Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóng3 kịch bản phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện...

3 kịch bản phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện đường lưỡi bò

“Nếu xảy ra trường hợp xấu nhất, các bên tranh chấp và Philippines chỉ còn cách mua tàu chiến, máy bay và tên lửa để bảo vệ các vùng biển của mình”.

Inquirer ngày 31/3 đưa tin, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã bình luận về 3 kịch bản phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague Hà Lan có thể đưa ra trong năm nay về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Ông Antonio Carpio phát biểu về 3 khả năng này khi tham dự hội thảo Vai trò của Cơ quan tài phán quốc tế – những khả năng địa chính trị, được tổ chức tại Trại Aguinaldo với sự tham dự của các quan chức ngoại giao và tùy viên quân sự các đại sứ quán nước ngoài ở Philippines và Bộ Ngoại giao nước sở tại.

Trường hợp xấu nhất

Thẩm phán Antonio Carpio cho rằng, trường hợp xấu nhất trong vụ kiện này là PCA không bác bỏ được đường lưỡi bò Trung Quốc, không ra tuyên bố Ba Bình (Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam) là một đá (rock) chứ không phải đảo (island) theo Điều 121 UNCLOS.

Ngoài ra, Philippines cũng yêu cầu PCA ra phán quyết, Scarborough chỉ là một bãi đá do đó nó chỉ có thể tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý chứ không thể có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo Điều 121 UNCLOS.

Trung Quốc gọi bãi đá Scarborough là “đảo Hoàng Nham” với ý đồ sẽ vạch yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, cùng với Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam) hợp thành 3 chân kiềng hợp thức hóa đường lưỡi bò phi pháp – PV.

Theo Thẩm phán Antonio Carpio: “Nếu xảy ra trường hợp xấu nhất, các bên tranh chấp và Philippines chỉ còn cách mua tàu chiến, máy bay và tên lửa để bảo vệ các vùng biển của mình”.

Vị Thẩm phán này nhấn mạnh, Ba Bình đang do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp, không thể duy trì đời sống kinh tế riêng, không thích hợp cho con người sinh sống độc lập, và theo định nghĩa của Điều 121 UNCLOS, Ba Bình là một đá, không phải một đảo, do đó nó không thể có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Trường hợp PCA ra phán quyết Ba Bình là một đảo, thì thực thể này nghiễm nhiêm có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế chạm tới tận bờ đảo Palawan, Philippines.

Với trường hợp tồi tệ nhất này, Trung Quốc sẽ được đà xông tới thực thi yêu sách đường lưỡi bò như “biên giới quốc gia”, chặn đường, quấy rối các tàu tiếp tế của Việt Nam, Philippines, Malaysia ra các điểm đóng quân ở Trường Sa sẽ làm căng thẳng leo thang dữ dội.

Philippines sẽ phải hợp tác chặt chẽ cùng với Việt Nam, Malaysia và Brunei để khẳng định chính thức rằng, không một thực thể nào trong quần đảo Trường Sa hội đủ tiêu chuẩn của một đảo để có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

“Tôi không nghĩ rằng khả năng tồi tệ này sẽ xảy ra, nhưng chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho phương án xấu nhất”, Thẩm phán Antonio Carpio nhấn mạnh.

Kịch bản trung tính

Khả năng phán quyết thứ 2 của PCA mà Antonio Carpio gọi là “trung tính” là Tòa sẽ ra phán quyết đường lưỡi bò Trung Quốc không có giá trị pháp lý, Scarborough chỉ tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý và không ra phán quyết về các vấn đề khác.

Ông Albert del Rosario trình bày lập luận của Philippines trước Hội đồng Trọng tài PCA trong phiên điều trần về vụ kiện, với tư cách Ngoại trưởng Philippines. Ảnh: Rappler.

Nếu điều này xảy ra, có nghĩa là không gian tranh chấp pháp lý giữa Philippines với Trung Quốc trên Biển Đông giảm xuống từ 531 ngàn km vuông xuống còn khoảng 23 ngàn km vuông. Hoạt động tự do hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông được tăng cường.

Trên bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines cũng có thể đánh bắt cá với yêu sách nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế nước này. Tất nhiên có thể Philippines tạm thời phải chấp nhận thực tế khai thác cùng ngư dân Trung Quốc.

Trong trường hợp PCA ra phán quyết trung tính này, Philippines có thể khởi kiện tiếp một vụ mới, rằng Ba Binh không phải một đảo theo Điều 121 UNCLOS, do đó nó không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Trường hợp tốt nhất

Antonio Carpio và nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý hy vọng vào phương án này, trong đó PCA ra phán quyết đường lưỡi bò vô giá trị: Ba Bình không tạo ra 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế; Xác nhận hiệu lực pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa mà Philippines đề nghị; Scarborough chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải và là ngư trường truyền thống của Philippines.

Theo ông, trong trường hợp PCA ra phán quyết này, Palawan sẽ có đầy đủ 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế nhưng không bao gồm lãnh hải 12 hải lý quanh một bộ phận các thực thể ở Trường Sa. Nhưng các rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển như bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi “phải thuộc về Philippines”.

Lúc này, không gian tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc giảm xuống tối đa, từ 531 ngàn km vuông xuống còn 1551 km vuông xung quanh các thực thể ở Trường Sa và Scarborough.

Xin lưu ý, PCA chỉ ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của các thực thể ở Trường Sa, Scarborough mà Philippines khởi kiện và việc vận dụng, giải thích sai UNCLOS của Trung Quốc trong trường hợp đường lưỡi bò.

PCA không ra phán quyết về chủ quyền các thực thể này thuộc quốc gia nào, do đó khả năng PCA quyết rằng Vành Khăn và Xu Bi thuộc về Philippines khó xảy ra.

Mặt khác, Việt Nam đã chính thức có những bảo lưu cần thiết liên quan đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong phiên tòa này – PV.

Kiện để đàm phán

Quần đảo Trường Sa được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ chính thức xác lập chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp từ khi còn là đất vô chủ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Trường Sa trở thành đối tượng tranh chấp của Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Người viết cho rằng, ngoài vấn đề chủ quyền, ở Trường Sa còn tồn tại 2 loại tranh chấp khác, đó là áp dụng và giải thích UNCLOS đối với từng thực thể của quần đảo và cả quần đảo.

Nội dung vụ kiện của Philippines nhằm vào loại tranh chấp này. Việc PCA ra phán quyết về hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hẹp phạm vi tranh chấp, tạo cơ sở cho các hoạt động đàm phán, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Đồng thời phán quyết này sẽ làm rõ cơ sở pháp lý cho các hoạt động tự do hàng không, hàng hải của tàu thuyền quốc tế khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa, đồng thời vô hiệu hóa âm mưu “biến đá thành đảo” mà Trung Quốc đang rắp tâm thực hiện.

Tranh chấp thứ 3 là các vùng chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế mà Philippines, Malaysia, Brunei yêu sách với các vùng biển hiệu lực pháp lý do các thực thể ở Trường Sa tạo ra theo Điều 121 UNCLOS, mà cụ thể theo vụ kiện của Philippines là lãnh hải 12 hải lý của một số thực thể.

Không thực thể nào ở Trường Sa đủ tiêu chuẩn hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Người viết cũng rất tin tưởng, hy vọng 5 Thẩm phán thành viên Tòa Trọng tài Thường trực sẽ công tâm, bảo vệ UNCLOS bằng cách bác bỏ đường lưỡi bò vô lý, đồng thời phán quyết rõ ràng về hiệu lực pháp lý của từng thực thể ở Trường Sa để có thể thu hẹp phạm vi tranh chấp, tạo căn cứ pháp lý cho các bên đàm phán giải quyết vấn đề.

Hội đồng Thẩm phán Tòa Trọng tài Thường trực PCA thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông. Ảnh: Rappler.

Tuy nhiên cũng cần tính tới thực tế. Một là Trung Quốc sẽ không những không chấp nhận phán quyết của PCA vì yêu sách vô lý của họ bị bác bỏ, mà nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh có thể vin cớ này có hành động leo thang quân sự hóa Biển Đông.

Thậm chí không loại trừ khả năng Bắc Kinh bất chấp tất cả, rút khỏi UNCLOS như một số học giả quốc tế đã cảnh báo. Bởi vậy thiết nghĩ các bên liên quan cần chuẩn bị các phương án đối phó, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ UNCLOS là bảo vệ chính mình, cũng như hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực.

Hiện tại Indonesia đã công khai khẳng định, sẽ ra tuyên bố công khai về phán quyết của PCA. Hoa Kỳ nhiều lần nhấn mạnh, phán quyết của PCA có tính ràng buộc với cả hai, Philippines và Trung Quốc. Mỹ sẽ có cơ chế để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết.

Thực tế thứ 2 cần phải tính đến, đó là phán quyết của PCA không chỉ ảnh hưởng đến các bên tham gia và có liên quan đến vụ kiện, mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia khác trên thế giới về cách hiểu, vận dụng Điều 121 UNCLOS với các thực thể lâu nay vẫn được gọi là “đảo”, tức island trong tiếng Anh.

Học giả Đài Loan Tống Yên Huy ngày 24/3 đã bình luận về khả năng này trên kho lưu trữ của CSIS. Cụ thể, nếu PCA phán quyết Ba Bình chỉ là một “đá”, không phải “đảo” theo Điều 121 UNCLOS, thì Úc, Brazil, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phải xem lại yêu sách quá mức 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế cho những thực thể có kích thước và điều kiện tương tự hoặc thấp hơn Ba Bình.

Với Úc sẽ là “đảo” McDonald, với Pháp sẽ là “đảo” Clipperton, với Brazil sẽ là 2 “đảo” Saint Peter và Paul, với Nhật Bản là “đảo” Okinotorishima. Riêng Hoa Kỳ sẽ có 3 thực thể phải xem lại, là Howland, Baker và Kingman.

Những thực tiễn này cũng sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến các Thẩm phán của PCA khi xem xét việc áp dụng và giải thích Điều 121 UNCLOS cho các thực thể ở Biển Đông mà Philippines đề nghị, bởi phạm vi tác động và ảnh hưởng của phán quyết rất lớn.

Vì quyền lợi cá nhân của từng nước, có thể có những tiếng nói phản đối một số nội dung trong phán quyết của Tòa, nếu nó bất lợi cho họ. Đây sẽ là một cái cớ để Trung Quốc vin vào không tuân thủ.

Do đó, người viết cho rằng phán quyết của PCA có vai trò và ý nghĩa sống còn đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bởi nếu như vì bất kỳ lý do gì mà 5 Thẩm phán của PCA để cho đường lưỡi bò tồn tại, không ra được phán quyết về áp dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông là sự thất bại thảm hại của công lý trước cường quyền.

Biển Đông sẽ nóng thêm nhanh chóng mà không có công cụ nào có thể ngăn cản Trung Quốc leo thang. Còn trong trường hợp các Thẩm phán PCA công tâm, bảo vệ công lý và luật pháp, bảo vệ UNCLOS, bác bỏ đường lưỡi bò vô lý ấy, thì đó là thành công, là thắng lợi của nhân loại chứ không phải của riêng nước khởi kiện.

Cho dù Trung Quốc có tìm cách chối bỏ phán quyết của Tòa, nhưng nó vẫn có ý nghĩa vô cùng thuyết phục để các bên có thể đàm phán với Trung Quốc, giữ được lòng tin của nhân dân các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế vào sự công minh của luật pháp và các cơ quan tài phán quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới