Post về sự hình thành của “chủ nghĩa thực dân hàng hải đặc sắc Trung Quốc” trên Biển Đông.

Rene L. Pattiradjawane nhận định, môi trường địa chính trị ở Biển Đông đang chuyển sang giai đoạn mới. Tranh chấp không còn chỉ giới hạn giữa các nước yêu sách chủ quyền và hàng hải, mà còn là cạnh tranh giữa các siêu cường.

Chủ nghĩa thực dân hàng hải trên Biển Đông

Trung Quốc có tham vọng kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông với yêu sách dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử”. Tuy nhiên điều này đang bị Mỹ thách thức bằng hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Trong khi đó Nhật Bản, Ấn Độ và Nga cũng đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á.

Ngày nay dư luận đang chứng kiến Trung Quốc muốn lấy Biển Đông làm bàn đạp thực hiện giấc mơ thống trị toàn cầu.

Với Indonesia và các nước láng giềng trong khu vực, cân bằng giữa lợi ích quốc gia và khu vực đang diễn ra trong bối cảnh đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hoạt động cân bằng ấy không chỉ diễn ra trong sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mà còn liên quan chặt chẽ đến các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống nảy sinh trong lòng các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như giữa các nước lớn.

Indonesia và hầu hết các nước ASEAN khác thấy lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông phản ánh một thái độ ngoan cố dưới chiêu bài “quyền lịch sử”, làm suy yếu luật pháp quốc tế.

Hành vi đơn phương leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông đang dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia châu Á và tác động lớn đến môi trường khu vực. Đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên các bãi cạn ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Tuy nhiên Rene L. Pattiradjawane nhận định, dư luận không thể mong chờ Bắc Kinh sẽ làm theo các nước khác trong việc giải quyết xung đột. Theo học giả này, có thể xác định được 2 lý do đằng sau các hành vi leo thang bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thứ nhất là Trung Quốc đang theo đuổi “chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên biển” bằng cách từ chối mọi thiện chí yêu cầu giảm căng thẳng ở Biển Đông. Bắc Kinh đang nỗ lực tìm cách thống trị tuyến đường giao thương hàng hải huyết mạch nhộn nhịp hàng đầu thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc đang muốn cải thiện khả năng chống can thiệp, chống lại “các mối đe dọa” từ bên ngoài. Những hành động của Trung Quốc ngày nay cũng giống như những gì chủ nghĩa thực dân phương Tây trước đây đã làm để mở rộng sự thống trị.

Nó bao gồm những nỗ lực kiểm soát nguồn vốn, hoạt động bảo trợ, thương mại, giáo dục, văn hóa, kết hợp với các thủ đoạn chính trị, quân sự, ngoại giao.

Hành vi triển khai (bất hợp pháp) tàu chiến, tên lửa phòng không (và có thể cả tên lửa hành trình chống hạm YJ-62) của Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Trung Quốc đang muốn độc chiếm vùng biển này, phá hoại Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã ngang nhiên mò vào tận vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở quần đảo Natuna cứ như là “vùng biển Trung Quốc”. Ảnh: The Straits Times.

Trước đây ngay cả khi thực dân châu Âu đặt chân sang châu Á từ thế kỷ 15, không có một thế lực thực dân nào tuyên bố “sáp nhập” hay lấy Biển Đông làm lãnh thổ riêng của họ.

Ngay cả lực lượng quân phiệt Nhật Bản khi tràn sang Đông Nam Á trước đây cũng chưa bao giờ tìm cách kiểm soát Biển Đông hay các thực thể đảo, đá, bãi cạn không người ở trên Biển Đông.

Bám lấy tuyên bố của Tập Cận Bình để đấu tranh với Trung Quốc

Học giả Rene L. Pattiradjawane tin rằng, đối với Indonesia và ASEAN, sự tham gia năng động của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga vào khu vực sẽ làm tăng nhu cầu cân bằng, không chỉ giữa các nước lớn với nhau, mà còn giữa các nước lớn với ASEAN. Tuy nhiên không nên đẩy Trung Quốc vào chỗ trở thành kẻ thù trong các cuộc xung đột mở trên Biển Đông.

Cụ thể Rene L. Pattiradjawane đề xuất, Indonesia và ASEAN cần nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng lòng tin, không chỉ bằng cách thuyết phục Trung Quốc nỗ lực chân thành với các quy tắc ứng xử ở Biển Đông, mà còn bằng cách thuyết phục các cường quốc khác để kiềm chế các “hoạt động gây rối”.

Một ý tưởng Rene L. Pattiradjawane cho rằng Indonesia và ASEAN nên thực thi, đó là tuyên bố khu vực tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông là một khu phi quân sự, theo học thuyết hòa bình – tự do và trung lập.

Bởi lẽ tuyên bố khu vực tranh chấp là khu phi quân sự, tàu bè quốc tế được qua lại tự do hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ khi ông thăm chính thức Nhà Trắng tháng 9 năm ngoái rằng, Trung Quốc cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông.

Rene L. Pattiradjawane lưu ý, các bên liên quan không thể cứ lặp đi lặp lại kêu gọi không quân sự hóa Biển Đông mà không có giải pháp nào cụ thể, như các cử chỉ chính trị hướng tới giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh có lẽ là chủ trương nhất quán của Jakarta. The Straits Times ngày 24/3 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Abdurrahman Mohammad Fachir khẳng định, Jakarta không chấp nhận hành xử của Bắc Kinh vụ cho tàu Cảnh sát biển chặn tàu kiểm ngư Indonesia và giải cứu tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép hôm Chủ Nhật.

Trong vụ này và các vụ việc tương tự, Indonesia sẽ không tìm cách “hòa giải” với Trung Quốc, các hành động tiếp theo của Jakarta sẽ phụ thuộc vào cách giải thích chính thức của Bắc Kinh. Cho đến hôm nay, Trung Quốc chưa thể hiện quan điểm chính thức về giải quyết vụ việc.

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 năm ngoái, ảnh: AP.

Tuy nhiên Abdurrahman Mohammad Fachir nhấn mạnh, các biện pháp giải quyết của Jakarta sẽ đảm bảo sự ổn định, hợp tác và quan hệ song phương tốt đẹp với Bắc Kinh. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Indonesia.

Biển Đông sẽ còn căng thẳng hơn nữa

Sau động thái kéo tên lửa phòng không HQ-9, chiến đấu cơ JH-7, J-11 ra Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và lắp đặt ra đa quân sự cao tần bất hợp pháp ở Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thông tin mới nhất từ truyền thông Trung Quốc ngày 22/3 cho hay, rất có thể Trung Quốc đã kéo cả tên lửa hành trình đối hạm YJ-62 ra bố trí ở Phú Lâm.

Cái cớ cho hành động leo thang này, theo Thời báo Hoàn Cầu là vì tàu khu trục Mỹ đã tuần tra bên trong 12 hải lý ở đảo Tri Tôn, Hoàng Sa hôm 31/1. Trung Quốc kéo tên lửa ra Phú Lâm để ngăn tàu khu trục, thậm chí là tàu sân bay Mỹ tiến gần khu vực Hoàng Sa.

Sắp tới, có thể Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vào tháng Tư hoặc tháng Năm.

Nhiều học giả quốc tế hiện nay tin rằng, PCA sẽ bác đường lưỡi bò Trung Quốc dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” không có trong công pháp quốc tế.

Trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn chưa ngã ngũ, Obama thì đã vào giai đoạn “hoàng hôn” của nhiệm kỳ Tổng thống. Khoảng thời gian từ nay đến khi tân Tổng thống Mỹ chính thức nhậm chức vào tháng Giêng 2017 sẽ là thời kỳ nhạy cảm mà Trung Quốc không bỏ qua trong việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.

Người viết thiết nghĩ, những gì Trung Quốc đã, đang và sẽ làm trên Biển Đông thể hiện tư duy của họ: Chân lý thuộc về kẻ mạnh, không gì bằng kiểm soát trên thực tế. Mọi hành động của Trung Quốc sẽ hướng tới mục tiêu tăng tối đa khả năng kiểm soát và sự hiện diện trên thực địa để hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Thượng tôn công lý, dùng pháp lý đấu tranh với Bắc Kinh

Người viết đồng tình với nhận định của học giả Rene L. Pattiradjawane về việc Trung Quốc đang lấy Biển Đông làm bàn đạp hướng tới mục tiêu thống trị toàn cầu, và cần bám lấy tuyên bố của ông Tập Cận Bình để đấu tranh với Trung Quốc thông qua hành động và giải pháp cụ thể.

Đề xuất của Rene L. Pattiradjawane “đóng băng” khu vực tranh chấp bằng cách tuyên bố đây là khu vực phi quân sự, hòa bình, tự do hàng không hàng hải là một ý tưởng hay, ASEAN nên xem xét nghiêm túc.

Trên thực tế cho đến nay Trung Quốc vẫn đang quân sự hóa mạnh mẽ ít nhất 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa và các thực thể ở Hoàng Sa.

Các thẩm phán Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague nghe đại diện của Philippines trình bày lập luận về vụ kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông. Ảnh: Inquirer.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không quân sự hóa, ngoài thực địa nước này vẫn đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông với cái cớ “phòng thủ”, hoặc chụp mũ ngược lại cho Hoa Kỳ “quân sự hóa Biển Đông” vì đã tiến hành các hoạt động đảm bảo tự do hàng không, hàng hải trong khu vực.

Qua sự kiện Trung Quốc điều tàu Cảnh sát biển chặn đường tàu kiểm ngư Indonesia hòng giải cứu tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna hôm Chủ Nhật, cũng như phản ứng kiên quyết của Jakarta, người viết thiết nghĩ thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật và dùng pháp luật đấu tranh là phương án khả thi hơn cả, mặc dù không xem nhẹ các giải pháp khác.

Indonesia và Malaysia đã nhận thấy rõ 2 nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và các yêu sách hàng hải của mình trên Biển Đông từ các đảo nhân tạo đang bị quân sự hóa nhanh chóng, và các hành động mang bóng dáng Nhà nước Trung Quốc thực thi cái gọi là “quyền chủ quyền, quyền tài phán” trong phạm vi đường lưỡi bò.

Trong khi Indonesia phản ứng quyết liệt và không chấp nhận đường lưỡi bò vô lý ấy, thì Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng đã nhanh chóng tham vấn các đối tác từ Úc, Việt Nam, Philippines về đối sách đẩy lùi các hành vi bành trướng trên Biển Đông.

Nhưng rõ ràng không thể đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu, trở thành kẻ thù sống còn với các nước trong khu vực, mà phải nắm chặt thắt lưng Trung Quốc để đấu tranh với họ.

Do đó thiết nghĩ Indonesia, Malaysia cần có tiếng nói mạnh mẽ và dứt khoát hơn, phối hợp chặt chẽ cùng Việt Nam, Philippines và cộng đồng quốc tế bảo vệ UNCLOS, chống đường lưỡi bò bành trướng bằng cách kêu gọi PCA công tâm bác bỏ nó, và bảo vệ phán quyết tối hậu của PCA.

Dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nêu vấn đề chống quân sự hóa Biển Đông và tôn trọng phán quyết của PCA trong cuộc gặp song phương với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Mỹ ngày 31/3 và 1/4 tới đây. Thiết nghĩ các bên liên quan cần có tiếng nói ủng hộ lập trường này của Mỹ.

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

Do độc chiếm Biển Đông chỉ là một phần trong kế hoạch của các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn vươn lên làm bá chủ toàn cầu, nên để tìm kiếm giải pháp chống quân sự hóa, chống bành trướng và bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông cần đặt vấn đề trong bức tranh tổng thể đó.

Bản thân Trung Quốc không chỉ quân sự hóa Biển Đông, mà còn kết hợp rất nhiều thủ đoạn kinh tế – chính trị – ngoại giao – văn hóa – kiểm soát thao túng nguồn nước Mê Kông… để thực hiện mục tiêu kép – chiếm trọn Biển Đông và vươn lên siêu cường. 

Ví dụ như định chế tài chính Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Trung Quốc thành lập đã có 57 thành viên tham gia sáng lập, bao gồm nhiều đồng minh của Hoa Kỳ và các nước châu Á. Ví dụ như chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển hay Một vành đai, một con đường thao túng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng khẩu trọng yếu từ Biển Đông vươn ra Ấn Độ Dương tới Trung Đông, châu Phi, châu Âu.

Những định chế tài chính này đang được Trung Quốc sử dụng như “nhành ô liu” để chia rẽ ASEAN trong phản ứng của khối xung quanh các vấn đề liên quan đến chống quân sự hóa, chống bành trướng Biển Đông.

Mới đây nhất, hôm qua 23/3 Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ cung cấp 10 tỉ nhân dân tệ vốn vay ưu đãi, 10 tỉ USD tín dụng cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng và 5 tỉ USD cho các khoản vay hợp tác sản xuất công nghiệp cho 5 nước hạ nguồn sông Mê Kông, một động thái để giành ảnh hưởng giữa các nước Đông Nam Á, theo The Straits Times ngày 24/3.

Đi kèm với những khoản tiền này, Trung Quốc sẽ nhấn mạnh “hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN là chính, tranh chấp trên Biển Đông chỉ là chuyện nhỏ”.

Và đương nhiên khi nhận tiền Trung Quốc rồi, các thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước không có yêu sách ở Biển Đông khó có thể lên tiếng mạnh mẽ phản đối các hành vi bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Cá biệt còn có nước cổ súy, ủng hộ Trung Quốc.

Bản thân các nhà lãnh đạo Indonesia cũng đã công khai quan điểm với báo chí, Trung Quốc có vốn, còn Indonesia cần tiền. Do đó, câu chuyện Biển Đông cần được đặt trong bối cảnh này để tìm kiếm giải pháp.

Người viết cho rằng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc là giải pháp khả dĩ. Câu hỏi đặt ra là, vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc như thế nào?

Về mặt hợp tác, rõ ràng thừa nhận của các nhà lãnh đạo Indonesia là một điều đáng suy ngẫm. “Trung Quốc có vốn, ASEAN cần tiền”, vấn đề là làm sao tách bạch chuyện nào ra chuyện đó.

Cách hành xử kiên quyết nhưng đúng mực, hợp pháp của các nhà chức trách Indonesia trong vụ tàu cá, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Natuna tuần qua, hay phản ứng quyết liệt và hợp pháp của Việt Nam trong vụ gian khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 là ví dụ điển hình. 

Hay việc Trung Quốc tăng cường xả nước đập Cảnh Hồng hỗ trợ các nước hạ nguồn sông Mê Kông giảm bớt tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua là động thái đáng hoan nghênh và có trách nhiệm của chính phủ nước này.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng động thái này với các tranh chấp ngoài Biển Đông để “bịt miệng” láng giềng, như bình luận của bà Tôn Tiểu Nghênh mà chúng tôi đã phản ánh.

Mặt khác, Trung Quốc cho vay tiền, kể cả là vay ưu đãi thì đó cũng là một bài toán kinh tế mà họ gần như đã nắm chắc phần lời trong tay. Vấn đề là các nước vay tiền Trung Quốc, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu kỹ quy trình cho vay và các thủ đoạn của nhà thầu, doanh nghiệp Trung Quốc.

Làm sao nước vay tiền Trung Quốc tránh được tình trạng đội vốn gấp đôi, gấp ba hay nhiều hơn nữa trong các công trình, dự án mà Trung Quốc thắng thầu theo bàn chân của Con đường Tơ lụa trên biển, AIIB hay các gói tài chính mà ông Lý Khắc Cường công bố hôm qua.

Làm sao tránh được nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ của Trung Quốc, trở thành thị trường việc làm cho lao động Trung Quốc, đó mới là điều đáng bàn.

Do đó, vay tiền Trung Quốc là một bài toán kinh tế thuần túy và sòng phẳng. Với tư cách nước đi vay, cần tính toán sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả và không để đối phương sử dụng nó làm công cụ thao túng mình.

Không nên để rơi vào cái bẫy “củ cà rốt” mà Trung Quốc giăng sẵn: Chính trị hóa các vấn đề kinh tế, chính trị hóa các vấn đề pháp lý. Bởi lẽ, chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, an ninh quốc gia không thể đánh đổi bằng “tình hữu nghị viển vông” hay “nước lã sông Mê Kông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới