Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười Triều Tiên trốn ra nước ngoài như thế nào?

Người Triều Tiên trốn ra nước ngoài như thế nào?

Ở nơi gần biên giới Trung Quốc và Triều Tiên có thể nhận được tín hiệu điện thoại cầm tay từ Trung Quốc, đây chính là chiếc cầu nối quan trọng để người Triều Tiên liên kết với thế giới bên ngoài, là con đường để người Triều Tiên liên hệ với người thân trốn ra nước ngoài.

Thời báo New York đã thuật lại câu chuyện về một phụ nữ Triều Tiên liên lạc với người cha chạy sang Hàn Quốc. Cha cô Ju Chan-yang nhờ một người trung gian đến từ Trung Quốc. Người trung gian này đến thành phố Chongjin gặp Ju và ra ký hiệu riêng chỉ có cô và cha cô biết. Ju hiểu anh ta là người có thể tin tưởng được. Người trung gian nói cô đến một nơi ở vùng biên giới giáp Trung Quốc gọi điện thoại cho cha cô ở Hàn Quốc.

Vào mùa hè năm 2010, cha cô yêu cầu cô tới vùng biên giới và ở đó cô được một binh sĩ Triều Tiên đón (người lính nằm trong đường dây buôn lậu), người lính này đã âm thầm giúp cô bơi qua con sông giáp ranh Trung – Triều. Sau khi cô đến được bờ bên kia, một người Trung Quốc khác đến đón cô và giúp Ju trả tiền công cho người lính.

Ju kể với Thời báo New York, người lính Triều Tiên khi đưa Ju qua sông đã dùng túi nhựa kín cho điện thoại cầm tay vào và ngậm trong miệng. Vào năm 2011 Ju đến được Hàn Quốc.

Phát hiện liên lạc với bên ngoài sẽ bị trừng trị

Nhưng chiếc cầu nối bí mật giữa người Triều Tiên và bên ngoài đang ngày càng bị Kim Jong-un kiểm soát chặt chẽ.

Theo tin từ Thời báo New York, vào năm 2014 Kim Jong-un ra lệnh thắt chặt kiểm soát, hạn chế tối đa luồng thông tin từ nước ngoài, nghiêm cấm người dân Triều Tiên liên hệ với bên ngoài chạy trốn. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát vùng biên giới với Trung Quốc, làm nhiễu sóng điện thoại, hoặc qua tín hiệu để truy tông tích người sử dụng điện thoại. Số người trốn thành công đến Hàn Quốc năm 2009 là 2.914 người, tuy nhiên vào năm ngoái chỉ còn 1.276 người.

Vừa qua, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã có báo cáo 57 trang, theo đó cho biết nếu chính quyền Kim Jong-un phát hiện ra người Triều Tiên nào dùng điện thoại cầm tay sẽ bị truy tố hình sự. Nếu phát hiện công dân Triều Tiên liên lạc điện thoại với Hàn Quốc hoặc nước thù địch thì họ phải đối diện cáo buộc tội phản quốc.

Truyền thông nước ngoài ngày càng khó tiếp cận Triều Tiên

Tình trạng thắt chặt kiểm soát của Kim Jong-un khiến giới truyền thông ngày càng khó khăn tiếp cận thông tin từ đất nước độc tài này.

Cô Kang Meijin, phóng viên của DailyNK (Hàn Quốc) từng chia sẻ với Thời báo New York, khi người liên lạc với cô gọi điện cho cô thì họ phải khóa cửa lại và canh chừng người bên ngoài. Cô Kang Meijin đã dặn họ mang bên người 2000 Nhân dân tệ để hối lộ quan chức.

Do cô Kang Meijin có những mối quan hệ bí mật ở Triều Tiên nên khai thác được nhiều thông tin về Kim Jong-un. Cô chính là người đầu tiên đưa tin vợ của Kim Jong-un mang thai và Kim Jong-un bị phẫu thuật mắt cá chân nên đi lại khó khăn.

Cô Kang Meijin nói, những người Triều Tiên mà cô tiếp xúc được rất khát khao được biết thông tin bên ngoài. Họ muốn biết những người trốn thoát đến Hàn Quốc sống như thế nào, người Hàn Quốc kiếm được mỗi tháng bao nhiêu tiền, liệu có đúng nhiều phụ nữ Hàn Quốc dư thừa quần áo đến nỗi không thể mặc hết không?

Triều Tiên có mạng điện thoại cầm tay riêng, nhưng không cho phép gọi quốc tế. Đa số người dân thường chỉ có thể liên lạc điện thoại trong nước.

Việc kết nối Internet chỉ hạn chế trong phạm vi giới lãnh đạo cấp cao và thượng khách nước ngoài. Người Triều Tiên cũng bị cấm liên lạc với người Hàn Quốc dưới bất cứ hình thức nào.

Vì thế, với đa số dân thường Triều Tiên, cách duy nhất để có thể kết nối với nước ngoài là tới vùng biên giới Trung – Triều, dùng điện thoại lậu để gọi ra bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới