Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐàm luận4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ 3)

4 kịch bản cho Biển Đông (Kỳ 3)

Như ở phần trên chúng tôi đã phân tích, Trung Quốc đang muốn xây dựng một con đường tơ lụa trên biển, độc chiếm và bành trướng xuống phía Nam, và nếu Trung Quốc chiếm được quần đảo Trường Sa theo như tuyên bố của Trung Quốc trước đây từ năm 2008, là đến năm 2030 sẽ thu hồi hết các đảo ở Biển Đông, thì rõ ràng trật tự thế giới đã đảo lộn. Và một lần nữa, Việt Nam – một dân tộc đã chịu rất nhiều khổ đau, bởi đã để đất nước mình thành một “quân cờ” mà người chơi cờ là các nước lớn.

Kỳ 3- Các kịch bản cho Biển Đông trong 10 năm tới

Từ những cơ sở phân tích trên chúng ta hãy xem Biển Đông sẽ xảy ra theo những kịch bản nào.

1Kịch bản thứ nhất: Trung Quốc ép Việt Nam phải nổ súng và lấy đó làm cái cớ để tấn công.

Từ sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Việt Nam đã luôn nín nhịn và cố gắng giữ hòa khí với Trung Quốc theo những lời lẽ viển vông của“16 chữ vàng”. Và Trung Quốc cũng đã thắng lợi bằng cách ru ngủ các lãnh đạo Việt Nam, luôn tạo cho lãnh đạo Việt Nam suy nghĩ “phải giữ hòa khí, phải nhìn về đại cục”. Đồng thời lúc thì dùng củ cà rốt, lúc thì dùng cây gậy. Và Trung Quốc luôn luôn nắm thế chủ động trong cuộc chơi với Việt Nam.

Lần này, Trung Quốc sau khi xây dựng xong các khu căn cứ quân sự ở trên một số đảo mà Trung Quốc đã chiếm được rồi tôn tạo, Trung Quốc sẽ lập vùng quản lý bay. Lập vùng quản lý bay xong, Trung Quốc sẽ lùa đội tàu đánh cá, mà thực chất đây là dân quân trên biển đội lốt ngư phủ, được trang bị vũ khí bộ binh cỡ nhỏ và một số vũ khí hạng trung nhưng có uy lực ghê ghớm như B40, B41, tên lửa vác vai tầm ngắn. Cũng giống như trong chiến tranh biên giới phía Bắc, bên cạnh quân chủ lực, Trung Quốc bao giờ cũng lùa dân binh đi trước, vừa là bia đỡ đạn vừa để đối phương bộc lộ các vị trí hỏa lực. Bao giờTrung Quốc cũng đưa đội tàu đánh cá tràn xuống phía Nam và chúng sẽ áp sát các đảo của Việt Nam mà Việt Nam đang đóng giữ. Thậm chí, những đội này sẽ còn giở nhiều chiêu trò như giả vờ hỏng máy, giả vờ bị nạn, rồi lên đảo xin tá túc chờ cứu viện… Trong tình hình đấy, Việt Nam không thể dùng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và kiểm ngư ngăn chặn nổi. Bởi đội tàu thuyền của Trung Quốc quá lớn và đặc biệt những loại này sẵn sàng “cào mặt ăn vạ”, đến lúc chịu không nổi, thậm chí đội dân binh này sẽ chủ động gây sự, tấn công trước, buộc lực lượng chấp pháp của ta nổ súng và rồi Trung Quốc có cớ “bảo vệ ngư dân”, sau đó sẽ tấn công các đảo của Việt Nam.

Nhìn trên bản đồ hiện nay, có hai đảo là Nam Yết và Sinh Tồn sẽ bị Trung Quốc tấn công đầu tiên. Hai đảo này nằm rất gần Gạc Ma, vì vậy nếu chiếm được sẽ tạo được thế liên hỏa, khống chế được vùng rộng lớn. Còn các đảo Trường Sa, Song Tử Tây và các đảo khác còn cách rất xa. Với tiềm lực quân sự của Trung Quốc, việc chiếm những hòn đảo này không phải là khó. Tuy nhiên cũng không thể không tính đến, đó là lực lượng quân sự của Việt Nam trang bị vũ khí, khí tài đã khác xưa rất nhiều, nếu Trung Quốc đưa tàu sân bay các tàu chiến cỡ lớn xuống thì dễ dàng làm mồi cho tàu ngầm của Việt Nam và các loại Su30, tên lửa đối hạm mà Việt Nam đang có. Chính vì thế mà Trung Quốc sẽ chỉ dùng lực lượng chính quy yểm trợ, đồng thời gây sức ép với đảo khác, còn lực lượng nổ súng chiếm đảo chính là các đội tàu đánh cá. Chiến thuật “biển người” sẽ được áp dụng trong trường hợp này. Song song với trên biển, Trung Quốc cho tàu đánh cá và các tàu có vũ trang khác đe dọa, thậm chí tấn công các giàn khoan của Việt Nam ở vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu kịch bản này xảy ra thì thiệt hại ghê ghớm đầu tiên thuộc về Việt Nam, bởi sẽ có một loại các giàn khoan ngừng hoạt động, các liên doanh nước ngoài ngoài với Dầu khí sẽ rút. Lực lượng bảo vệ bờ biển lúc này sẽ phải căng ra bảo vệcác giàn khoan. Và cuộc chiến trên Biển Đông sẽ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng khác khiến tuyến vận tải hàng hải chở dầu sang Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ bị tắc. Song song với đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục dàn quân gây sức ép với tuyến biên giới phía Bắc. Đồng thời, tiến hành những trò phá hoại kinh tế, như không mua gạo nông sản thực phẩm của Việt Nam; một số liên doanh của Đài Loan, Trung Quốc đang ở Việt Nam sẽ rút về giống như họ đã từng ăn vạ trong vụ giàn khoan HD-981 năm 2014.

Xét về tính khả thi thì đây là kịch bản dễ xảy ra nhất, bởi Trung Quốc sẽ sử dụng được đội dân binh, ngư phủ, tránh được chuyện đối đầu tổng lực, đồng thời cũng ngăn chặn được việc các nước khác can thiệp bằng quân sự. Bởi Trung Quốc sẽ lu loa lên rằng, ngư dân của họ có quyền bảo vệ ngư trường, có quyền chống lại khi bị xâm hại. Và trong trường hợp này, có khi Chính phủ Trung Quốc lại vẫn giở giọng “Rất lấy làm tiếc vì đây là hành động tự phát của dân chúng mà chính phủ không kiểm soát được”. Mỹ và các nước khác cũng khó có thể dùng máy bay tàu chiến để tấn công ngư dân.

2 – Kịch bản thứ hai: Cuộc chiến tổng lực trên Biển Đông

Kịch bản này xảy ra trong trường hợp Mỹ đưa lực lượng hải quân, không quân hùng hậu tiến xuống Biển Đông và ngang nhiên chiếm các đảo Việt Nam đang giữ. Khi đó Việt Nam cũng sẽ huy động tổng lực quân sự của mình để đánh lại. Tiếp đó, Mỹ và Philippines cũng sẽ tham chiến và biển Hoa Đông sẽ có Nhật tham gia “chia lửa” với Mỹ.

Kịch bản này, nếu xảy ra thì đây là cuộc đại chiến thế giới thứ ba.

Và nếu xảy ra điều này thì thiệt hại về phía Trung Quốc. Bởicác cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa bao năm nay cũng sẽ thành tro bụi, tất cả các đảo ở quần đảo Trường Sa cũng thành tro bụi, bởi đảo ở đây rất nhỏ, chỉ cần vài chục quả bóm đánh trúng là cũng đã đủ xóa sạch, còn những đảo chỉ cần một quả tên lửa nhỏ thì không ai sống sót. Ngay một số đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép và đường băng lớn thì cũng không thể tồn tại được một khi tấn công bằng bom đạn, nhất là trong chiến tranh hiện đại. Những đảo này có thể bị hủy diệt ngay bởi các loại tên lửa hành trình và máy bay ném bom tầm xa.

Việt Nam cũng sẽ thiệt hại rất nặng nề. Hàng chục giàn khoan ở vùng Thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông có nguy cơ bị tấn công, và nếu vậy, ngoài thiệt hại về kinh tế, còn gây ra thảm họa môi trường cực kỳ to lớn.

( Xem tiếp kỳ sau)

RELATED ARTICLES

Tin mới