Các hành động gần đây của Đài Loan trên biển Đông đã gây quan ngại cho khu vực, theo CNN ngày 28/3
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu. Ảnh: Reuters
Không phải đến tận bây giờ, Đài Loan mới tuyên bố chủ quyền chồng lấn đối với vùng Biển Đông. Song các hành động gần đây của Đài Loan gây quan ngại cho các nước trong khu vực, theo CNN ngày 28/3.
Mọi việc trở nên căng thẳng khi tuần trước, lãnh đạo Đài Loan đã cho mời một nhóm phóng viên ra thăm đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã nói trong cuộc họp báo hôm 23/3 vừa qua rằng, Đài Loan hoàn toàn có quyền “được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” – nơi cung cấp cho hòn đảo các tài nguyên biển.
Hồi cuối tháng 1 năm nay, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng đã gây xôn xao dư luận khi thăm trái phép đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái được xem là làm gia tăng căng thẳng khu vực. Ông Mã tỏ ra khá… thản nhiên trước phản ứng của dư luận, mặc dù trước đó Đài Loan luôn lên tiếng rằng sẽ không đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông: “Tôi không hiểu chuyến đi của tôi làm gia tăng căng thẳng như thế nào”.
Trong khi đó, Sonia Urbom, phát ngôn viên của cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Bắc cho rằng: “Hành động đó là hoàn toàn vô ích và không đóng góp vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.
Hiện các quốc gia, vùng lãnh thổ tuyên bố chồng lấn chủ quyền Biển Đông gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc – với diện tích “khổng lồ” trên bản đồ khu vực, lớn tiếng tuyên bố hầu hết chủ quyền Biển Đông.
Để củng cố lập trường của mình, Bắc Kinh đã cho xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một loạt đảo san hô gần Philippines và Malaysia…
Những dự án trái phép của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông đã gây ra mối quan ngại lớn đối với các quốc gia láng giềng. Ông Bruce Linghu, người phụ trách ngoại giao của đảo Đài Loan cho hay: “Giống như hầu hết các quốc gia trong khu vực, chúng tôi phản đối sự bành trướng và quân sự hóa Biển Đông”. Nhà ngoại giao của hòn đảo Đài Loan cũng bày tỏ lo ngại rằng tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông có thể gây ra “đối đầu hay xung đột” trong khu vực.
Liên quan đến diễn biến trên Biển Đông, hôm 24/3 vừa qua, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tiến hành ở hai khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Việc phía Đài Loan bất chấp những quan ngại và phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, đưa phóng viên ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như quan hệ hai bên.
Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.