Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Sau 17 năm thực hiện, Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển (LL CSB) Việt Nam đã tạo cơ sở thuận lợi để LL CSB hoạt động, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thực tiễn, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi để đảm bảo cho LL CSB Việt Nam thực thi có hiệu quả nhiệm vụ, chức năng của mình.

Những kết quả tích cực

Ngày 28/3/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh LL CSB Việt Nam. Tháng 8/1998, LL CSB được thành lập và đi vào hoạt động ngay sau đó. Sự ra đời của LL CSB Việt Nam đánh dấu sự hình thành một lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực thi pháp luật trên biển. LL CSB Việt Nam được xác định là lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, điều hành. Từ năm 1998 đến nay, Pháp lệnh LL CSB Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một lần, bảo đảm không ngừng đáp ứng yêu cầu hoạt động của LL CSB trên biển. Bộ Quốc phòng cũng đã tham mưu với Chính phủ và trực tiếp ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm cho CSB Việt Nam có đầy đủ quyền hạn, phát huy được chức năng của mình trong quá trình hoạt động. Nhìn một cách tổng thể thì hệ thống văn bản đã ban hành bảo đảm khá đồng bộ, phù hợp với các quy định trong Pháp lệnh và các quy định về quy phạm pháp luật của Việt Nam.

Sau 17 năm xây dựng và trưởng thành, CSB VN đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức và khả năng hoạt động, thực thi pháp luật trên biển.

Sau 17 năm thực hiện Pháp lệnh, LL CSB đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức, lực lượng và khả năng hoạt động thực thi pháp luật trên biển. Từ lúc ban đầu là một đơn vị trực thuộc Quân chủng Hải quân, đến nay, LL CSB Việt Nam đã phát triển thành Bộ Tư lệnh với các cục chức năng và các đơn vị trực thuộc với cấp Bộ Tư lệnh Vùng CSB. Tên giao dịch quốc tế của LL CSB Việt Nam được thay đổi từ Vietnam Marine Police thành Vietnam Coast Guard. Như vậy có thể thấy, LL CSB Việt Nam đã có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có hệ thống chỉ huy thống nhất từ trên xuống dưới. Về cơ sở vật chất, LL CSB Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đầu tư và từng bước hiện đại hóa, bảo đảm cho CSB có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ thực thi pháp luật trên biển và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác.

Cho đến nay, LL CSB Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hàng chục nghìn người ở khắp các địa phương về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo. Cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí tuyên truyền hàng chục nghìn tin bài về nhiệm vụ thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. LL CSB Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các lực lượng khác thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh trên biển, tích cực hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ các địa phương ven biển xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo của Tổ quốc.

Trong suốt 17 năm thực hiện Pháp lệnh, LL CSB Việt Nam đã xử lý hơn 12.600 vụ vi phạm hành chính trên biển, xử phạt hơn 6.600 lượt tàu thuyền vi phạm (cả trong và ngoài nước) với tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 38 tỷ đồng. Xử lý hàng nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ khối lượng lớn hàng hóa buôn lậu trị giá hàng trăm tỷ đồng.

LL CSB Việt Nam cũng đã làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là đối với các vùng biển xa; đã thực hiện hàng trăm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn xa bờ, cứu hộ được hàng trăm phương tiện, thủy thủ, lai dắt hàng nghìn lượt tàu cá của ngư dân gặp nạn vào nơi trú ẩn an toàn. Các đơn vị CSB cũng đã cung cấp hàng nghìn lít dầu, hàng vạn lít nước ngọt và nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men cho các ngư dân gặp nạn tại các vùng biển xa. Những việc làm của LL CSB Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc xây dựng thế trận lòng dân, giúp ngư dân có chỗ dựa vững chắc khi hoạt động đánh bắt dài ngày trên biển.

Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, LL CSB Việt Nam cũng đã làm tốt việc hợp tác quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, CSB Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ song phương, đa phương với 7 tổ chức và 15 lực lượng thực thi pháp luật trên biển thuộc các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Sự hợp tác với các nước bạn đã bảo đảm cho LL CSB Việt Nam thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài; đồng thời nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam là quốc gia ven biển đối với các nước trong khu vực và thế giới.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Sau 17 năm thực hiện, Pháp lệnh LL CSB Việt Nam đã tạo ra những thuận lợi cơ bản trong điều chỉnh hoạt động của CSB Việt Nam. Tuy nhiên, với những thay đổi của thực tiễn, Pháp lệnh đã bộc lộ những bất cập cần phải khắc phục thì mới có thể bảo đảm cho LL CSB Việt Nam thực thi có hiệu quả nhiệm vụ, chức năng của mình.

Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vừa được tổ chức vào ngày 29/02/2016.

Tại Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vừa được Bộ Quốc phòng tổ chức, nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương cho thấy: Hiện nay, tình hình trên biển đã có những diễn biến mới, đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển đảo phải ngày càng hoàn thiện, vừa phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, vừa phù hợp với các thông lệ và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên, trong đó có Pháp lệnh LL CSB Việt Nam. Hơn nữa, LL CSB Việt Nam được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ X, do đó, cần phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của CSB. Hiện nay, nhiều quy định trong Pháp lệnh đã không còn phù hợp, nhất là các quy định về vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng đối với LL CSB chưa thống nhất với sự điều chỉnh trong một số nghị định của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.

Một số quy định về thẩm quyền, hoạt động của LL CSB Việt Nam trong Pháp lệnh còn chưa cụ thể, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Trong Pháp lệnh cũng chưa quy định biện pháp nghiệp vụ của LL CSB Việt Nam, do đó thiếu tính thực tiễn khi triển khai, hiệu quả hoạt động bị hạn chế, nhất là trong việc phối hợp với các lực lượng khác khi thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên biển.

Một vấn đề khác là các quốc gia ven biển trong khu vực cũng đều đã ban hành Luật Cảnh sát biển hoặc Luật về Lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quy định về lực lượng Coast Guard có chức năng tương tự như LL CSB Việt Nam. Vì vậy, nếu chỉ dừng ở hình thức Pháp lệnh thì sẽ không tương đồng với thực tiễn lập pháp quốc tế, làm ảnh hưởng đến giá trị pháp lý đối với các quy định trong văn bản pháp luật liên quan đến những hoạt động mang tính đại diện cho Nhà nước của LL CSB Việt Nam.

Nhìn ở khía cạnh khách quan thì tình hình vùng biển trong khu vực ngày càng có những diễn biến phức tạp. Yêu cầu về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển ngày càng cao. Nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc bảo vệ chủ quyền vùng biển bằng pháp luật, do lực lượng chuyên trách tiến hành, càng cần phải có tính phổ biến và trở thành thông lệ. Hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp công tác, biện pháp nghiệp vụ trong việc nắm thông tin, đấu tranh với tội phạm… của LL CSB Việt Nam hiện nay còn vận dụng ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất, có lúc bị chồng chéo, dẫn đến hạn chế về hiệu quả…

Từ những hạn chế trên cho thấy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một tất yếu và cấp thiết, nhằm đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, đồng thời là sự tuân thủ quy định của Hiến pháp 2013 về hạn chế quyền con người, quyền công dân nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Xây dựng Luật CSB Việt Nam cũng chính là một bước nội luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh LL CSB Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung – Ủy viên Thường vụ QUTW, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Từ những ý kiến phân tích của các đại biểu và những nhận định, đánh giá trong Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh LL CSB Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung kết luận: Trong những năm qua, việc thực thi Pháp lệnh đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng triển khai nghiêm túc và đã đạt được những kết quả thiết thực, bảo đảm cho LL CSB Việt Nam hoạt động khá thuận lợi, hiệu quả. Việc thực thi tốt Pháp lệnh đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam với tư cách là quốc gia về biển đối với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cần phải xây dựng Luật CSB Việt Nam để giải quyết những vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, bảo đảm cho LL CSB Việt Nam có đủ điều kiện để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, góp phần duy trì tốt tình hình an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Việc xây dựng Luật CSB Việt Nam phải dựa trên những tổng kết về thi hành Pháp lệnh, đồng thời thể chế hóa mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, đặc biệt là chiến lược quốc phòng, an ninh và đối ngoại trên biển. Luật CSB Việt Nam khi xây dựng phải bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật của Việt Nam, đồng thời phải có kế hoạch xây dựng đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành để khi văn bản luật có hiệu lực là có thể áp dụng được ngay. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu trong thời gian xây dựng Luật, các đơn vị vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh, bảo đảm duy trì hiệu quả mọi hoạt động của LL CSB Việt Nam trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới