Mới đây Chính phủ Indonesia đã chứng tỏ biện pháp mạnh trong việc bảo vệ hải phận và danh dự quốc gia. Họ sử dụng cả vũ lực, ngoại giao và luật pháp quốc tế để đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Ngày 22/3, chính quyền Ðài Bắc đã chính thức phản đối vụ hai tàu đánh cá Ðài Loan bị một tàu Indonesia đuổi, bắn trong vùng eo biển Malacca, giữa Indonesia và Singapore. Ðài Bắc biện luận rằng dù ngư phủ của họ vô tình đánh cá bất hợp pháp trong “vùng kinh tế” của Indonesia, thì cũng không vì thế mà sử dụng vũ lực vì họ không gây ra một thiệt hại nào khác.
Vụ đụng chạm giữa Ðài Loan và Indonesia có thể sẽ được giải quyết dễ dàng, khi Indonesia giải thích lý do tàu tuần tiễu hải phận của họ dùng biện pháp mạnh. Bởi vì Indonesia đã đụng độ nặng với Trung Quốc trước đó mấy ngày. Tối ngày 19/3 vừa qua, tàu tuần duyên của Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia bắt được một tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng kinh tế 200 hải lý quanh đảo Natuna, phía Bắc đảo Borneo. Nhân viên tuần cảnh đã bắt thuyền trưởng và thủy thủ chiếc tàu Trung Quốc, và kéo chiếc tàu của họ về đảo Natuna, làm bằng chứng. Nhưng một chiếc tàu Hải giám của Trung Quốc đã bám theo, và đến nửa đêm thì tiến đến gần tàu Indonesia trong phạm vi hải phận 12 hải lý. Sau đó, tàu hải giám Trung Quốc đã ép vào sườn chiếc tàu đánh cá để đẩy nó tuột ra ngoài, rồi kéo đi luôn.
Sau hành động “cướp” chiếc tàu bị bắt này, Ngoại trưởng Retno Marsudi đã phản ứng mạnh mẽ. Chính phủ Indonesia đã đưa giấy đòi đại sứ Trung Quốc tại Jakarta Tạ Phong phải đến trình diện để nghe lời phản kháng. Trong cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng yêu cầu Jakarta trả tự do cho tám thủy thủ và thuyền trưởng của họ bị bắt.
Ðiểm đặc biệt trong hành động của chính phủ Jakarta là họ đã để cho bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp mở cuộc họp báo ngay trong ngày 20/3, cho biết chính bà sẽ triệu tập ông đại sứ Trung Quốc tới nghe phản đối việc “cướp tàu”, còn bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Ngoại giao tới ngày hôm sau mới lên tiếng. Trong cuộc họp báo ngày 21/3, phó tư lệnh Hải Quân Indonesia cho biết sẽ huy động các tàu lớn để hỗ trợ cho các tàu tuần tiễu của Bộ Ngư nghiệp.
Phản ứng của chính phủ Indonesia trước hành động cướp lại chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc cho thấy Jakarta đã thay đổi đường lối trong cách đối phó với Trung Quốc. Trước đây, Indonesia đã nhiều lần “đụng” với các hành động lấn lướt của Trung Quốc, nhưng họ đã chọn đường lối mềm dẻo, hòa hoãn.
Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nền ngoại thương của Indonesia, một trong các nước nhập khẩu từ Indonesia nhiều nhất, trong đó có các nguyên liệu như dầu dừa và than đá. Gần đây hai nước đã ký thỏa hiệp trao cho các công ty Trung Quốc xây dựng đường xe lửa cao tốc giữa thủ đô Jakarta và Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java.
Vì vậy, nhiều lần chính phủ Indonesia không phản đối khi có đụng độ với Trung Quốc. Thí dụ, một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp bị bắt vào năm 2013, nhưng khi bị tàu Trung Quốc dùng súng máy uy hiếp thì tàu tuần duyên Indonesia đã phải thả cả thuyền lẫn người.
Nhưng từ năm 2014, Jakarta đã hành động cương quyết hơn, bắt các ngư phủ vi phạm lãnh hải của họ và đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp. Sau khi đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu gay go, Tổng thống Joko Widodo đi thăm Nhật Bản, đã chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trong vùng Biển Ðông. Trên bản đồ, khu vực đường chín đoạn này không đụng chạm vào hải phận Indonesia kể cả quần đảo Natuna mà Trung Quốc phải chính thức xác nhận, sau khi Indonesia dọa sẽ đưa ra tòa nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với các đảo này.
Tháng 10/2015, Tổng thống Widodo sang Mỹ gặp Tổng thống Obama, trong dịp này Indonesia nhắc lại chính sách đối với đường chín đoạn. Chính phủ Indonesia cũng ủng hộ lập trường của Mỹ không công nhận các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc và nhờ Mỹ giúp xây dựng lực lượng tuần duyên hiện đại.
Thái độ mới gần đây của chính phủ Indonesia được thể hiện trên nhiều mặt. Ngoài hành động đưa tuần duyên hoạt động tích cực hơn, lời hứa hẹn của hải quân sẽ đem tàu súng lớn tới hỗ trợ các tàu tuần duyên, bà Bộ trưởng Ngư nghiệp Susi Pudjiastuti còn nói rằng, “Indonesia có thể sẽ đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển”.
Hành động phản kháng mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia trong tuần này cũng phù hợp với thái độ mới của các nước Ðông Nam Á. Trước đây các nước này thường né tránh không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Nhưng trong tuần trước, ông Hishammuddin Hussein, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã tuyên bố rằng các nước Ðông Nam Á cần hợp tác chống lại kế hoạch bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển chung này. Các nước Ðông Nam Á không thể kiên nhẫn trước các hành động mỗi ngày một hung hăng của Bắc Kinh. Ðây là một cơ hội tạo một liên minh Ðông Nam Á ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.