Sunday, December 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBảo vệ nhà báo thế nào đây?

Bảo vệ nhà báo thế nào đây?

Liên tiếp các vụ hành hung nhà báo xảy ra thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm trong nghề báo. Vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị đánh đập dã man đã gióng lên thêm một hồi chuông báo động khẩn cấp.
 

Đối tượng ngày càng manh động

Trong khi sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) bị hành hung trong quá trình tác nghiệp còn chưa hết khiến dư luận sửng sốt thì ngày 26-3 vừa qua, phóng viên Quang Tới (Báo Bảo vệ Pháp luật) lại bị một nhóm người hành hung.

Sự việc xảy ra khi phóng viên Quang Tới đi xác minh thông tin về việc nạo vét luồng tại địa phận sông Cầu thuộc địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Sau khi ghi nhận tình hình tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, phóng viên Tới sang huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để ghi lại cảnh nạo vét luồng lạch sông Cầu. Phóng viên Tới kể: Sau khi ghi nhận sự việc tại hai tỉnh, tôi có ghé vào quán cà phê có địa chỉ số 111 trên đường Nguyễn Gia Thiều, TP Bắc Ninh uống nước cùng đồng nghiệp thì bị một nhóm người lao vào đánh hội đồng, họ liên tiếp đánh vào đầu và mặt tôi, rồi sau đó lên chiếc xe có biển kiểm soát 36A1-8641 bỏ đi. Trước khi bỏ đi, những người này còn buông lời thách thức: “Có cần gọi công an không, tao gọi cho. Mày thích, tao điều thêm mấy thằng xiên cho mày mấy nhát nữa”.

Sau khi bị đánh, phóng viên Tới và đồng nghiệp đã đến Công an thành phố Bắc Ninh trình báo sự việc, đồng thời báo cáo Ban Biên tập Báo Bảo vệ Pháp luật. “Hiện do bị đánh liên tiếp vào sau gáy nên đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy đau nhức mặc dù sau khi bị hành hung, tôi đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để chụp cắt lớp” – phóng viên Tới kể thêm.

bao ve nha bao the nao day
Luật sư Đặng Xuân Cường

Trước đó, ngày 23-3 khi đang trên đường đi thực hiện nhiệm vụ, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) cũng bị ba đối tượng lạ mặt đánh trọng thương. Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng kể lại thì: “Sau khi chở con đi học, tôi tiếp tục đi thực hiện nhiệm vụ do cơ quan giao, khi đến khu vực phía sau chung cư Kim Văn – Kim Lũ (Hà Nội) thì thấy một người đàn ông cao to cầm một chiếc gậy chặn đường. Lúc này, tôi nghĩ rằng là người của chính quyền đang bảo vệ hiện trường xây dựng khu vực gần đó nên tôi cũng chấp hành dừng, rồi quay đầu xe. Tuy nhiên, khi tôi đang quay lại thì có nghe một tiếng “đánh thôi” và bất ngờ ba người rất cao to, cầm gậy xông đến đánh tới tấp”. Thấy vậy, tôi đã hô là đánh nhầm người rồi nhưng ba đối tượng này nói “không nhầm, cứ đánh đi”.

 Lúc đó, nhà báo Hoàng không thể chống cự được mà nằm co người xuống đất để thủ thế chống đỡ lại các trận đòn dữ dội. Ba đối tượng đã dùng gậy, tay, thậm chí còn dùng chân đạp vào đầu nhà báo Hoàng. Rất may có đội mũ bảo hiểm nên phần đầu nhà báo Hoàng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, anh không hề có mâu thuẫn hay gây phiền phức gì với ai và cũng không hề biết ba đối tượng trên. Nhiều người tình nghi, có thể vì nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã và đang liên tiếp đưa ra các bài phóng sự điều tra gây hiệu ứng xã hội lớn, điều đó đã khiến các đối thượng theo dõi, phục kích và trả thù.

Đến lúc phải tăng cường bảo vệ nhà báo

Như vậy, chưa đầy 4 ngày mà có tới 2 người làm báo bị đánh. Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra việc người làm báo bị hành hung. Đến giờ, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc nhưng khi kể lại sự việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã nhiều năm lăn lộn trong nghề vẫn phải thừa nhận: “Tôi chưa cảm thấy an toàn”. Điều đó cho thấy sự bất an không chỉ riêng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng mà cả những người cầm bút hiện nay, khi đối tượng cản trở báo chí tác nghiệp ngày càng manh động.

Trước đây việc cấp thiết phải có phương án bảo vệ các nhà báo khi tác nghiệp đã được đề cập nhiều lần. Gần đây nhất là đại biểu Quốc hội Đào Trọng Thi đưa ra trong phiên trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là: Cần có quy định cụ thể để bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo phải được coi là người thi hành công vụ.

Thực tế, hiện nay chúng ta đã có nhiều quy định pháp luật để có thể bảo vệ cho các nhà báo tuy nhiên luật vẫn chưa được cụ thể.

Trao đổi với Năng lượng Mới về vấn đề này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Hiện nay, chúng ta đã có luật quy định về bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp. Ví dụ Luật Báo chí 1989 có quy định tại khoản 4 Điều 15 rằng: Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Sau khi Luật Báo chí 1989 được sửa đổi bổ sung năm 1999 thì quy định trên vẫn được ghi nhận rõ tại điểm đ khoản 1 Điều 15.

Theo đó tính mạng sức khỏe của công dân nói chung (trong đó có các nhà báo) được Nhà nước ghi nhận và bảo hộ, người nào có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo các tội danh được quy định tại Chương XII, Bộ luật Hình sự như: Tội giết người, Điều 93; tội đe dọa giết người, Điều 103; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 104.

Pháp luật hiện hành đã có những quy định đủ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhà báo. Tuy nhiên, những luật này lại là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân mà còn thiếu những quy định cụ thể đối với đối tượng đặc thù như làm báo.

Theo Luật sư Cường: Chúng ta có thể thấy cán bộ công chức khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối thì đối tượng chống đối đó có thể bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” hay “Vì lý do công vụ của nạn nhân” cũng là một tình tiết tăng nặng khi xử lý hình sự. Tuy nhiên, hành vi chống đối lăng mạ, xúc phạm nhà báo diễn ra hằng ngày nhưng khó có thể xử lý vì còn thiếu chế tài, có chăng là xử lý hành chính. Những xử lý này cũng chưa đủ sức răn đe và trước nay cũng rất ít trường hợp bị xử lý dẫn đến việc nhà báo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Luật Báo chí: “Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. (điểm đ khoản 1 Điều 15 Luật Báo chí sửa đổi 1999).

Nhận định việc bảo hộ hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo nhìn chung mới ở mức hình thức mà chưa có những cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tác nghiệp, Luật sư Đặng Xuân Cường nói: Với tình hình hiện nay thiết nghĩ rất cần có những quy định để bảo vệ các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Xử lý nghiêm, phạt nặng các đối tượng vi phạm đối với đối với nghề nghiệp đặc thù như nhà báo là cần thiết. Nên chăng pháp luật cũng nên quy định cho các nhà báo, phóng viên được sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp đối với những trường hợp đặc biệt khi họ bị các đối tượng hành hung, gây thương tích để họ có thể tự bảo vệ mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới