Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyển dòng sông Mê Kông, Thái Lan cũng tự hại mình?

Chuyển dòng sông Mê Kông, Thái Lan cũng tự hại mình?

Can thiệp vào dòng chính của sông Mê Kông gây ra chuỗi hiệu ứng Domino không chỉ từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào tới Campuchia, Việt Nam.

Thái Lan cũng tự hại mình?

Về việc Thái Lan cho phép ngăn sông Mê Kông ở Nong Khai, bơm nước cho vùng đông bắc chảy vào lòng chảo Huay Laung và đào 30 hồ trữ nước gần lưu vực sông Mê Kông nhằm chuyển dòng Mê Kông chảy về Thái Lan, theo TS. Lê Phát Quới, Viện tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia TP.HCM, người từng tham gia Chương Trình Đa dạng Sinh Học Đất Ngập Nước Mekong (MWBP), việc chuyển dòng sông Mê Kông đã được Thái Lan lên kế hoạch trong nhiều năm và năm 2015 đã có một số hành động cho thấy bắt đầu triển khai thực hiện.

Theo đó, nước Mê Kông vào các hồ chứa sâu trong vùng đồng bằng của Thái Lan làm chuyển đổi lưu lượng nước trên sông đi qua dòng cũ.

Ban đầu, khu vực Pắc-xế, tỉnh Champasack, hạ Lào, giáp ranh với Campuchia sẽ là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên. Sau đó, cả Lào, Campuchia và Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất lớn do hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước thượng nguồn nếu bị chặn.

Ngoài việc thiếu nước, lượng phù sa từ con sông mang về hạ lưu Việt Nam sẽ giảm hẳn. Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam phải nhờ vào nguồn phù sa này mới có được hải sản. Nều lượng phù sa thiếu hụt sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của đồng bằng.

“Không chỉ vậy, cả khu vực phía Đông Nam của Thái Lan cũng sẽ bị ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn nước này.

Xã hội dân sự của Thái Lan cũng phản ứng rất nhiều về kế hoạch này của Chính phủ. Những người làm công tác bảo vệ khu vực sông Mê Kông cũng từng nhiều lần phản ánh và kêu gọi cũng như biểu tình với Chính phủ song vẫn không thành công” – TS Quới cảnh báo.

Theo vị chuyên gia, điều đáng lo ngại khác là hiệu ứng Domino. Nếu Thái Lan không ngăn dòng, nước Lào, nơi đang quy hoạch xây dựng gần 10 hồ thủy điện và các đập thủy điện ở cả Campuchia cũng vẫn sẽ tiến hành, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam.

Một khi trên thượng nguồn chặn dòng, đập thủy điện, các khu vực hạ lưu cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đồng thời cùng tiến hành xây các đập ngăn sông làm thủy điện.

“Chúng ta cứ nói Trung Quốc can thiệp thô bạo vào dòng Mê Kông bằng 6 đập thủy điện trên thượng nguồn. Nhưng những việc Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện chặn dòng chỉ ảnh hưởng 20%. Nhưng những đập thủy điện sắp xây ở Lào sẽ còn ảnh hưởng gần hơn nữa. Việc can thiệp Lào ngừng xây Xayaburi cũng cấp thiết như việc yêu cầu Thái Lan ngừng chuyển dòng Mê Kông vậy. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng Domino”, TS. Lê Phát Quới nhận định.

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hoạt động không hiệu quả

Về kế hoạch của Thái Lan, theo TS Quới, từ năm 2015, nhóm nghiên cứu  đã có cảnh báo và các báo cáo liên quan tới Chính phủ và tới MRC song không nhận được sự quan tâm.

Phải nói thêm, thời điểm Thái Lan xây dựng kế hoạch trữ nước và chuyển dòng tại Nong Khai cũng là thời điểm Lào tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi. Cả 2 hành động này đều không ghi nhận các phản ứng nào từ phía MRC.

“Quá nhiều đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông nhưng không thấy có sự tham gia và lên tiếng của Ủy hội. Đây là điều thể hiện sự yếu kém rõ ràng của MRC” – vị chuyên gia nói thẳng.

Chuyen dong song Me Kong, Thai Lan cung tu hai minh?
“Chuỗi hạt ngọc” thủy điện trên sông Mê Kông.

TS Lê Phát Quới nói thêm, việc khai thác nước và chuyển dòng sông ảnh hưởng tới tài nguyên nước, ảnh hưởng tới sự tác động kinh tế, xã hội của các nước trong khu vực. MRC là đầu mối giải quyết các tranh chấp và can thiệp xảy ra trên dòng chính sông Mê Kông. Tuy nhiên, ủy hội không có động thái nào trong việc chuyển dòng hay trữ nước vào các hồ như Thái Lan. Đây là trách nhiệm của MRC nhưng họ không thực thi.

Tương lai dòng sông chết

Trở lại câu chuyện Thái Lan chuyển dòng, TS Lê Phát Quới chia sẻ, khoảng 4- 5 năm trước, ngay từ khi Thái Lan thực hiện các kế hoạch xây dựng đập ngăn dòng và trữ nước ở hơn 30 hồ tại nước này, chúng tôi, những người thường xuyên thực hiện các nghiên cứu liên quốc gia trên dòng Mê Kông đã cảnh báo về động thái này song không nhận được sự quan tâm. Dường như, nhiều người nghĩ hậu quả của việc này còn xa vời quá.

“Tương lai của một dòng Mê Kông chết là không nằm ngoài dự đoán. Hiện nay nó đã ngắc ngoải rồi” – vị chuyên gia đau xót.

Động thái mới nhất từ Việt Nam liên quan tới việc chuyển dòng trên sông Mê Kông của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định lập trường của Việt Nam, theo TS. Quới, đây mới chỉ là phát pháo đầu tiên của chúng ta đối với Thái Lan. 

Ngoài biện pháp ngoại giao chúng ta cũng cần đánh giá lại thật kỹ những kế hoạch chuyển nước của Thái Lan, quy hoạch xây dựng đập thủy điện của Lào có tác động nguy hại, cấp thiết ra sao tới hạ lưu để hài hòa lợi ích của các bên.

Từ đó, nước bạn có thể cắt giảm kế hoạch trữ nước của họ, họ có thể xem xét lại khối lượng nước họ sẽ lấy nhưng khó có thể ngưng lại kế hoạch. Cũng từ tiếng nói của Bộ Ngoại giao, xuất phát từ quan điểm của Chính phủ thì MRC Việt Nam sẽ có những động thái mới và kiên quyết hơn đối với MRC

Theo TS Quới, Chính phủ Việt Nam nên cùng kêu gọi các nước áng giềng cùng chung nguồn lợi sông Mê Kông như Lào và Campuchia phối hợp, đồng lòng phản ứng các quy hoạch xây dựng ở Thái Lan. Dù việc này không gây ra nhiều phản ứng mãnh liệt với nước bạn nhưng để có thể ngăn được việc xây dựng này thì cần phải làm như vậy.

“Campuchia vẫn đang cùng với Việt Nam đã nhìn thấy tương lai của các đập thủy điện khi dựng lên ảnh hưởng tới tài nguyên nước, tình hình xã hội và đời sống người dân ở khu vực sông như thế nào nên đã cam kết dừng các thủy điện tại Campuchia” – vị chuyên gia hi vọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới