Các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông cần phải được giải quyết như một phần của mối quan hệ tổng thể rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải giải quyết kiểu một chiều, hay “trò chơi có tổng bằng không”, người thua kẻ thắng.
Sẽ rất quan trọng đối với Hoa Kỳ về việc thúc đẩy thông qua thỏa thuận TPP, phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
The Straits Times ngày 2/4 cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với ban biên tập The Wall Street Journal, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông cần phải được giải quyết như một phần của mối quan hệ tổng thể rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải giải quyết kiểu một chiều, hay “trò chơi có tổng bằng không”, người thua kẻ thắng.
Đầu tiên, Hoa Kỳ cần phải bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ thực chất, tổng thể trong khu vực. “Tôi nghĩ rằng, không có ai nghi ngờ về việc Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương. Các bạn có lợi ích trong khu vực, các bạn muốn một khu vực hòa bình, nhưng đồng thời các bạn cũng muốn gìn giữ luật pháp và chuẩn mực quốc tế”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Ông khẳng định, do đó sẽ rất quan trọng đối với Hoa Kỳ về việc thúc đẩy thông qua thỏa thuận TPP, phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Nếu không có sự quan tâm về hợp tác lẫn nhau trong phạm vi rộng, Mỹ cũng sẽ chỉ giống như các nước khác, có một số quan tâm và có một vài khẳng định”, ông Lý Hiển Long nhận xét. Một khi mối quan hệ được xây dựng, Mỹ sẽ ở tư thế tốt hơn để đối phó với cục diện trên Biển Đông.
“Các bạn đang ở một vị thế để nói: Chúng tôi đang ở đây, chúng tôi có một mối quan hệ tổng thể với Trung Quốc, giữa chúng ta có vấn đề, chúng ta có hợp tác, nhưng chúng ta cũng có những điều cần thảo luận với nhau”, Thủ tướng Singapore giải thích.
Washington và Bắc Kinh có những mâu thuẫn, tranh cãi về Biển Đông trong nhiều năm qua. Mỹ cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước trong khu vực, về phần mình Bắc Kinh nói Washington theo đuổi “tiêu chuẩn kép” và can thiệp (cái gọi là) lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn, The Wall Street Journal cũng hỏi ông Lý Hiển Long nhiều câu hỏi hóc búa khác về những vấn đề nóng trong khu vực. Ông Long được hỏi về quan điểm đối với chính trị Trung Quốc và nhà lãnh đạo nước này, ông Tập Cận Bình.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, đất nước này vẫn ý thức được những vấn đề họ đang gặp phải.
“Tôi không chắc chắn rằng họ đang cảm thấy chiến thắng. Tôi nghĩ rằng họ đang cảm thấy lo lắng rất nhiều mối quan hệ trong khu vực vẫn chưa được củng cố. Họ muốn các nước xem họ là bạn bè, nhưng họ biết rằng cần phải có thời gian.”
Bất chấp những gì dư luận cho là thách thức, ông Long tin rằng chế độ ông Tập Cận Bình vẫn ổn định: “Tôi không nghĩ ông ấy có thách thức. Tôi nghĩ ông ấy có rất nhiều giá trị cá nhân phổ biến. Họ có vấn đề, nhưng họ đang nỗ lực giải quyết nó. Họ hiểu được vấn đề mặc dù họ có thể không vượt qua chúng một cách nhanh chóng được.”
Ông Long cũng bác bỏ quan điểm cho rằng ông Tập Cận Bình đang thiết lập một phong cách sùng bái cá nhân mình. Cái gọi là “sùng bái cá nhân” ở đây theo ông Lý Hiển Long, có chăng là ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo cá tính mạnh, điều ít thấy trong một số người tiền nhiệm.