Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngTập Cận Bình và Obama liệu có "đi đêm" về vấn đề...

Tập Cận Bình và Obama liệu có “đi đêm” về vấn đề Biển Đông

Tập Cận Bình có thể cam kết sẽ không đi xa (leo thang) hơn nữa trong quân sự hóa quần đảo tranh chấp. Đổi lại, người Mỹ phải đồng ý…

The New York Times ngày 29/3 đưa tin, Thứ Năm này Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tại Mỹ. Phiên họp là tín hiệu quan trọng phản ánh mối quan hệ song phương trong lúc Trung Quốc quyết tâm trở thành siêu quyền lực châu Á, còn Mỹ thì muốn duy trì địa vị của mình tại Thái Bình Dương.

Nhưng quan hệ Trung – Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua. Trung Quốc nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông có thể là điểm nổi bật nhất của mâu thuẫn Trung – Mỹ, trong khi nền kinh tế chậm lại và quan hệ thương mại với Trung Quốc đã trở thành đề tài gây chú ý trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Kỳ vọng rằng có bất cứ tiến triển nào về chất trong cuộc họp dự kiến sẽ kéo dài 90 phút giữa 2 nhà lãnh đạo này là rất nhỏ. Vì vậy có thể một số phân tích từ học giả Trung Quốc và Mỹ về khả năng thỏa hiệp giữa 2 nhà lãnh đạo để giảm bớt căng thẳng là điều đáng ngạc nhiên, The New York Times bình luận.

Khả năng thỏa hiệp

Thời Ân Hoằng, một Giáo sư Quan hệ quốc tế Đại học Nhân Dân và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc về đối ngoại nói với The New York Times, ông Tập Cận Bình có thể cam kết sẽ không đi xa (leo thang) hơn nữa trong quân sự hóa quần đảo tranh chấp. Đổi lại, người Mỹ phải đồng ý chấm dứt việc điều tàu chiến, máy bay tuần tra tự do hàng hải gần khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành 2 cuộc tuần tra như vậy trong vài tháng qua và Quốc hội nước này đang thúc đẩy gia tăng hoạt động tương tự. Nhà phân tích Mỹ, Douglas H. Paal từ Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie nhận xét, một chương trình kiềm chế trên Biển Đông từ cả hai phía sẽ rất hữu ích.

“Yêu cầu đảm bảo kiềm chế các hành động mới của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự hạn chế việc triển khai quân sự quan trọng hoặc thường trực mới của Mỹ sẽ là một sự khởi đầu. Vì dụ Trung Quốc có thể đồng ý không bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Scarborough”, ông Paal nói.

Về phía Trung Quốc, mặc dù ông Tập Cận Bình đã dàn dựng các hành động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông, một số chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng không đồng ý với lập trường cứng rắn này của Bắc Kinh.

Phóng lao phải theo lao

Những người này lo ngại, hành động của Bắc Kinh chỉ càng đẩy các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc tiến lại gần Hoa Kỳ, điều này đi ngược lại với những hiệu ứng ông Tập Cận Bình đang cố gắng đạt được bằng con đường thương mại và ngoại giao.

Một số học giả độc lập Trung Quốc khẳng định rằng, bằng cách công nhận vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Trung Quốc mới có thể đưa ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông một cách chặt chẽ hơn, bằng cách xác định bản chất đường 9 đoạn.

Đó còn gọi là đường chữ U, đường lưỡi bò do chính quyền Trung Hoa Dân quốc tự vẽ ra năm 1947 để đánh dấu “yêu sách lãnh thổ”. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa yêu sách này nhưng chưa bao giờ đưa ra được tọa độ chính xác của 9 gạch.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặng lẽ đề xuất thực hiện điều này trong năm 2011, một năm trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhưng sau đó nhanh chóng bị xếp lại, ông Paal, người từng là trưởng đại diện văn phòng của Mỹ tại Đài Loan thời Tổng thống George W, Bush cho hay.

Điều này không thể xảy ra bây giờ.

Còn theo Giáo sư Thời Ân Hoằng: “Biển Đông là lợi ích cốt lõi quốc gia, nên sẽ là điểm rắn chiến lược của Trung Quốc”. Tuần trước khi họp báo về chuyến công du của ông Tập Cận Bình, Lý Bảo Đông – Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng không “tô vẽ vấn đề”. Khi được hỏi về Biển Đông, Lý Bảo Đông đanh nét mặt nói, Trung Quốc có quan điểm riêng, lập trường riêng của mình.

Việc dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đang quân sự hóa nhanh chóng ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng như Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) theo Giáo sư Thời Ân Hoằng: “Ông Tập Cận Bình muốn các nước láng giềng ven biển ở châu Á và Hoa Kỳ chấp nhận một hiện trạng mới”.

Ông Hoằng giải thích thêm, mọi học sinh ở Trung Quốc đều được dạy rằng toàn bộ Biển Đông “thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”, bởi vậy bất kỳ động thái nào được coi là làm giảm yêu sách này của Bắc Kinh có thể bị xem là sự đầu hàng.

Biển Đông rồi đây sẽ ra sao?

Người  viết cho rằng, khả năng thỏa hiệp giữa Tập Cận Bình và Obama về vấn đề Biển Đông sẽ khó có thể xảy ra như đánh giá lạc quan của một số học giả này. Bởi lẽ tham vọng của ông Tập Cận Bình không dừng lại ở siêu cường châu Á, mà cạnh tranh và muốn chiếm lấy vai trò bá chủ toàn cầu của Hoa Kỳ. Đó là cốt lõi “giấc mộng Trung Quốc” hay “phục hưng dân tộc Trung Hoa”, mà Biển Đông là khởi đầu và đột phá khẩu.

Mặt khác, ông Obama đã ở giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trong khi các ứng cử viên tiềm năng cho ghế Tổng thống kế tiếp của Mỹ còn đang tranh cãi và nhận thức khác nhau về Trung Quốc.

Bắc Kinh có lẽ đã nhìn thấy, từ nay đến khi ông chủ mới của Nhà Trắng nhậm chức, Mỹ muốn làm “một cái gì đó” đủ thay đổi cục diện Biển Đông là khó.

Có hai vấn đề về phía Mỹ mà Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trong tương quan với cục diện Biển Đông, một là Mỹ xây dựng liên minh chống bành trướng và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, nhất là Philippines. Hai là Mỹ đang đẩy mạnh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Nhưng yếu tố thứ nhất Mỹ đang hóa giải bằng củ cà rốt kinh tế chia rẽ ASEAN cũng như nội bộ dư luận từng nước liên quan, phân tán lực lượng chống bành trướng.

Đồng thời dù Mỹ có tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông thì Trung Quốc vẫn “nắm thóp”, Washington không muốn chiến tranh với Bắc Kinh ở Biển Đông. Bởi vậy xúc xích vẫn tiếp tục cắt từng lát, Biển Đông vẫn bị gặm từng phần.

Về yếu tố thứ 2, Trung Quốc vẫn còn “con bài” CHDCND Triều Tiên trong tay, mặc dù biểu hiện bề ngoài của Bình Nhưỡng có vẻ như một “con ngựa bất kham” trước Bắc Kinh. Nhưng nói gì thì nói, mạch nguồn của kinh tế, năng lượng Triều Tiên đang đến từ Trung Quốc.

Bởi vậy với thủ đoạn leo thang nhỏ từng bước thay đổi hiện trạng, hay tạo ra “trạng thái bình thường mới” như Bắc Kinh đang làm hiện nay, thực sự là thủ đoạn khó đối phó bằng sức mạnh.

Muốn kéo Trung Quốc khỏi lưng hổ, cần bảo vệ luật pháp quốc tế

Hành động phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay được hỗ trợ bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên giáo dục, tuyên truyền sai trái về cái gọi là “chủ quyền từ thời cổ đại” với Biển Đông, bất chấp sự thật và công lý quốc tế.

Các quan chức, học giả Trung Quốc không phải không nhận thấy điều này. Thậm chí chính họ trong thâm tâm cũng vẫn lo ngại chủ nghĩa dân tộc cực đoan quá khích đang được chính quyền nuôi dưỡng và cổ súy trong vấn đề “yêu sách chủ quyền” có thể vượt tầm kiểm soát.

Về đối nội, nó có thể quay lại tấn công chính bộ máy cầm quyền bởi tham vọng không cùng của người đứng đầu. Về mặt đối ngoại, nó làm cho Trung Quốc đang tự cô lập mình với phần còn lại của cộng đồng quốc tế.

Nhưng Trung Quốc vẫn đang nhắm mắt nhắm mũi theo đuổi mục tiêu trở thành siêu cường bằng con đường bành trướng lãnh thổ kết hợp thế thượng phong về tài chính – kinh tế, bất chấp các hệ lụy và hậu quả. Cứ nhìn vào vai trò độc tôn, quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình ở trong nước làm cả bộ máy phải chạy theo ông có thể thấy điều này.

Do đó thiết nghĩ làm thế nào để các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là người đứng đầu thấy rằng, không phải Mỹ hay khu vực muốn bao vây Trung Quốc, mà rất mong Trung Quốc ổn định, phát triển thành một cường quốc, nhưng là cường quốc biết tuân thủ và bảo vệ luật pháp quốc tế là việc hệ trọng, khó khăn nhưng cần làm.

Số tiền Trung Quốc đang đổ vào vũ khí, thiết nghĩ sẽ hữu ích và ý nghĩa hơn khi được chi cho phúc lợi xã hội, phát triển hài hòa bền vững. Bởi thực lực và vai trò của một cường quốc hiện đại không phải nằm ở súng ống, mà ở sức mạnh kinh tế, văn hóa và cách hành xử văn minh, thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với cộng đồng.

Phán quyết tới đây của Tòa Trọng tài Thường trực PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không chỉ có ý nghĩa với Biển Đông, mà có ý nghĩa với tất cả biển và đại dương, các thực thể trên biển trong phạm vi toàn cầu.

Không chỉ Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA, mà ngay cả Mỹ, Úc, Nhật Bản…và nhiều cường quốc khác cũng sẽ phải xem lại những tuyên bố của mình về vùng đặc quyền kinh tế của các đảo (island) hay đảo đá (rock).

Bởi nếu so với đảo Ba Bình, Trường Sa mà Philippines đang yêu cầu PCA phán quyết nó là một rock chứ không phải island, do đó không có vùng đặc quyền kinh tế riêng, thì có nhiều thực thể khác tương tự hoặc không bằng Ba Bình vẫn được các nước này yêu sách 200 hải lý.

Để tránh dung túng và nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, để tránh xung đột và đối đầu, cùng phát triển hòa bình thịnh vượng, thiết nghĩ thượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp luật quốc tế và tuân thủ phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế có đủ thẩm quyền như PCA mới thực sự là lối thoát khả quan.

RELATED ARTICLES

Tin mới