Ấy là diễn giải theo “ý văn học” câu nói của Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 24.3 về việc nhà nước phải xử lý quyết liệt nạn tham nhũng hiện nay.
Trả lời câu hỏi về số lượng “công chức béo”, ĐB Đương nói nguyên văn: “Không thể nói cụ thể ngay được, nhưng theo cử tri phản ánh thì chắc chắn là nhiều. Có người nói chỉ 1% dân số thôi nhưng tổng thu nhập của họ bằng 99% dân số, ở một số nước đấy. Xem phim Lưu gù (Tể tướng Lưu gù – NV) thấy đấy, ngân khố quốc gia có 2 triệu lạng vàng, riêng Hòa “đại nhân” có 800 nghìn lạng. Thử hỏi quốc gia mà có nhiều Hòa “đại nhân” thì dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết”, theo báo Lao động.
Có lẽ trước hết, cũng nên nhắc đôi nét về nhân vật Hòa “đại nhân” (Hòa Thân đồng thời cũng là nhân vật trong phim truyền hình Trung Quốc “Tể tướng Lưu gù”) nổi tiếng này.
Theo sử sách Trung Quốc, Hòa Thân là vị thượng quan dưới triều Can Long, nổi tiếng về tài xu nịnh và tham nhũng. Ông ta thao túng chốn quan trường, rất giỏi vơ vét của công và ăn hối lộ. Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có câu “Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có”. Tổng cộng tài sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, tương đương số tiền quốc khố nhà Thanh thu được trong 15 năm.
Khi mà tài sản của quan chức giàu đến mức đó thì đương nhiên sẽ có hai nơi nghèo khó. Đó là ngân khố quốc gia và người dân lương thiện. Cho nên muốn “dân giàu, nước mạnh” thì tất nhiên là phải loại bỏ những kẻ như Hòa Thân và cao hơn nữa, cần có những cơ chế để không có đất sống cho những “hòa thân”.
Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có “Hòa Thân”? Đây là câu trả lời không dễ trả lời, song chăc chắn có hai nguyên nhân chính. Một là Hòa Thân rất giỏi xu nịnh cấp trên và thứ hai, ông ta cũng rất giỏi vơ vét.
Xin ví dụ một việc, đó là luật “Nghị tội ngân” – lấy bạc để chuộc tội. Dựa vào luật này, lớp quan lại trở nên tham nhũng khủng khiếp.
Thế nhưng vì sao ông ta lại có thể đặt ra luật này? Có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân quan trọng, đó là ông ta thao túng được triều đình.
Khi luật này được ban hành, quan lại thả sức tham nhũng và tất nhiên, người hưởng lợi nhiều nhất chính là Hòa Thân.
“ Wikipedia tiếng Việt ” viết: “Hòa Thân nắm được quyền to, các đại sự khác không thèm ngó ngàng, chỉ một mực vơ vét của cải. Ông ta không những nhận hối lộ mà còn công khai đòi tiền, không những tham ô ngấm ngầm mà còn tước đoạt trắng trợn. Các cống phẩm dâng lên hoàng đế đều phải qua tay Hòa Thân. Trước hết Hòa Thân chọn lấy những thứ cực kỳ quý hiếm, tinh xảo dành cho mình, còn thừa lại mới đưa vào cung…”.
Vơ vét của dân đến thế. Tham nhũng ngân khố quốc gia đến thế nhưng cuối đời, ông ta chết trong bi thảm, tất cả tài sản bị sung công quỹ âu cũng là cái kết có hậu của lẽ đời.
Song, “Được vạ má sưng”, đến lúc đó thì đất nước lao đao, người dân khánh kiệt mất rồi. Cho nên vấn đề đặt ra vẫn là làm thế nào để không có “đất” cho Hòa Thân sống.
Trung Quốc thời Càn Long chỉ có một Hòa Thân mà đã vậy, nếu như “quốc gia mà có nhiều “Hòa đại nhân” thì “dân còn gì để ăn, tài sản quốc gia hết” như lời ĐB Đỗ Văn Đương.
Đất nước nhiều “Hòa Thân”, tất yếu nhân dân nhiều “chị Dậu”, phải không các bạn?