Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ thất sủng, Thổ chuẩn bị phương án B với Nga

Mỹ thất sủng, Thổ chuẩn bị phương án B với Nga

Sau khi bị Mỹ cự tuyệt tại Washington, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những động thái làm hòa với Nga sau căng thẳng kéo dài.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt nghi can giết hại phi công Nga

Ngày 31/3, báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, nhà chức trách nước này vừa bắt giữ Alparslan Celik, kẻ được cho là tay súng bắn chết phi công Nga nhảy dù khỏi chiến đấu cơ trúng tên lửa gần biên giới Syria tháng 11 năm ngoái.

Theo nguồn tin, Celik bị bắt tối 30/3 khi đang ăn uống tại một nhà hàng ở thành phố Izmir, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn được biết đến là một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Celik bị bắt cùng 13 người khác tuy nhiên lý do không được giới chức Ankara tiết lộ.

Trước đó, ngay sau khi máy bay ném bom Su-24 của Nga rơi ngày 24/11/2015, Celik dã tự quay một đoạn video và khẳng định rằng, hắn đã giết được phi công Nga.

“Phi công này đã ném bom chúng tôi 5 phút trước khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của anh ta. Những người anh em Turkmen của chúng tôi đã thiệt mạng do những quả bom phi công này ném xuống nên tôi không thể tha thứ”, Celik nói trong đoạn video.

Moskva từng đề nghị Ankara bắt giữ Celik và kết tội tên này vì giết phi công Nga. Tuy nhiên, chính quyền Erdogan đã phớt lờ yêu cầu, do đó, trong thời gian qua, Celik vẫn tự do đi lại ở Thổ Nhĩ Kì và thậm chí còn cả Syria.

Theo truyền thông Nga, Celik là phó sư đoàn trưởng Sư đoàn Duyên hải số 2 của phiến quân người Turk ở Syria, là con trai của cựu thị trưởng Keban, tỉnh Elazig ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc này khiến quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng chưa từng có. Moskva đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt khiến kinh tế Ankara bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó Ankara cũng không ngại ngần đáp trả và khẳng định hành động của mình chỉ nhằm mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải làm hòa với Nga?

Tuyên bố của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ về việc bắt giữ nghi phạm liên quan đến vụ việc sát hại phi công Nga được đưa ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Giới phân tích cho rằng sau khi Tổng thống Erdogan bị Washington cự tuyệt trong chuyến thăm Mỹ 5 ngày, Ankara đang có những động thái để làm hòa với điện Kremlin sau những căng thẳng kéo dài suốt thời gian qua.

Thực tế hiện nay với sự ngoan cố trong các kế hoạch triển khai quân tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần bị cô lập.

Ngày 29/3, Tổng thống Obama đã từ chối gặp chính thức với ông Erdogan trong chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ để tham dự một hội nghị thượng đỉnh hạt nhân. Thay vào đó nhà lãnh đạo Ankara sẽ có cuộc gặp trực tiếp với Phó Tổng thống Joe Biden và một cuộc gặp ngắn không chính thức với Tổng thống Obama.

Theo lời Thư ký báo chí của ông chủ Nhà Trắng, cuộc gặp riêng giữa 2 nhà lãnh đạo vào thời điểm này là không cần thiết.

“Quyết định không gặp riêng Erdogan trong chuyến thăm Washington của nhà lãnh đạo này không nên xem là sự khinh thường, bởi các vị Tổng thống đã gặp trước đó hồi tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ và đã nói chuyện điện thoại hồi tháng 2”, thông báo nêu rõ.

My that sung, Tho chuan bi phuong an B voi Nga
Bị Mỹ cự tuyệt, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải làm hòa với Nga.

Sau khi bị ông chủ Nhà Trắng từ chối thẳng thừng, nhà lãnh đạo Ankara trong một bữa tiệc tối cùng ngày với các học giả và chuyên gia Mỹ tại khách sạn St. Regis đã bày tỏ thất vọng đồng thời đồng thời lên án chính quyền Obama ủng hộ người Kurd trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố IS.

“Ông ấy tiếp tục trở lại vấn đề: Khủng bố là khủng bố – không có người nào tốt cả. Ông ấy chỉ trích chính quyền Obama rất nhiều”, một trong những người tham dự giấu tên nói.

Trước Mỹ, hôm 27/3, trong cuộc gặp gỡ với  các Thượng nghị sỹ John McCain, Bob Corker, Mitch McConnell và Harry Reid ở Washington, Quốc vương Jordan Abdullah đã lên án mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ, rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn và sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố trong đó không phải là sự tình cờ.

“Sự thật là các đối tượng khủng bố tới châu Âu một phần là do chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, song mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn bị lên án vì việc đó, họ vẫn làm những gì họ muốn”, quốc vương Abdullah nhấn mạnh.

Theo nhà lãnh đạo Jordan, không có gì nghi ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ IS xuất khẩu dầu mỏ. Theo ông, Ankara không chỉ hỗ trợ các nhóm Hồi giáo ở Syria, mà cả ở Libya và Somalia.

Không những thế, những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd ngày càng thất bại khi cả Mỹ, Pháp, EU cũng lên tiếng kêu gọi nước này ngừng hành động gây hấn tại Damascus.

Thậm chí, chính phủ Syria cũng mạnh mẽ lên tiếng và gửi thư lên Liên Hợp Quốc, lên án các vụ nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ, nhắm vào vị trí của quân đội Syria và các tay súng người Kurd.

Có thể thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng bị cô lập tại châu Âu, từ đồng minh trong khối NATO đến các nước láng giềng đều bày tỏ quan ngại và dần xa lánh Ankara.

Trong bối cảnh đó, những tín hiệu gần đây của Moskva đang khiến chính quyền Erdogan thêm hi vọng như kẻ chết đuối vớ được cọc.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, bà Valentina Matvienko hôm 25/2 từng khẳng định điện Kremlin sẵn sàng “rã băng” quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara chấp nhận xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

“Nói một cách giảm nhẹ, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ hiện không ở giai đoạn tốt đẹp. Như các bạn biết, chúng tôi không có lỗi trong việc làm quan hệ hai nước xấu đi. Chúng tôi sẵn sàng rã băng quan hệ nếu giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay của Nga ở không phận Syria. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tín hiệu nào như vậy từ phía Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Valentina Matvienko khẳng định.

Rõ ràng, khi bị các nước cự tuyệt, những khó khăn trong kinh tế vẫn dai dẳng đeo bám từ khi Nga tiến hành cấm vận, việc chủ động bày tỏ thiện chí làm hòa của Ankara được xem là một bước đi đúng đắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới