Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngTập trận ngăn bành trướng

Tập trận ngăn bành trướng

Cuộc tập trận thường niên mang tên Balikatan (Vai kề Vai) bắt đầu từ 4-4 và kéo dài 11 ngày với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ đến từ Philippines và Mỹ đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài khu vực.

Bởi diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh có nhiều hành động hung hăng, ngang ngược tại Biển Đông và cuộc tập trận năm nay không chỉ đơn thuần là chống khủng bố như các năm trước. Và Mỹ vừa được Manila chấp thuận cho sử dụng 5 căn cứ quân sự tại Philippines, trong đó có 2 căn cứ không quân chiến lược gần Biển Đông.

Ngoài ra, các cuộc tập trận gần đây nhất được tổ chức tại một căn cứ không quân cách khu vực tranh chấp trên Biển Đông khoảng 230km. Được biết, Mỹ triển khai 55 chiến đấu cơ, còn Philippines sử dụng các máy bay vừa mới mua và thuê của nước ngoài.

Trước đó (2-4), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh – phản đối bất kỳ nước nào sử dụng “cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải” để gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải của Trung Quốc!

Theo Giáo sư Rene de Castro đến từ Đại học De La Salle ở Manila, nhiều loại vũ khí được huy động chứng tỏ Philippines và Mỹ đang chuẩn bị cho tình huống bảo vệ lãnh thổ khi điều cả bệ phóng tên lửa di động, máy bay chiến đấu để tham gia tập trận.

Theo đánh giá của học giả Richard Javad Heydarian, Giáo sư về Khoa học Chính trị thuộc Đại học De La Salle ở Manila, mục tiêu thật sự của cuộc tập trận là nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa hai đồng minh và gửi thông điệp sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp cần thiết. Điều đáng nói là ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng điều tàu chiến đến Philippines.

Ngày 3-4, tàu ngầm Oyashio cùng 2 tàu khu trục JS Ariake và JS Setogiri, và 2 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản tới Subic trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị Philippines. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm Nhật Bản cập cảng Philippines trong 15 năm qua. Được biết, tàu ngầm và tàu khu trục của Nhật Bản sẽ tham gia tập trận chung với Philippines từ 19 đến 27-4.

Trước đó, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á Amy Searight cho biết, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận kể trên với tư cách quan sát viên, và Tokyo muốn có vai trò lớn hơn trong vấn đề này. Theo bà Amy Searight, Tokyo đang đàm phán với Manila về quy chế cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia hoạt động tại Philippines. Tháng 2-2016, Tokyo đã ký thỏa thuận với Philippines về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng và Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có thỏa thuận như vậy với Tokyo.

Trước đó (22-3), tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa dẫn đường USS Ohio của Mỹ đã cập cảng tại căn cứ Subic ở Philippines. USS Ohio là một trong những tàu ngầm lớn nhất thế giới và đây là tàu ngầm thứ 2 của Mỹ neo tại vịnh Subic, là chiếc thứ 6 của Mỹ thăm Philippines trong tháng 3. Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson tuyên bố, Mỹ tăng cường hoạt động quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham để phát hiện và ngăn chặn âm mưu cải tạo, bồi lấp của Trung Quốc ở đây.

Theo nhận định của tờ The Diplomat (Nhật Bản), sự hiện diện của các tàu khảo sát Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham cho thấy, Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị xây dựng căn cứ tại đây.

Chuyên gia Bonnie Glaser đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) cũng cho rằng, Trung Quốc dự định nạo vét bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và xây căn cứ mới. Bởi theo bà Bonnie Glaser, căn cứ ở Scarborough/Hoàng Nham sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc, khi kết hợp với các cơ sở đã xây dựng tại bãi đá Vành Khăn và Chữ Thập, Bắc Kinh có thể mở rộng kiểm soát trên biển và trên không rộng hơn.

Chuyên gia Timothy Heath đến từ tổ chức RAND (Mỹ) nhận định, căn cứ tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham không những cung cấp cho Trung Quốc khả năng giám sát các lực lượng Mỹ và Philippines hoạt động trên đảo Luzon tốt hơn, mà còn gia tăng uy hiếp khi Bắc Kinh triển khai tên lửa tại đây.

Ngày 30-3, khi phát biểu tại hội thảo “Publish Asia 2016” tổ chức ở Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo, thế giới sẽ thua nếu tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông dẫn tới chiến tranh. Cùng ngày 30-3, ông Benigno Aquino cho biết, Manila có thể đầu tư xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên và nước này phải đẩy mạnh hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để đáp ứng nhu cầu phòng vệ.

Dự kiến, từ năm 2017 Manila sẽ chi 83 tỉ pesos (khỏang 1,77 tỉ USD) để nâng cấp và hiện đại hóa khí tài quân sự của lực lượng không quân và hải quân. Ngoài ra, Philippines còn có kế hoạch mua một phi đội gồm máy bay đa năng, các khẩu đội tên lửa không đối đất, máy bay cảnh báo sớm và máy bay không người lái.

Theo tiết lộ của Hãng Finmeccanica (công ty mẹ của AgustaWestland), Hải quân Philippines đang mua 2 máy bay trực thăng AgustaWestland AW159 (trị giá khoảng 113,1 triệu USD) được thiết kế để săn tàu ngầm và chống chiến hạm. Hãng Finmeccanica cho biết, sẽ huấn luyện và hỗ trợ cho hoạt động của AgustaWestland AW159 trong nhiều năm. Manila cũng vừa mua 3 tàu đổ bộ (HMAS BalikpapanL 126, HMAS WewakL 130 và HMAS BetanoL 133) đã qua sử dụng từ Australia với giá 270 triệu peso. Và sau khi tu sửa, 3 tàu này sẽ được biên chế cho hải quân đúng dịp kỷ niệm 118 năm quốc khánh Philippines.

Theo nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã, sở dĩ Washington đặc biệt coi trọng các căn cứ không quân của Philippines bởi chúng tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ phản ứng nhanh đối với các sự vụ ở Biển Đông. Quân đội Mỹ đã có thể tự do sử dụng căn cứ hải quân Subic ở đảo Luzon. Và từ những căn cứ này, máy bay tuần tra Mỹ chỉ cần 30 phutus là có thể tới bầu trời khu vực quần đảo Trường Sa, hỗ trợ cho các hành động phản ứng nhanh của quân đội Mỹ khi có tình huống xung đột xảy ra ở đây trong tương lai.

Chuyên gia Trương Quân Xã còn cho rằng, việc Mỹ triển khai quân ở Philippines chủ yếu phục vụ chiến lược tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương, duy trì vị thế lãnh đạo của Washington ở khu vực này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh, thỏa thuận với Philippines cho thấy, Washington thực sự nghiêm túc về vấn đề tái cân bằng tại Châu Á – Thái Bình Dương. Và việc Mỹ triển khai quân ở Philippines không nhằm khiêu khích Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới