Thursday, September 19, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ-Trung chuẩn bị khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III? (Kỳ...

Mỹ-Trung chuẩn bị khai hỏa Đại chiến thế giới thứ III? (Kỳ 6)

Là Chủ tịch Hiệp hội Kissinger Inc., nên Tiến sỹ Henry Kissinger đương nhiên hiểu thuật ngữ “bẫy Thucydides”, nhưng trong tuyên bố hôm 19-3 (tại Hội nghị cấp cao kinh tế năm 2016 “Diễn đàn phát triển Trung Quốc”), cựu Ngoại trưởng Mỹ lại cho rằng, Trung-Mỹ không tồn tại “bẫy Thucydides”.

Kỳ VI: Xung đột khó tránh

Giáo sư Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Belfer của trường Đại học Havard, khi nghiên cứu lịch sử thế giới trong 500 năm qua nhận thấy, trong 16 trường hợp khi một cường quốc mới trỗi dậy tìm cách “soán ngôi” của một cường quốc khác và thay đổi trật tự đã được thiết lập, thì 12 trường hợp có hồi cục chiến tranh.

Và từ góc độ lịch sử, Giáo sư Graham Allison có lý do để không lạc quan về chiều hướng phát triển quan hệ Trung-Mỹ. Trong 50 năm tới, Trung Quốc được coi là thế lực lớn nhất đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ. Và liệu Mỹ-Trung có rơi vào “bẫy Thucydides” hay không là câu hỏi đang được nhiều giới đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, có nhiều báo cáo đến từ các Viện và Trung tâm nghiên cứu có uy tín của Mỹ như CNAS (Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới), CSIS (Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược), CFR (Hội đồng Đối ngoại); cùng sách và bài viết trên các tạp chí tên tuổi như Foreign Affairs, Foreign Policy, The National Interests… xuất hiện với tần suất dày đặc, luận bàn về quan hệ Trung-Mỹ. Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy “bẫy Thucydides” nguy hiểm đang rình rập và tìm mọi cách để thoát ra.

Nhưng dư luận chung cho rằng, Biển Đông đang là tâm điểm của “bẫy Thucydides” trong quan hệ Trung-Mỹ, cả 2 nước đều quyết không nhân nhượng và nguy cơ khai hỏa tại vùng biển này là điều “đã được dự báo”.

Kể từ năm 2000 đến nay, Mỹ-Trung đã có một số lần đụng độ trên Biển Đông. Tháng 4-2001, chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc đã va vào máy bay do thám EP-3E của Mỹ tại Biển Đông, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng, chiếc J-8 rơi xuống biển, còn máy bay Mỹ bị hỏng nặng, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Tháng 3-2009, tàu khảo sát hải dương của hải quân Mỹ USNS Impeccable bị 5 tàu Trung Quốc (1 tàu do thám hải quân, 2 tàu tuần tra và 2 tàu cá) áp sát.

Ngày 5-12-2013, tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens đã buộc phải chuyển hướng để tránh đâm vào một tàu đổ bộ Trung Quốc. Ngày 26-8-2014, chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay nhào lộn xung quanh máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon của hải quân Mỹ. Ngày 11 và 12-5-2015, tàu tuần tra USS Fort Worth của Mỹ bị tàu hộ vệ tên lửa lớp Diêm Thành (Type 054A) của Trung Quốc đeo bám.

Ngày 20-5-2015, hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo xua đuổi máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken từng cảnh báo, việc Trung Quốc ráo riết cải tạo một số bãi đá ở Biển Đông đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực, có nguy cơ kích động căng thẳng, thậm chí dẫn tới xung đột.

Giới chuyên môn đã đưa ra nhiều kịch bản có thể dẫn tới va chạm trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc, và khả năng nào cũng đều có nguy cơ trở thành hiện thực. Và nếu Trung-Mỹ khai chiến ở Biển Đông, sẽ làm tê liệt thương mại quốc tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và tổn thất có thể lên tới 500 tỷ USD. Nhiều người cho rằng, ngưỡng giới hạn Mỹ đặt ra với Trung Quốc là không được thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Nhưng với những gì đang diễn ra, người ta cho rằng, lằn ranh giới này sẽ sớm bị bỏ qua, và khi đó quan hệ Mỹ-Trung sẽ rơi vào trạng thái “không trọng lượng”.

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch sẽ tiến hành 20 sứ mệnh nghiên cứu vũ trụ trong năm 2016 (chủ yếu là phóng tên lửa Long March 7 và Long March 5). Bắc Kinh hiện chi khoảng 2 tỷ USD cho chương trình nghiên cứu vũ trụ mỗi năm. James Andrew Lewis, Giám đốc Chương trình công nghệ chiến lược thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ (CSIS) cho rằng, điều này cho thấy Trung Quốc đang tiến dần tới vị thế các quốc gia đi đầu trong nghiên cứu vũ trụ nhằm củng cố quyền lực của Bắc Kinh.

Theo tờ Duowei News, Trung Quốc sẽ dùng bom neutron tiêu diệt quân đội Mỹ – một quả bom neutron có thể tiêu diệt cả xe tăng chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ, cũng như xe chiến đấu bộ binh M2A3 Bradley, cùng toàn bộ binh sĩ mà không gây ra bất cứ ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới các loại xe này. Bởi khi được thả xuống, một quả bom neutron sẽ phát ra lượng tia X và luồng neutron rất mạnh, có thể xuyên qua các vật cản và gây sát thương cho các binh sĩ.

Ông William Perry, khi làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng nói, Bắc Kinh phải biết Washington sở hữu lực lượng quân sự mạnh nhất và nắm vị trí hàng đầu ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng mối tương quan lực lượng này đang thay đổi. Tuy sức mạnh tổng hợp của quân đội Trung Quốc vẫn phải mất nhiều năm nữa mới cân bằng với Mỹ, nhưng những tiến bộ Bắc Kinh đạt được thời gian qua khiến Washington không thể coi thường. Đô đốc Dennis Blair, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng từng tuyên bố, Mỹ có vị trí ưu việt nhưng bây giờ nếu hành động như thế thì sẽ có chuyện.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới