Vài giờ sau vụ tàu cảnh sát biển Trung Quốc chạm trán tàu Indonesia trên Biển Đông, một nhà ngoại giao cấp cao ở Bắc Kinh đã gọi điện nhờ Jakarta không tiết lộ cho báo chí.
Quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Đồ họa: Developmentadvisor
Một nguồn tin từ chính phủ Indonesia tiết lộ với Bloomberg rằng, nhà ngoại giao Trung Quốc đã năn nỉ với họ “Đừng cung cấp vụ việc cho báo chí. Hai nước vẫn là bạn của nhau”.
Sự “vận động” này xuất phát từ việc Indonesia bắt tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna, nhưng bị tàu hải cảnh Trung Quốc tiến tới ngăn cản, xảy ra vào tuần trước.
Vị quan chức Indonesia không nêu cụ thể tên nhà ngoại giao của Bắc Kinh do tính nhạy cảm của sự việc. Tuy nhiên, ông cho biết Jakarta đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và quyết định tổ chức một cuộc họp báo để phản đối hành động của nước này.
Quan chức Indonesia nhấn mạnh, thoạt đầu họ không muốn làm lớn chuyện, nhưng buộc phải phản ứng do hành động của Trung Quốc lần này vô cùng nghiêm trọng, và Bắc Kinh dường như quyết liệt trong việc tăng cường các hành vi gây hấn trên biển.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Indonesia không phản hồi trước yêu cầu bình luận của Bloomberg về thông tin trên. Tuy nhiên, việc “vận động cửa sau” cho thấy Indonesia và Trung Quốc đều muốn hướng tới quản lý và giải quyết các sự cố một cách lặng lẽ, vì nhiều lý do khác nhau.
Indonesia có truyền thống tránh nêu quan điểm công khai về những sự cố trên Biển Đông, do nước này muốn duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Indonesia. Tổng thống Joko Widodo cũng đang dựa vào phần lớn nguồn hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Indonesia.
“Trong quá khứ, khi những sự cố (như đối đầu ở đảo Natuna) xảy ra, Indonesia thường tìm cách giảm nhẹ hoặc thậm chí che đậy sự việc vì bảo đảm các mối quan hệ thương mại.
Nhưng nếu Trung Quốc tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái của nước này trong vùng biển Indonesia, Jakarta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ trích Trung Quốc, và chống lại hành vi ngang ngược của Bắc Kinh”, ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định.
Trong khi đó, Trung Quốc nhận thức rõ nước này đang cần tăng cường sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines.
Trước đó, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích sau hàng loạt động thái quân sự ở Biển Đông, như triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và ngăn cản ngư dân Philippines đánh cá.
Thời báo Hoàn cầu, tờ báo thường có giọng điệu khiêu khích và hiếu chiến của Trung Quốc, ngày 23/3 lại đăng bài kêu gọi hai bên kiềm chế, hướng tới lợi ích chung của những dự án như tuyến đường sắt cao tốc mà Trung Quốc đang hỗ trợ Indonesia xây dựng, nối từ Jakarta đến Bandung.
“Trung Quốc không muốn tranh chấp với các nước láng giềng trong cùng một lúc. Quần đảo Natuna thuộc về chủ quyền Indonesia và Trung Quốc không phản đối điều này.
Tuy nhiên, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia chồng lấn với ‘đường 9 đoạn’ nên các tranh chấp đánh bắt cá ở khu vực này là không thể tránh khỏi”, Thời báo Hoàn cầu viết.