Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChống tham nhũng thế này thì khó quá?!

Chống tham nhũng thế này thì khó quá?!

Bấy lâu nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân đều nói rằng, tham nhũng là thứ “quốc nạn”, là thứ “giặc nội xâm”. Rồi có cả Ban Chỉ đạo chống tham nhũng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương.

Rồi tổng kết hằng năm có thể thống kê ra là đã đưa ra xử lý trước pháp luật hàng ngàn vụ tham nhũng lớn bé các kiểu… Nhưng, tham nhũng vẫn là tham nhũng, nó vẫn nhởn nhơ, hiện hình ở mọi chỗ, mọi nơi và mọi cấp.

Biết là có tham nhũng đấy, nhưng “thấy” được tham nhũng, “bắt tận tay day tận trán” thì vô cùng khó.

Vậy tại sao lại khó thế?

Rất đơn giản, điều này Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP HCM đã nói một cách huỵch toẹt rằng, từ lâu rồi công an không được điều tra đảng viên.

Đúng là có chuyện này thật. Bởi từ cách đây lâu rồi, đã có Chỉ thị 15 quy định  rằng, công an không được điều tra nội bộ Đảng. Và điều tra các tiêu cực trong nội bộ Đảng thì giao cho Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra làm.

Từ sau khi có chỉ thị này, lực lượng công an hầu như không chủ động làm công tác phòng, chống tham nhũng, hay nói nôm na một cách dễ hiểu là không làm các công tác nghiệp vụ để phát hiện tham nhũng từ khi mới manh nha.

Chỉ thị này, về góc độ nào đó cũng đã ngăn chặn được hiện tượng lạm quyền, lộng quyền ở một số cán bộ công an khi được giao nhiệm vụ làm công tác trinh sát đối với các loại đối tượng có chức, có quyền.

Nhưng, ở một khía cạnh khác thì gần như đã loại công an ra khỏi công việc phòng chống tham nhũng mà chủ yếu là khâu phát hiện, ngăn chặn.

Ai cũng biết một điều rõ ràng là, đối tượng tham nhũng hầu hết là cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền. Thế mà nay lực lượng công an lại không được điều tra, không được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với đối tượng này thì còn chống tham nhũng làm gì.

Vậy lực lượng điều tra chống tham nhũng chỉ còn trông chờ vào các cơ quan Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra, từ các đơn tố cáo, rồi từ báo chí.

Và từ lúc phát hiện ra cho đến lúc điều tra xong vụ án có khi mất hàng năm trời và đối tượng tham nhũng đã thừa thời gian hoặc hợp lý hóa chứng từ phạm pháp, hoặc tẩu tán hết sạch tài sản. Và cuối cùng xét xử xong, tòa tuyên bố xanh rờn rằng, bị cáo sẽ phải nộp bao nhiêu tiền đấy.

Nhưng than ôi! Đến lúc đó, đào đâu ra xu nào nữa.

Còn nhốt người ta vào tù và hy vọng rằng, trong những năm tháng ở tù đấy sẽ góp phần cải tạo hoàn lương con người ấy thì quả thật, đó là sự lãng mạn mà thôi.

Ai cũng biết, trong nghề công an thường phải điều tra hai loại án, một là án truy xét, hai là án trinh sát.

Đối với tham nhũng mà điều tra theo kiểu truy xét thì hầu như không bao giờ thu lại được tài sản. Còn nếu muốn làm án trinh sát, nghĩa là lẳng lặng điều tra một cách bí mật, sau đó là “cất vó” một lượt thì cách làm này sẽ thu được tài sản, bắt gọn tất, khiến đối tượng không có thời gian đi chạy án. Trong đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, lực lượng công an phải có trinh sát, phải có mạng lưới cơ sở, thậm chí phải gài người vào các tổ chức tội phạm. Có như vậy thì mới phát hiện được âm mưu, thủ đoạn và hành động của chúng. Đấu tranh chống tham nhũng thì cũng cần phải như vậy.

Muốn phát hiện được tham nhũng thì phải có trinh sát, phải được áp dụng những biện pháp nghiệp vụ cần thiết đối với đối tượng đang là đảng viên, nhưng công an lại không được tiến hành trinh sát với các đối tượng này. Vậy thì thôi chứ còn gì nữa!

Chúng ta cứ nói, chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, rồi việc chống tham nhũng giao cho 4-5 cơ quan chủ trì là công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra, rồi cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngần đấy cơ quan đánh một “thằng giặc” tham nhũng, thế là có khi “thằng giặc” đấy từ cửa nọ chạy sang cửa kia, từ núp bóng ông này rồi lại dựa hơi ông kia, cứ lằng nhằng như vậy, cho nên hiệu quả là rất thấp. Đó là một trong những nguyên nhân làm giảm tốc độ điều tra, và không ít vụ mới đầu thì tưởng to như con voi nhưng cuối cùng chỉ bé như con chuột.

Đúng là xưa kia – nhất là vào những năm chúng ta bước vào công cuộc đổi mới thì lực lượng công an đã được tham gia vào hầu hết các dự án kinh tế lớn; các công trình quốc gia… Nhiều đơn vị kinh tế quan trọng còn có cả cán bộ công an biệt phái sang làm nhiệm vụ một thời gian. Nhưng rồi có thể thấy việc này là quá “cứng nhắc”, hoặc thấy sự có mặt của công an là gây “khó chịu, cản trở” cho doanh nghiệp, nên khoảng 15 năm trở lại đây, hầu như không có cách làm này nữa. Đã thế, công an lại không được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra đảng viên, cho nên coi như chúng ta đã buông lỏng quản lý từ gốc. Tất nhiên, không thể tránh khỏi có những cán bộ công an tiêu cực, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để “hành” doanh nghiệp, hoặc thông đồng với cán bộ của đơn vị kinh tế. Nhưng số đó là rất ít.

Chúng ta đã coi tham nhũng là thứ giặc ngoại xâm, là quốc nạn thì hà cớ gì mà không thành lập một cơ quan đặc biệt phòng, chống tham nhũng và trao cho họ những quyền hạn đặc biệt. Và để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, tốt nhất là giao hẳn việc này cho một lực lượng chịu trách nhiệm chính là công an, với những quyền năng cần thiết và được áp dụng những nghiệp vụ cần thiết.

Muốn chống tham nhũng thì phải làm cho tất cả những cán bộ, đảng viên, những người có chức, có quyền nơm nớp lo sợ rằng, mọi hành vi của họ đang có những cặp “mắt thần” nào đó dõi theo và họ sẽ không biết số phận ngày mai của mình sẽ như thế nào nếu họ làm sai, họ “ăn bẩn”. Bởi nếu không làm cho những người có chức, có quyền biết sợ pháp luật thì đừng bao giờ nghĩ đến việc chống tham nhũng có hiệu quả.

Một vấn đề nữa là đã nói mãi rồi, nhưng cứ như đùa, ấy là việc kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản của chúng ta hiện nay là quá hình thức và hầu như không có tác dụng. Bởi kê khai mà không có truy nguyên nguồn gốc tài sản đó thì chả tích sự gì.

Trước đây, chúng tôi đã “đề xuất” một cách kiểm soát tài sản của cán bộ là bằng… thuế.

Cách này rất đơn giản.

Cán bộ có tài sản khổng lồ, có nhà cao cửa rộng quá mức bình thường, có tiền cho con cái đi nước ngoài học… Rất tốt. Dân giàu thì nước mạnh. Lẽ đương nhiên là thế. Vậy nên không cần quá chú trọng vào truy tìm nguồn gốc rằng “lấy đâu ra tiền”, mà chỉ cần hỏi “đã đóng thuế thu nhập cho số tiền này chưa?”. Nếu có nộp thuế đàng hoàng, thì đó là tiền sạch, tiền có được từ sức lao động… Còn nếu không có thuế, thì rõ ràng là tiền bất chính. Và khi đó, thiếu gì biện pháp để xử lý.

Cách làm này, không gây căng thẳng, không mất thời gian, vì mọi khoản thu nhập của cán bộ đều phải đóng thuế theo quy định; kể cả quà biếu, quà tặng, kể cả trúng thưởng… sổ xố.

Đến làm cứng rắn như Trung Quốc, họ truy đuổi những kẻ tham nhũng khắp thế giới, họ tịch thu của kẻ tham nhũng từ cái đồng hồ, bút máy, rồi họ đưa vợ con những kẻ tham nhũng vào những nơi mà chẳng ai sống nổi… mà còn chưa chống được, chưa ngăn chặn được triệt để nạn tham nhũng thì với cách làm như chúng ta hiện nay nói chống tham nhũng chỉ là nói cho… có mà thôi.

Càng nói lắm, càng tuyên truyền, mà kết quả không được là bao nhiêu thì chỉ càng khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền vào cán bộ. Cho nên chống tham nhũng, chống “lũ giặc” này, tốt nhất là cứ “nghiến răng lại mà làm, còn càng hô hào, càng lên án, mà thiếu những biện pháp mạnh cần thiết thì rõ ràng chỉ thêm… nhức đầu mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới