Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinHọc giả Phó Côn Thành (Đại học Hạ Môn) diễn giải sai...

Học giả Phó Côn Thành (Đại học Hạ Môn) diễn giải sai luật biển

Ngày 04/3/2016, Trung tâm Mỹ-Trung có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ tổ chức tọa đàm về Biển Đông, trong đó có sự tham dự của ông Phó Côn Thành (Fu Kuen-chen), một học giả người Đài Loan làm việc tại Viện Nam Hải thuộc Đại học Hạ Môn, đồng thời là giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách đại dương thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải.

Tại buổi tọa đàm, ông Phó Côn Thành có bài trình bày với chủ đề “Đường chữ U ở Biển Đông: Lịch sử và luật pháp” (The U-shaped line in the South China Sea: History and law). Ông Phó mở đầu với việc đề cập đến Biển Đông như là một vùng biển nửa kín và theo Điều 123 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ phải hợp tác: “Các nước xung quanh vùng biển này có nghĩa vụ phối hợp với nhau về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật, nghiên cứu khoa học biển, v.v.”

Điều này có vẻ hợp lý vì trong bối cảnh tranh chấp gia tăng, việc dừng các hoạt động khiêu khích, gây bất ổn, thay vào đó tìm biện pháp hợp tác để giảm thiểu căng thẳng và tiến tới giải quyết tranh chấp là việc các nước nên làm. Nhưng, những phát biểu diễn giải tiếp theo của ông Phó liên quan đến “đường chữ U” có nhiều điểm đáng phê phán.

Thứ nhất, ông Phó nói“đường chữ U do Trung Hoa Dân quốc công bố vào năm 1947 là đường biên giới vì nó được vẽ giống như đường biên giới trên bộ truyền thống, và đây là sự tiếp nối của đường biên giới trên bộ của Trung Quốc”. Phát biểu này vô lý bởi vì đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc gia là tính ổn định và xác định, nhưng“đường chữ U” không đảm bảo được các yếu tố này. “Đường chữ U” ban đầu là 11 đoạn, sau đó Trung Quốc đã tự bỏ đi hai đoạn xuống còn 9 đoạn vào năm 1953 và mới đây lại là 10 đoạn. Theo luật pháp quốc tế về biển, ranh giới phía ngoài lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển và luôn được xác định bằng hệ thống tọa độ. Trong khi đó, “đường chữ U” không có tọa độ chính xác, không xác định cụ thể kinh độ, vĩ độ mà chỉ là những nét đứt với độ dầy mỏng không rõ ràng. Không những thế, các bản đồ xuất bản vào những giai đoạn khác nhau cùng kích thước khi xếp lại với nhau thì các “đường chữ U” bị lệch, không trùng khớp với nhau.

Ngoài ra, “đường chữ U” không đáp ứng quy định về giới hạn của lãnh hải. Như chúng ta đã biết, tại Hội nghị pháp điển hóa luật pháp lần thứ nhất tổ chức tại Hà Lan năm 1930, chính đoàn Trung Hoa Dân quốc ủng hộ lãnh hải của quốc gia ven biển có chiều rộng 3 hải lý. Suốt từ năm 1930 đến khi UNCLOS 1982 ra đời, các quốc gia luôn tìm cách thống nhất chiều rộng lãnh hải, song mức cao nhất mà cộng đồng quốc tế mong muốn và được ghi nhận trong UNCLOS 1982 là 12 hải lý. Theo tiêu chuẩn pháp lý này, “đường chữ U” không bao giờ đáp ứng để trở thành hoặc được công nhận là đường biên giới biển. Hơn nữa, đường này cũng không phải là đường giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 57 của UNCLOS vì vượt quá xa so với giới hạn 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Trung Quốc.

Thứ hai, ông Phó nêu đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ như là ví dụ điển hình về đàm phán biên giới trên biển. Đúng là đường phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ là đường ranh giới biển giữa 2 bên trong vùng Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, thực tế hiển nhiên là chính Trung Quốc dựa vào các yếu tố địa lý có liên quan và các quy định có liên quan của UNCLOS 1982 để phân định vùng biển này chứ không phải dựa vào “đường chữ U”. Hơn nữa, khi Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc và gửi kèm bản đồ “đường chữ U” tháng 5/2009, Việt Nam ngay lập tức đã gửi công hàm phản đối lên Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ chỉ liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc, trong khi yêu sách “đường chữ U” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, xâm phạm vào vùng biển của nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc không thể áp dụng một công thức cho hai vấn đề có bản chất khác nhau được.

Thứ ba, ông Phó nói “đường chữ U” là vùng nước lịch sử. Điều này phi lý vì: (i) Trung Quốc đã không thực thi chủ quyền của mình đối với vùng được yêu sách một cách thực sự, liên tục và hoà bình trong thời gian dài; (ii) Các nước trong khu vực, nhất là các nước láng giềng ven biển có lợi ích ở vùng biển này không chấp nhận, thậm chí còn phản đối. Ngoài ra, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận yêu sách “đường chữ U” là “vùng nước lịch sử” hoặc “quyền lịch sử” đối với vùng nước bên nằm bên trong đường này. Và, “đường chữ U” cũng trái với quy định liên quan đến vịnh lịch sử được công nhận trong Điều 10 và 15 của UNCLOS.

Thứ tư, bản đồ đánh dấu các khu vực mà ông Phó cho là Trung Quốc có quyền khai thác dầu khí bao gồm khu vực ngoài khơi Hồng Kông nhưng cũng đánh dấu cả khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Điều 56 của UNCLOS, quốc gia ven biển được quyền khai thác tài nguyên, thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và bảy thực thể ở Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực, trái với quy định tại Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc, trái với nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế. Trung Quốc không có chủ quyền với hai khu vực này,do đó không có quyền thăm dò, khai thác dầu khí ở đây.

Thứ năm, ông Phó đã diễn giải sai quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa khi nói cả đảo và đá đều có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Ông Phó diễn giải như vậy để biện hộ cho lập luận Trung Quốc có quyền vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh các thực thể nước này chiếm đóng ở Trường Sa và theo đó biện minh cho việc xây dựng và cải tạo và xây dựng trên các thực thể này. Tuy nhiên, Điều 121 của UNCLOS quy định rõ “đá” chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chưa kể nhiều cấu trúc Trung Quốc cải tạo bồi đắp ở Trường Sa chỉ là các bãi cạn nửa chìm nửa nổi, có quy chế pháp lý rất hạn chế. Đá là đá và đảo là đảo, bãi cạn nửa chìm nửa nổi là bãi cạn nửa chìm nửa nổi. Không có sự lẫn lộn về mặt quy chế pháp lý giữa các thực thể này. Các công trình nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây dựng trên các cấu trúc ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng không thể biến bãi cạn nửa chìm nửa nổi, đá thành đảo để hưởng các quy chế của đảo được, bởi đó chỉ là các đảo nhân tạo, không phải tự nhiên.

Thứ sáu, ông Phó đưa ra các ví dụ chứng minh rằng các nước đã công khai hoặc ngụ ý ủng hộ yêu sách “đường chữ U” của Trung Quốc, bao gồm việc Indonesia cho in sách tiếng Trung Quốc trong đó có “đường chữ U” vào những năm 1940-1950.

Điều này vô lý vì đó chỉ là những tập sách được in và phát tán cho mục đích nhất định trong cộng đồng người Hoa thiểu số sống tại Indonesia trong thời gian đó. Cơ quan in ấn của Indonesia không có uy tín, thậm chí lúc đó có thể không hiểu hoặc không quan tâm quyển sách viết những gì. Các sách đó không có giá trị pháp lý là tài liệu lịch sử chứng minh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc biệt, tất cả các tài liệu chính sử hoặc trong sách địa lý cổ của Trung Quốc (Trung Quốc gọi là phương chí) đều mô tả lãnh thổ của Trung Quốc có điểm tận cùng là phía nam đảo Hải Nam, như cuốn “Địa chí phủ Quỳnh Châu”, cuốn “Địa chí tỉnh Quảng Đông” năm 1973. Điều này cũng được ghi trong “Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ” phát hành năm 1894. Quyển sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư” phát hành năm 1906 cũng khẳng định điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu ở vĩ tuyến 18o13’ Bắc. Như vậy, các cuốn sách chính thống của Trung Quốc cũng chỉ khẳng định rõ chủ quyền của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Các sách tiếng Trung ở Indonesia vào những năm 1940-1950 mà ông Phó Côn Thành nêu có thể là những sách in để phát tán nội bộ cho cộng đồng người Hoa sống tại Indonesia. Hơn nữa, chính phủ Indonesia không những không khẳng định việc này mà còn chính thức phản đối “đường chữ U” của Trung Quốc tại Liên hợp quốc. Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong phát biểu ngày 23/3/2015 đã tuyên bố “đường chữ U” là “không có cơ sở chiểu theo bất cứ luật pháp quốc tế nào”. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới cũng đã công khai phản đối yêu sách “đường chữ U” của Trung Quốc dưới nhiều hình thức như gửi công hàm lên Liên hợp quốc, phát biểu tại các diễn đàn đa phương, hay xuất bản báo cáo chính thức phê phán “đường chữ U”. Thậm chí, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế, đề nghị Tòa đưa ra phán quyết “đường chữ U” vô hiệu. Cộng đồng thế giới đang rất quan tâm đến tiến trình của vụ kiện và bày tỏ sự ủng hộ đối với các lập luận của Philippines, hy vọng Tòa sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines. Do vậy, không thể nói là “đường chữ U” của Trung Quốc được ủng hộ như ông Phó đang lầm tưởng.

Tóm lại, học giả Phó Côn Thành đã cố tình diễn giải sai luật quốc tế, làm rối cho người nghe với những lập luận phi lý và không đủ để biện minh cho “đường chữ U” vô hiệu.

RELATED ARTICLES

Tin mới