Những năm 80-90 của thế kỷ trước, ở Trung Đông chỉ có hai nước có vị thế hùng mạnh về quân sự, chính trị, đó là Ai Cập và Iraq. Ai Cập vốn là nước đứng đầu thế giới Arập từ thời Đại tá Nasser lên cầm quyền.
Ai Cập có đội ngũ trí thức lớn, có quân đội hùng mạnh, được Liên Xô cung cấp nhiều vũ khí và kỹ thuật hiện đại… Nhưng do Ai Cập ký kết hiệp định hòa bình với Israel nên bị các nước Arập tẩy chay. Iraq với nền văn minh Lưỡng Hà lại có tiềm năng lớn về dầu khí, đảng Baath hùng mạnh chi phối cả nước láng giềng Syria.
Cuối thập niên 70, sau khi Saddam Hussein giành được quyền lãnh đạo đảng Baath và chính quyền Iraq, ông ta thi hành chế độ độc tài diệt hết những người đối lập, lập nội các toàn tướng lĩnh và phe cánh của mình, dùng thu nhập dầu khí trang bị quân đội đến tận răng bằng những vũ khí trang thiết bị rất hiện đại của Liên Xô. Dùng tiền thu được từ nguồn xuất khẩu dầu khí mỗi năm nhiều tỉ USD chi cho an sinh xã hội và giáo dục nên đời sống nhân dân cả nước đều sung túc, bao cấp về y tế, giáo dục. Với giấc mộng bá vương đứng đầu thế giới Arập, vượt xa cả Iran, Iraq trở thành mối đe dọa đối với các nước xung quanh, nhất là Arập Xêút và Iran.
Sau cuộc chiến tranh xâm lược Iran kéo dài 8 năm (1980-1988) thất bại, kinh tế Iraq phần nào sa sút, Iraq nợ Kuwait 26 tỉ USD tiền vay cho cuộc chiến với Iran. Những giếng dầu lớn của vương quốc Kuwait trở thành miếng mồi ngon đối với Iraq.
Sau khi cho rằng, Kuwait khoan nghiêng các mũi khoan vào sâu các túi dầu mỏ của Iraq hút nhiều dầu mỏ xuất khẩu kiếm lời, ngày 2-8-1990, Iraq xua quân xâm chiếm Kuwait một cách dễ dàng. Gia đình hoàng tộc Kuwait bỏ chạy sang Pháp, giới nhà giàu và giới công chức Kuwait cũng di tản sang các nước xung quanh. Quân lính Iraq cướp phá các kho thực phẩm, thuốc men, của cải trong các cung vua chúa và biệt thự của nhà giàu Kuwait đem về nước sử dụng hoặc cho vợ con đem bán ở nhiều dãy phố tại thủ đô Bagdad.
Hồi ấy tôi có dịp từ Syria đi công tác sang Iraq, được chứng kiến các dãy phố bày bán đầy ắp hàng điện tử, điện lạnh, vali, túi sách toàn những thứ hàng hiệu với giá rẻ. Anh em Việt Nam công tác và học tập tại Iraq dạo ấy tha hồ mua những chiếc vali Mỹ vừa đẹp, vừa nhẹ, vừa rẻ, những dàn âm thanh Nhật Bản như Sharp 555, Sharp 777, 999, những tivi màu Sony 21 inch, những đầu đĩa đa năng bán rẻ với giá không thể tưởng tượng, những tủ lạnh Hitachi to, nhỏ, lớn, bé… Đó là những thứ hàng hóa mà Việt Nam lúc đó chưa có bán, chỉ trừ những cán bộ đi công tác nước ngoài xách tay về mới có.
Quân Iraq bỏ tù hàng vạn người Kuwait, lập nên chính quyền tay sai do A.H.Ali đứng đầu. Ít lâu sau, Saddam Hussein tuyên bố sáp nhập Kuwait vào Iraq, biến Kuwait thành một tỉnh của Iraq. Thời điểm đó, Liên Hiệp Quốc (LHQ) được Mỹ yêu cầu ra nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Iraq và đòi rút quân ngay tức khắc. Ngày 3-8-1990, Liên đoàn Arập ra nghị quyết đòi Iraq rút quân. Ngày 6-8-1990 LHQ lại ra Nghị quyết 661 trừng phạt kinh tế Iraq. Phương Tây lo sợ Iraq nhân đà này tấn công cả Arập Xêút vì nhiều đơn vị quân Iraq đã áp sát biên giới Arập Xêút. Saddam Hussein đả kích Arập Xêút và tố cáo Mỹ chống lưng cho Arập Xêút, nước sản xuất dầu số một thế giới và là nguồn cung dầu hàng đầu của Mỹ. Saddam cho rằng, Arập Xêút đã quản lý phi pháp các thành phố thiêng liêng của Hồi giáo như Mecca, Medina…
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là G.M.Bush (Bush-cha) tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Arập Xêút và giải phóng Kuwait. Ngày 7-8-1990 Mỹ điều động 2 tàu sân bay và các tàu chiến khác tới Vịnh Persic và những ngày sau đó đưa 48 máy bay chiến đấu tới các sân bay của Arập Xêút, các máy bay vận tải liên tục chuyển khoảng 50 vạn quân Mỹ tới Xêút. Ngày 29-11-1990, LHQ ra Nghị quyết 678 yêu cầu Iraq rút quân khỏi Kuwait và ra hạn cuối cùng là ngày 15-1-1991 Iraq phải hoàn thành việc rút quân. Mỹ tập hợp gần 30 nước phương Tây và Arập đưa số quân của Liên quân lên tới 66 vạn người.
Mỹ cho rằng, ngoài việc xâm lược Kuwait, Iraq đang phát triển vũ khí hạt nhân nên cần phải ngăn chặn. Iraq không chịu rút quân, ngoài ra còn đòi Israel phải rút quân khỏi Bờ Tây, dải Gaza, cao nguyên Golan, nam Liban… Ngày 12-1-1991, Quốc hội Mỹ cho phép dùng sức mạnh quân sự để đẩy Iraq ra khỏi Kuwait. 5 ngày sau Liên quân mở chiến địch “Bão táp sa mạc” với trên 1.000 lượt xuất kích của máy bay chiến đấu các loại trong ngày đầu tiên. Chỉ mấy giờ đồng hồ sau khi Liên quân mở màn chiến dịch, Saddam Husein lên Đài Phát thanh và Truyền hình Bagdad huyênh hoang tuyên bố: “Cuộc chiến vĩ đại, cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu. Bình minh chiến thắng đã rất gần khi cuộc thử thách cuối cùng đã tới…”.
Mỹ dùng bom thông minh, bom bầy và tên lửa hành trình đánh Iraq, Iraq giáng trả bằng tên lửa Skud. Mục tiêu của Liên quân là làm tê liệt hệ thống phòng không, không quân Iraq và họ đã hoàn thành mục tiêu đó trong mấy ngày đầu tiên của chiến dịch. Các máy bay Mỹ từ các hàng không mẫu hạm và căn cứ ở vùng Vịnh tập trung đánh vào các sở chỉ huy thông tin liên lạc của Iraq. Nhiều phi công Iraq lái máy bay xuất kích nhưng không tham chiến mà chuyển hướng bay sang Iran tị nạn. Người ta tính, có tới gần 150 chiếc máy bay của Iraq chạy sang Iran. Iraq đổ hơn 1 triệu tấn dầu xuống vịnh Persic với ý đồ biến cả vùng vịnh này thành một biển lửa đốt cháy các tàu chiến Mỹ và liên quân.
Đợt tiến công tiếp theo của Liên quân là đánh vào các căn cứ quân sự của Iraq ở Kuwait và đánh vào Iraq. Các căn cứ tên lửa, các kho vũ khí, các cơ quan nghiên cứu vũ khí, đạn dược, các nhà máy điện, lò phản ứng hạt nhân, hải cảng, nhà máy lọc dầu, đập nước, trạm bơm, đường sắt, cầu cống… bị hủy diệt hàng loạt. Iraq chống trả bằng tên lửa scud, nã vào Xêút và Israel, dùng xe tăng tiến công một thành phố biên giới Xêút.
Ngày 22-2-1991, Iraq chấp nhận ngừng bắn theo đề xuất của Liên Xô. Thỏa thuận ngừng bắn này kêu gọi Iraq rút quân khỏi Kuwait trong vòng 3 tuần lễ. Nhưng Mỹ và Liên quân chỉ đồng ý cho Iraq rút quân trong vòng 24 giờ.
Ngày 26-2-1991, Iraq rút quân khỏi Kuwait. Trước đó Iraq đốt cháy hàng trăm giếng dầu, cả đất nước Kuwait như một lò lửa lớn bùng cháy, khói bốc lên ngùn ngụt cả vùng Vịnh và phải mất cả tháng trời người ta mới có thể dập tắt hết các đám cháy.
Ngày 27-2-1991, sau hơn 100 giờ tiến công, Mỹ tuyên bố ngừng bắn, giải phóng hoàn toàn Kuwait.
Nhà vua Kuwait trở về nước nắm quyền trở lại, việc đầu tiên là trục xuất hàng chục vạn người Palestine khỏi Kuwait vì ông Yasser Arafat ủng hộ Iraq chiếm đóng Kuwait.
Ngày 10-3-1991, Chiến dịch “Bão táp sa mạc” kết thúc, Liên quân rút khỏi vùng Vịnh. Trước khi mở chiến dịch người ta dự tính Liên quân sẽ bị thương vong khoảng 3-4 vạn người, nhưng trong thực tế họ chỉ tổn thất có 800 người, trong đó có 470 người Mỹ. Phía Iraq thiệt hại chừng 300.000 quân. Toàn bộ chiến dịch này Mỹ chi phí tới 61 tỉ USD, Kuwait chi 36 tỉ USD, Arập Xêút và các nước vùng Vịnh chi 16 tỉ USD.
Sau đó Iraq bị trừng phạt kinh tế nhiều năm khiến nền kinh tế xã hội nước này suy sụp. Sau đó thấy dân Iraq đói rách quá, LHQ mới cho phép chương trình đổi dầu lấy lương thực để giải quyết lương thực cho người dân nước này.
Sau Chiến dịch “Bão táp sa mạc”, Saddam vẫn không từ bỏ ý đồ đưa Iraq trở lại thành một nước hùng mạnh với vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông ta thẳng tay dùng vũ khí hóa học đàn áp các cuộc nổi dậy của bộ tộc người Kurd ở phía bắc và người Shiite ở phía nam và trở thành cái gai trong con mắt của Mỹ và phương Tây. Vì vậy năm 2003 nước Mỹ dưới quyền của Bush (con) đã mở cuộc tiến công lớn vào Iraq, bắt sống Saddam đem treo cổ và lập nên chính quyền tay sai cho phương Tây. Đến tận bây giờ Iraq vẫn đang còn rối ren, khu vực phía bắc nước này trở thành căn cứ của IS và đất nước này vẫn đang bị chìm trong khủng bố và đói nghèo.